Mức độ nguy hiểm từ biến thể mới Lambda, lây truyền nhanh hơn Delta


Thứ 3, 03/08/2021 | 16:35


Cùng sự kiện

Nghiên cứu khoa học mới đã chỉ ra những người đã tiêm vaccine COVID-19 nếu mắc bệnh vẫn có khả năng lây lan ra cộng đồng và những hiểm hoạ từ biến chủng mới mang tên Lambda.

Hiểm hoạ từ biến thể Lambda

Trong ngày 1/8, Reuters đã đăng tải thêm thông tin từ một nghiên cứu khác đến từ các nhà khoa học Nhật Bản về biến chủng Lambda của virus SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên tại Peru và hiện đang lây lan ở Nam Mỹ. Theo đó, biến chúng này được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn và kháng vaccine cao hơn so với biến chủng gốc được xác định đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc).

Trong các thí nghiệm được thực hiện, các nhà khoa học phát hiện 3 đột biến trong protein của Lambda, được gọi là RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S, có tác dụng hỗ trợ biến thể này chống lại các kháng thể hình thành bởi vaccine COVID-19. Bên cạnh đó, 2 đột biến bổ sung là T76I và L452Q giúp Lambda tăng khả năng lây nhiễm. 

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ mới coi Lambda là "biến thể cần được quan tâm" chứ không phải "biến đáng lo ngại". Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo việc này có thể khiến người dân không nhận ra những hiểm hoạ có thể đến từ biến thể Lambda. 

Mặc dù vẫn chưa rõ liệu biến thể này có nguy hiểm hơn so với biến thể Delta hiện đang bùng phát ở nhiều quốc gia hay không, song nhà nghiên cứu cấp cao Kei Sato của Đại học Tokyo tin rằng "Lambda có thể là một mối đe dọa tiềm tàng đối với xã hội loài người".

Những người tiêm vaccine COVID-19 vẫn có nguy cơ lây lan virus

Hãng tin Reuters mới đây đã trích thông tin từ nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm y tế công cộng Madison và Dane của bang Wisconsin (Mỹ) về nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng của những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

Theo đó, nghiên cứu này chỉ ra rằng những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 vẫn có nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng như những người chưa tiêm chủng.

Tin thế giới - Mức độ nguy hiểm từ biến thể mới Lambda, lây truyền nhanh hơn Delta
Những người đã tiêm vaccine COVID-19 nếu mắc bệnh vẫn có nguy cơ lây lan dịch ra ngoài cộng đồng. Ảnh: Reuters

Cụ thể, tại một hạt ở bang Wisconsin, nơi biến thể Delta bùng phát nghiêm trọng, các nhà nghiên cứu đã phân tích lượng virus thu được từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân. Kết quả cho thấy lượng virus trong cơ thể bệnh nhân đã tiêm vaccine COVID-19 tương đương với lượng virus trong người những bệnh nhân chưa tiêm chủng. Đáng chú ý, mức độ virus này đủ lớn để phát tán ra cộng đồng. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu riêng biệt từ Singapore chỉ ra dù lượng virus trong cơ thể người bệnh đã tiêm vaccine COVID-19 và chưa tiêm vaccine ngang nhau nhưng đối với nhóm đã tiêm chủng, tải lượng virus sẽ có xu hướng giảm đi nhanh hơn và khỏi bệnh sớm hơn. Bởi vậy, các nhà khoa học vẫn khuyên người dân nên đi tiêm chủng để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình.

Tác dụng từ liều vaccine COVID-19 thứ 3

Hiện nay, vấn đề tiêm thêm mũi vaccine COVID-19 thứ 3 đang được nhiều quốc gia quan tâm. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học của Đại học Rockefeller (Mỹ), việc tiêm mũi vaccine thứ 3 của 2 loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfize/BioNTech hay Moderna có thể giúp những người chưa từng mắc COVID-19 có thêm kháng thể. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kháng thể của họ có khả năng chống virus SARS-CoV-2 chủng mới tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu Đại học Rockefeller lưu ý ở những người đã được chưa khỏi COVID-19, các kháng thể của hệ thống miễn dịch thường phát triển trong năm đầu tiên, trở nên mạnh hơn và có khả năng chống lại các biến thể mới tốt hơn.

Trong khi đó, theo đồng tác giả nghiên cứu Michel Nussenzweig, ở 32 tình nguyện viên chưa bao giờ mắc COVID-19, họ phát hiện ra rằng các kháng thể do vaccine sử dụng công nghệ mRNA tạo ra đã được hình thành và phát triển giữa 2 mũi tiêm. Tuy nhiên, khoảng 5 tháng sau khi tiêm mũi vaccine thứ 2, lượng kháng thể trong cơ thể những người này gần như không tăng lên và không có sự cải thiện để chống biến thể virus mới. 

Ông Nussenzweig cho biết, việc tiêm thêm liều thứ 3 của cùng một loại vaccine với những người này có thể sẽ tạo ra lượng kháng thể cao hơn trong cơ thể họ nhưng kháng thể này vẫn kém hiệu quả đối với viện ngăn ngừa sự lây nhiễm từ các biến thể mới.

Tuy nhiên, vaccine COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu quả trong việc ngăn bệnh diễn biến nghiêm trọng, bởi vậy, việc tiêm phòng COVID-19 vẫn được xem là một trong những biện pháp tích cực trong cuộc chiến phòng chống đại dịch. 

Minh Hạnh (Theo Reuters)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muc-do-nguy-hiem-tu-bien-the-moi-lambda-lay-truyen-nhanh-hon-delta-a509044.html