+Aa-
    Zalo

    Mức hình phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải chấp hành cho cả 2 vụ án?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Trong vụ án trước, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt án tù chung thân nhưng bản án này chưa có hiệu lực pháp luật nên chưa được tổng hợp trong vụ án sau"

    "Trong vụ án trước, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt án tù chung thân nhưng bản án này chưa có hiệu lực pháp luật nên chưa được tổng hợp trong vụ án sau", Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

    Ngày 25/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị VKSND TP.Hà Nội đề nghị án tù chung thân trong vụ án Tham ô tài sản. Bốn ngày trước, ngày 22/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị TAND TP.Hà Nội tuyên 14 năm tù tội Cố ý làm trái; tù chung thân tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là tù chung thân.

    Hồ sơ điều tra - Mức hình phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải chấp hành cho cả 2 vụ án?

    Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa chiều 25/1. (Ảnh: TTXVN)

    Điều dư luận đang quan tâm là nếu tiếp tục nhận án chung thân trong phiên tòa này, mức hình phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải chấp hành của cả hai phiên tòa là gì?

    Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: Điều 50, 51, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) và Điều 55, 56, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đều quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội.

    Theo đó, trong trường hợp bị cáo liền một lúc phạm nhiều tội, khi xét xử có tội ở mức án cao nhất là tử hình, tội khác là án chung thân hoặc tù có thời hạn thì hình phạt chung là tử hình. Trường hợp bị cáo phạm nhiều tội mà có tội cao nhất là tù chung thân, các tội khác là tù chung thân hoặc tù có thời hạn thì bị cáo chỉ phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân. Trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội mà các tội đều là hình phạt tù có thời hạn thì hình phạt chung là tổng hợp số năm bị tuyên phạt tù nhưng tổng số không quá 30 năm tù.

    Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.

    "Trong phiên tòa trước, bị cáo bị tuyên án chung thân. Nếu bị cáo Thanh kháng cáo thì TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án này. Bản án của tòa án cấp phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật luôn hoặc hết hạn kháng cáo và bị cáo Thanh không kháng cáo thì khi đó bản án sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật.

    Trong phiên tòa đang xét xử, nếu bị cáo Thanh bị tuyên án chung thân mà bản án trước đã có hiệu lực thi hành thì bản án này sẽ tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân. Nếu bị cáo Thanh kháng cáo bản án trước bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật nên sẽ không được tổng hợp trong vụ án này. Trong vụ án Tham ô tài sản này, tòa án sẽ xét xử và tuyên một bản án độc lập, hình phạt độc lập. Bản án sau cùng mới thực hiện việc tổng hợp hình phạt của những bản án trước đó đã có hiệu lực pháp luật mà chưa được thi hành thành một hình phạt chung để thi hành án.

    Tóm lại, trong vụ án trước, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tuyên phạt án tù chung thân nhưng bản án này chưa có hiệu lực pháp luật nên chưa được tổng hợp trong vụ án sau", luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

    Việt Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muc-hinh-phat-bi-cao-trinh-xuan-thanh-phai-chap-hanh-cho-ca-2-vu-an-a217829.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan