Mượn CMND lừa mua xe trả góp: Khó quy trách nhiệm cho ngân hàng?


Chủ nhật, 27/07/2014 | 08:50


(ĐSPL) - Việc người dân bị lừa dối dẫn đến hiểu sai tính chất giao dịch và tự nguyện ký vào hợp đồng trả góp rất khó quy trách nhiệm cho ngân hàng.

(ĐSPL) - "Việc người dân bị lừa dối dẫn đến hiểu sai tính chất giao dịch và tự nguyện ký vào hợp đồng trả góp rất khó quy trách nhiệm cho ngân hàng bởi họ không thể cũng không có trách nhiệm nắm bắt ý chí của người vay", Luật sư Chu Văn Tiến nhận định.

Clip người người dân tại Sóc Trăng bị kẻ gian lừa CMND mua xe trả góp. Nguồn VTV.

Thủ tục mua xe máy trả góp hiện nay khá đơn giản, khách hàng thường chỉ cần cung cấp bản sao CMND, bản sao sổ hộ khẩu và ký tên vào hợp đồng trả góp với ngân hàng (hoặc công ty tài chính). Dựa vào quy trình đơn giản này, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, mượn giấy tờ, nhờ họ đứng tên trong hợp đồng rồi lấy xe và “cao chạy xa bay”.

Trong khi đó, người dân vẫn nghĩ, người nào lấy xe người đó chịu trách nhiệm trả khoản vay, còn họ chỉ là người cho mượn giấy tờ, không liên quan gì với phía ngân hàng. Quan niệm sai lầm này đã khiến hàng trăm người dân tại Sóc Trăng đang phải lãnh khoản nợ hàng chục triệu đồng với ngân hàng. Đây là ví dụ điển hình cho sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như những kẽ hở trong thủ tục mua bán trả góp hiện nay. 

Trao đổi với báo Đời sống và Pháp luật, Luật sư Chu Văn Tiến - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Nam cho rằng, trong sự việc này cần làm rõ và tách biệt 2 mối quan hệ:

Thứ nhất là mối quan hệ giữa ngân hàng và người cho mượn giấy tờ tùy thân.

Việc cá nhân cung cấp giấy tờ tùy thân và ký vào một bên trong hợp đồng trả góp đã được xác lập giao dịch giữa cá nhân đứng tên trong CMND, sổ hộ khẩu với phía ngân hàng.

Theo điều 122 Bộ Luật dân sự (BLDS) 2005, giao dịch này thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực bao gồm tự nguyện, không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội.

Do đó, khi xác lập sẽ ràng buộc người đứng ra ký kết với các quyền và nghĩa vụ mà hợp đồng ghi nhận, bao gồm nghĩa vụ thanh toán khoản vay gốc và lãi khi đến hạn.

Thậm chí, trong trường hợp người đứng ra ký tên bị lừa dối dẫn đến nhầm lẫn về tính chất của giao dịch thì cũng rất khó chứng minh để yêu cầu tuyên bố giao dịch với ngân hàng là vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005.

Trong khi đó, các đối tượng đi mượn giấy tờ không hề xác lập bất cứ mối liên hệ nào với ngân hàng do đó, không có sự ràng buộc trách nhiệm nào với khoản vay kể trên.

 - Mượn CMND lừa mua xe trả góp: Khó quy trách nhiệm cho ngân hàng?

Người dân cần cẩn trọng và xem xét kỹ lưỡng trước khi giao những giấy tờ tùy thân quan trọng của mình cho người khác. 

Vì vậy, nghĩa vụ thanh toán đối với khoản vay của ngân hàng sẽ thuộc về người dân – người đứng ra ký tên hợp trong đồng trả góp.

Thứ hai là mối quan hệ giữa người cho mượn và các đối tượng đi mượn giấy tờ.

Hầu hết các đối tượng đều dựa vào sự quen biết để mượn sổ hộ khẩu, CMND và nhờ người dân đứng tên ký trong hợp đồng. Đây hoàn toàn là thỏa thuận dân sự giữa hai bên.

Việc xác định trách nhiệm của các đối tượng đi mượn này phụ thuộc vào thỏa thuận, cam kết giữa hai bên và tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể.

Chiếc xe máy được mua từ hợp đồng trả góp, về mặt pháp lý thuộc quyền sở hữu của người dân đã ký tên trong hợp đồng trả góp. Nếu trường hợp người đi mượn giấy tờ sau khi mua được xe và lấy xe đó để đi nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả tiền ngân hàng thay cho người cho mượn giấy tờ thì người cho mượn giấy tờ hoàn toàn có quyền đòi lại chiếc xe từ các đối tượng này theo Điều 255, Điều 256 BLDS 2005.

Thông qua vụ việc, Luật sư Chu Văn Tiến cho rằng: “Việc người dân bị lừa dối dẫn đến hiểu sai tính chất giao dịch và tự nguyện ký vào hợp đồng trả góp rất khó quy trách nhiệm cho ngân hàng bởi họ không thể cũng không có trách nhiệm nắm bắt ý chí của người vay”.

Mượn CMND lừa mua xe trả góp: Khó quy trách nhiệm cho ngân hàng?

Luật sư Chu Văn Tiến - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Nam.

Lý giải nhận định của mình, Luật sư viện dẫn Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng. Theo đó, khách hàng chỉ được cho vay khi đã đáp ứng đủ các điều kiện vay và không thuộc các trường hợp không được cho vay.

Trường hợp có sai phạm trong khâu thủ tục cho vay khi bên vay không đủ điều kiện (như không có khả năng trả nợ…) hay thuộc trường hợp không được vay vốn thì trách nhiệm mới hoàn toàn thuộc về phía ngân hàng.

Liên quan đến trách nhiệm pháp lý mà các đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt, Luật sư Chu Văn Tiến cho biết: “Khi cơ quan điều tra vào cuộc, họ sẽ phải xem xét hết tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm mới có thể định tội danh chính xác đối với những vụ việc như thế này. Do đó việc xác định tội danh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các tình tiết cụ thể của vụ việc”.

Trường hợp, có dấu hiệu lừa dối có thể xử lý theo Điều 139 BLHS 1999 với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Một khi các đối tượng lợi dụng sự thân quen, tin tưởng của người dân rồi lấy xe chạy mất có thể xử lý theo Điều 140 BLHS 1999 với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trường hợp các đối tượng mượn CMND, sổ hộ khẩu rồi tẩy, xóa nhằm sửa chữa thông tin để làm thủ tục vay với ngân hàng thì đã có dấu hiệu của tội “Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự 1999.

Những điều người dân cần biết để cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo:

Thứ nhất, phải hiểu rõ việc đứng tên, ký kết bất cứ giao dịch nào cũng sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ tương ứng của giao dịch đó đối với họ. Thậm chí trong trường hợp họ không phải là người thụ hưởng các khoản lợi từ giao dịch thì họ vẫn là người chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó.

Tương tự, các giấy tờ tùy thân như CMND, sổ hộ khẩu chỉ có giá trị khi chính người đứng tên trong giấy tờ đó sử dụng, việc cho mượn các giấy tờ này để các đối tượng khác sử dụng thì phải xem xét một cách cẩn trọng.

Thứ hai, trong giao dịch cụ thể là đứng ra vay hộ tiền ngân hàng cho người khác, quan hệ cho vay chỉ xác lập giữa ngân hàng và người vay, vì thế người vay phải có nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng.

Việc giao số tiền vay được và thanh toán như thế nào giữa người vay và người nhờ vay hoàn toàn phụ thuộc thỏa thuận giữa hai bên này. Do đó, khi đứng ra vay hộ ai đó cần có những thỏa thuận, cam kết rõ ràng về trách nhiệm của bên nhờ vay cũng như cân nhắc về khả năng trả nợ của người đó.

Thứ ba, đối với các ngân hàng, tổ chức tài chính có hoạt động thêm mảng cho khách hàng vay trả góp thì nên có một đội ngũ tư vấn chi tiết cho những người trực tiếp ký tên vào hợp đồng, để người dân nắm được những quyền lợi và nghĩa vụ sẽ phát sinh khi thực hiện giao dịch, góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân đồng thời giúp cho những giao dịch của ngân hàng không bị rủi ro.


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muon-cmnd-lua-mua-xe-tra-gop-kho-quy-trach-nhiem-cho-ngan-hang-a42727.html