+Aa-
    Zalo

    MV xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” và lối đi riêng biệt của Tân Nhàn

    (ĐS&PL) - Tân Nhàn khiến công chúng nghĩ khác về âm nhạc truyền thống Việt Nam qua MV xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành”.

    Tân Nhàn chia sẻ, từ xưa đến giờ, các album của cô dù là 10 bài hay 12 - 13 bài, dù mất rất nhiều thời gian để đi học hỏi các nghệ nhân dân gian như album “Níu dải lụa đào”, thì cũng chỉ mất 1 năm.

    Trong khi đó, MV “Công cha ngãi mẹ sinh thành” được thực hiện suốt 2 năm trời ròng rã. Cô “thai nghén” MV này ngay sau khi hoàn thành liveshow “Trở về” năm 2019.

    Sau hiệu ứng của liveshow “Trở về”, Tân Nhàn đã bàn bạc với nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dân tộc trong liveshow, tiến hành hoà âm phối khí cho bài xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành”.

    mv xam cong cha ngai me sinh thanh va loi di rieng biet cua tan nhan
    NSƯT Tân Nhàn và ekip thực hiện MV xẩm "Công cha ngãi mẹ sinh thành".

    Quá trình hoà âm phối khí của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh mất tới nửa năm. Không vì lý do bận rộn, không vì bất cứ một lý do nào, chỉ đơn giản là bởi Đồng Quang Vinh đã dành rất nhiều thời gian dày công nghiên cứu tỉ mỉ để có thể đem đến cho bài xẩm một bài phối hoàn toàn khác biệt, vẫn đảm bảo được tinh tuý từ bài xẩm đã gắn liền với nghệ nhân Hà Thị Cầu mà tôn vinh được một tinh thần xẩm mới của Tân Nhàn và làm sao để khán giả hôm nay, khán giả thế giới có thể nghe và yêu được tác phẩm này.     

    Nếu như phần âm nhạc là xẩm, là tinh tuý của âm nhạc dân tộc kết hợp với tinh tuý âm nhạc cổ điển phương tây, thì hình ảnh MV “Công cha ngãi mẹ sinh thành” khiến người xem ngỡ ngàng bởi phần đồ hoạ. Đây là lần đầu tiên ê-kíp sử dụng chất liệu đặc biệt là tranh sơn mài và họa tiết thời Lý để đưa vào đồ hoạ 3D kết hợp với những giai điệu dân gian nhằm tạo ra 1 MV dễ dàng tiếp cận với người xem, kể cả người trẻ tuổi lẫn người lớn tuổi.

    Nhờ sự chỉn chu trong từng nét vẽ, khung hình đó của ekip mà MV “Công cha ngãi mẹ sinh thành” tạo được sự độc đáo thuần Việt rất đặc sắc. Dải lụa mềm mại xuất hiện từ đầu đến cuối MV quấn quyện được đạo diễn Trần Xuân Chung lý giải, đó là dải lụa đặc trưng cho hình ảnh lụa Việt nhưng cũng lại là ẩn ý nói về dây rốn của đứa trẻ gắn với mẹ khi ra đời và gắn với nhau đời đời trong tình cảm sinh thành, dưỡng dục. Chuyển động khá mượt mà của hình ảnh đồ hoạ, hài hoà với các nghệ sĩ, diễn viên múa trong MV khiến người xem bị cuốn theo câu chuyện ngay từ những hình ảnh đầu tiên.

    MV xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” phần nào cho thấy con đường không mệt mỏi của Tân Nhàn trong nỗ lực tôn vinh giá trị âm nhạc truyền thống suốt nhiều năm qua. Và hôm nay, qua MV có thể nhìn thấy khát vọng đưa nghệ thuật truyền thống hòa nhập với âm nhạc đương đại thế giới của cô.

    Nhiều năm trước khi bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu âm nhạc truyền thống, Tân Nhàn đã hiểu rằng đây là con đường đi không hề dễ dàng khi thế hệ trẻ ngày càng xa rời âm nhạc truyền thống trong cơn lốc của hội nhập, của thế giới phẳng. Tuy nhiên, vừa là đam mê, vừa là trách nhiệm của một người giảng dạy thanh nhạc cho thế hệ trẻ, Tân Nhàn đã không nản lòng mà quyết tâm chinh phục bằng được lối đi này dù khó khăn đến đâu đi chăng nữa.

    Tân Nhàn luôn cho rằng, một đất nước giữ được âm nhạc, nghệ thuật truyền thống tức là giữ được bản sắc văn hoá. Thế nên, cô muốn góp sức nhỏ của mình để cống hiến và truyền tình yêu âm nhạc, nghệ thuật truyền thống cho thế hệ sau. Đồng thời phải quảng bá giá trị văn hoá, nghệ thuật Việt đến với thế giới không phải bằng cách quảng bá “cái lạ” của nghệ thuật truyền thống nước mình, mà phải cho thấy sự giao thoa, hoà quyện của nghệ thuật truyền thống với âm nhạc thế giới mới dễ dàng tiếp cận công chúng thế giới hơn.

    mv xam cong cha ngai me sinh thanh va loi di rieng biet cua tan nhan2
    Tân Nhàn cho rằng dù cuộc sống có biến thiên ra sao thì thế hệ này sẽ vẫn luôn có những người mang sứ mệnh trao truyền tinh hoa cho thế hệ sau để giữ mãi hồn cốt bản sắc văn hoá dân tộc.

    “Âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt Nam rất đặc sắc, rất đẹp, chúng ta cần quảng bá nhiều hơn với thế giới. Đó cũng là cách quảng bá hình ảnh Việt Nam", Tân Nhàn chia sẻ.

    Tân Nhàn cảm thấy, đó là sứ mệnh, là trách nhiệm của một người con lớn lên từ những làn điệu dân ca quê hương như cô. Đó cũng là lý do vì sao Tân Nhàn đã đưa những câu hát xẩm mang tính “huyền thoại” của nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu mở đầu cho MV, nhằm khẳng định giá trị bất biến của truyền thống trong sự vận động của lịch sử. Giá trị ấy tiếp tục được thế hệ sau giữ gìn và phát huy, trong đó có Tân Nhàn.

    Trong hình ảnh MV, khán giả dễ dàng nhìn thấy sắc đỏ khi diễn tả về người con sinh ra từ bào thai của mẹ, gắn kết máu thịt với người mẹ, điều đó cũng giống như âm nhạc truyền thống của Việt Nam là máu thịt của dân tộc Việt Nam…

    Tân Nhàn cho rằng, dù cuộc sống có biến thiên thế nào thì thế hệ này sẽ vẫn luôn có những người mang sứ mệnh trao truyền tinh hoa cho thế hệ sau để giữ mãi hồn cốt bản sắc văn hoá dân tộc.

    Đinh Kim 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mv-xam-cong-cha-ngai-me-sinh-thanh-va-loi-di-rieng-biet-cua-tan-nhan-a523917.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan