+Aa-
    Zalo

    Năm 2023, biên bản kết luận giám định pháp y tử thi mới nhất ra sao?

    (ĐS&PL) - Từ kết luận giám định pháp y tử thi, Cơ quan điều tra mới có đủ căn cứ để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp là vụ án hình sự, giám định pháp y tử thi còn cung cấp những chứng cứ quan trọng để điều tra làm rõ vụ án một cách nhanh chóng, khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội.

    Giám định pháp y tử thi là gì?

    Giám định pháp y tử thi để xác định nguyên nhân tử vong, trong điều tra các vụ việc có người chết là yêu cầu bắt buộc của hoạt động điều tra hình sự nhằm xác định có hay không dấu vết tội phạm trên thân thể người chết. Từ kết luận giám định pháp y tử thi, Cơ quan điều tra mới có đủ căn cứ để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp là vụ án hình sự, giám định pháp y tử thi còn cung cấp những chứng cứ quan trọng để điều tra làm rõ vụ án một cách nhanh chóng, khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội.

    XEM THÊM:

    Từ 15/8, bán xe không nộp lại biển số, đăng ký xe sẽ bị phạt tới 8 triệu đồng

    Người dân sẽ được hưởng những quyền lợi gì khi đổi sang biển số định danh?

    Ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2022/TT-BYT về quy trình, biểu mẫu giám định pháp y, thời hạn, nhân lực thực hiện giám định pháp y. Thông tư 13/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

    Trong đó quy định nguyên tắc, quy trình giám định pháp y tử thi tại Phụ lục 1 Thông tư 13/2022/TT-BYT như sau:

    Nguyên tắc giám định pháp y tử thi

    Khám từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, từ trước ra sau, từ ngoài vào trong.

    Tùy theo nội dung quyết định trưng cầu mà  giám định viên (GĐV) thực hiện khám nghiệm bên ngoài, khám nghiệm từng phần hay toàn bộ tử thi.

    Quy trình giám định pháp y tử thi

    1. Khám ngoài

    Nhận dạng tử thi

    - Mô tả tư thế tử thi.

    - Mô tả sự liên quan giữa tử thi và hiện trường (nếu khám nghiệm ở hiện trường).

    - Mô tả đặc điểm trang phục: Màu sắc, cũ mới, kiểu quần áo, nhãn hiệu quần áo,... Dấu vết trên quần áo.

    - Mô tả các vật dụng, tư trang, giấy tờ của nạn nhân; vị trí của tư trang trên tử thi, tại hiện trường,...

    - Xác định giới tính tử thi.

    - Đánh giá tình trạng tử thi: Thể trạng (cao, thấp, gầy, béo,...); lạnh tử thi; đo thân nhiệt tử thi (nếu cần thiết).

    - Đánh giá tình trạng cứng tử thi, hoen tử thi (đặc điểm, vị trí, mức độ, giai đoạn); tình trạng phân hủy tử thi.

    - Mô tả tóc: Độ dài, thẳng quăn, màu tóc.

    - Mô tả mắt, lông mày, tai, mũi, miệng, cằm.

    - Mô tả đặc điểm răng: Răng thật, răng giả, loại răng giả,…

    - Mô tả các vết sẹo, các vết xăm, các dị tật, dị dạng (nếu có),…

    Kiểm tra, đánh giá bên ngoài tử thi

    - Kiểm tra và mô tả đầu, mặt, mắt (niêm mạc mắt, kết mạc, đồng tử), lỗ tai, lỗ mũi, miệng, cổ, toàn thân, các chi theo nguyên tắc từ trước ra sau, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Mô tả các đặc điểm tổn thương về vị trí, kích thước, màu sắc, tính chất tùy theo loại hình,...

    - Kiểm tra vùng cổ: Mô tả các dấu vết tổn thương, đặc điểm, tính chất.

    - Kiểm tra vùng ngực, bụng, lưng, mông: Mô tả các dấu vết tổn thương, đặc điểm, tính chất.

    - Kiểm tra, đánh giá tay, chân: Lòng bàn tay, bàn chân, móng tay, móng chân, nếp bẹn,...

    - Kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, hậu môn.

    nam 2023 bien ban ket luan giam dinh phap y tu thi moi nhat ra sao 1
    Quy trình giám định pháp y tử thi

    2. Khám trong

    Đầu:

    - Đánh giá tình trạng da, cơ vùng đầu (bình thường, tụ máu,…).

    - Đánh giá tình trạng xương sọ (bình thường, dị tật, vỡ xương,...).

    - Đánh giá tình trạng não: Màng não, nhu mô não, tiểu não, cầu não, hành não, các não thất, hệ mạch máu não,…

    Cổ:

    - Kiểm tra đánh giá tổ chức phần mềm dưới da, cơ.

    - Kiểm tra đánh giá lưỡi, cuống lưỡi, thành sau họng.

    - Kiểm tra đánh giá xương móng, sụn giáp, sụn nhẫn, tuyến giáp.

    - Kiểm tra, đánh giá khí quản.

    - Kiểm tra đánh giá bó mạch cảnh hai bên.

    - Kiểm tra đánh giá cột sống cổ.

    Ngực:

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng tổ chức dưới da, cơ thành ngực.

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng hệ thống xương sườn, xương ức, tuyến ức.

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng hố ngực, màng phổi, dịch màng phổi.

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng phổi: Bề mặt phổi, diện cắt, mật độ nhu mô phổi, lòng khí phế quản, các mạch máu ở phổi.

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng tim: Màng ngoài tim, lượng dịch khoang màng ngoài tim, hình thể, kích thước tim, bề mặt tim, các thành tim, cơ tim, cột cơ, dây chằng, van tim, buồng tim, tình trạng các mạch vành, lòng các gốc động mạch, tĩnh mạch buồng tim.

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng cơ hoành.

    - Kiểm tra, đánh giá cột sống ngực.

    Bụng:

    - Kiểm tra, đánh giá da, tổ chức dưới da, cơ thành bụng, tình trạng ổ bụng, mạc nối, các tạng trong ổ bụng: gan, túi mật, đường mật; lách, tụy, dạ dày và chất chứa trong dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng, thận và thượng thận, bàng quang.

    - Kiểm tra, đánh giá âm đạo, tử cung, buồng trứng (đối với nữ).

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng các mạch máu ở bụng.

    - Kiểm tra, đánh giá khung chậu.

    - Kiểm tra, đánh giá tình trạng cột sống thắt lưng.

    Tay, chân:

    Các tổn thương rách da, bầm tụ máu dưới da, gãy xương để xác định tổn thương có trước chết hay sau chết (GĐV cần rạch bộc lộ tổn thương để đánh giá).

    Thu mẫu, chỉ định xét nghiệm bổ sung/giám định khác

    - Tùy từng trường hợp, GĐV quyết định việc thu mẫu và chỉ định xét nghiệm bổ sung/giám định khác phù hợp:

    + Thu mẫu tại các vị trí nghi ngờ tổn thương để làm xét nghiệm/giám định mô bệnh học.

    + Thu phủ tạng và máu, chất chứa trong dạ dày, nước tiểu, phân để làm xét nghiệm/giám định độc chất, xét nghiệm vi sinh,…

    + Thu mẫu máu để làm xét nghiệm nhóm máu, bệnh truyền nhiễm.

    + Thu chất dịch âm đạo để làm xét nghiệm tinh trùng, xét nghiệm/giám định ADN, xét nghiệm bệnh truyền nhiễm,...

    + Thu mẫu dấu vết ở tay qua băng dính, cắt móng tay.

    + Thu mẫu làm các xét nghiệm khác (nếu cần).

    - Niêm phong, bảo quản, bàn giao mẫu theo quy định.

    Kết thúc khám nghiệm

    - Khâu vết mổ và các vết thương nếu có.

    - Vệ sinh sơ bộ tử thi.

    - Họp hội đồng khám nghiệm giải quyết các yêu cầu của giám định (nếu cần).

    - Sau khi khám nghiệm tử thi cần có đánh giá, nhận định sơ bộ.

    Nghiên cứu mẫu vật, thực nghiệm

    - Trường hợp cơ quan trưng cầu cung cấp mẫu vật thì GĐV nghiên cứu, giám định mẫu vật theo Quy trình giám định vật gây thương tích (Quy trình 11, mục IV).

    - Trường hợp cần thiết, GĐV báo cáo lãnh đạo đơn vị để tiến hành thực nghiệm.

    3. Khám nghiệm hiện trường

    Trong trường hợp cần thiết, GĐV có thể đề nghị được tham gia khám nghiệm hiện trường hoặc nghiên cứu hiện trường.

    4. Hội chẩn, xin ý kiến chuyên gia

    Tiến hành hội chẩn, xin ý kiến chuyên gia trong trường hợp cần thiết.

    Tổng hợp, đánh giá kết quả và kết luận giám định

    Tổng hợp các kết quả chính: 

    - Kết quả khám nghiệm tử thi.

    - Kết quả xét nghiệm bổ sung, giám định khác: mô bệnh học, độc chất, ADN...

    - Kết quả giám định mẫu vật, kết quả thực nghiệm (nếu có).

    - Kết quả hội chẩn, ý kiến chuyên gia (nếu có).

    - Kết quả khám nghiệm hiện trường (nếu có).

    - Kết quả khác (nếu có).

    Kết luận giám định pháp y tử thi căn cứ vào các kết quả chính qua giám định, trả lời nội dung các câu hỏi theo quyết định trưng cầu giám định.

    nam 2023 bien ban ket luan giam dinh phap y tu thi moi nhat ra sao 2
    nam 2023 bien ban ket luan giam dinh phap y tu thi moi nhat ra sao 3
    nam 2023 bien ban ket luan giam dinh phap y tu thi moi nhat ra sao 4
    Năm 2023, biên bản kết luận giám định pháp y tử thi mới nhất ra sao

    Lưu ý, kết luận giám định pháp y tử thi được in thành 02 bản, trong đó 01 bản trả cơ quan trung cầu/người yêu cầu giám định và 01 bản lưu tại cơ quan giám định.

    Ai là người thực hiện giám định pháp y tử thi?

    Căn cứ Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BYT có quy định người thực hiện giám định pháp y bao gồm: Giám định viên pháp y và người giúp việc cho giám định viên pháp y.

    Theo đó, giám định viên pháp y và người giúp việc cho giám định viên pháp y sẽ tiến hành thực hiện giám định tử thi.

    Mức bồi dưỡng giám định tư pháp đối với người thực hiện giám định tử thi là bao nhiêu?

    Căn cứ theo Điều 3 Quyết định 01/2014/QĐ-TTg, đối với người thực hiện giám định tử thi thì sẽ được hưởng mức bồi dưỡng giám định tư pháp như sau:

    (1) Giám định tử thi mà không mổ tử thi và tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên:

    - Mức 600.000 đồng/tử thi đối với người chết trong vòng 48 giờ;

    - Mức 800.000 đồng/tử thi đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày;

    - Mức 1.000.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày.

    (2) Giám định mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên được quy định như sau:

    - Mức 1.500.000 đồng/tử thi đối với người chết trong vòng 48 giờ;

    - Mức 2.500.000 đồng/tử thi đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày;

    - Mức 3.000.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày;

    - Mức 4.500.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày và phải khai quật.

    (3) Trường hợp tử thi được bảo quản theo đúng quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành thì người giám định tư pháp được hưởng 75% mức bồi dưỡng giám định tương ứng quy định tại mục (1) và mục (2) nêu trên.

    (4) Khi thực hiện giám định pháp y về tử thi theo mục (1) và (2) nêu trên mà đối tượng giám định bị:

    - Nhiễm HIV/AIDS, mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm;

    - Phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm thuộc nhóm A, nhóm B quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007;

    - Phải tiếp xúc với chất phóng xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP, chất độc hại, nguy hiểm khác theo quy định của pháp luật có liên quan

    Thì áp dụng mức bồi dưỡng như sau:

    - Mức 1.000.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày.

    - Mức 4.500.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày và phải khai quật.

    Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp áp dụng cho những người nào?

    Theo Điều 1 Quyết định 01/2014/QĐ-TTg thì chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp áp dụng cho những người sau đây:

    (1) Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp.

    (2) Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm:

    - Trợ lý; kỹ thuật viên; y công; cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi;

    - Những người khác hỗ trợ cho người giám định tư pháp và tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định do thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định.

    (3) Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.

    XEM THÊM:

    Sát hại chủ quán cà phê kích dục sau khi "vui vẻ", người đàn ông 32 tuổi lĩnh án tử hình

    Lừa đảo 16 tỷ đồng, "nữ quái" ở Cần Thơ bị truy nã đặc biệt

    Việc chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp được thực theo nguyên tắc gì?

    Căn cứ theo Điều 5 Quyết định 01/2014/QĐ-TTg, nguồn kinh phí và nguyên tắc chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp được thực hiện theo quy định như sau:

    Nguồn kinh phí và nguyên tắc chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp

    1. Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ án hình sựhoặc vụ việc giám định do cơ quan điều tra có thẩm quyền trưng cầu do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

    Hằng năm, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phát kinh phí bảo đảm chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp. Việc sử dụng kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

    2. Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu theo yêu cầu của đương sự do đương sự chi trả theo quy định của pháp luật về tố tụng, chi phí giám định, định giá trong tố tụng.

    3. Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm tạm ứng tiền bồi dưỡng giám định khi trưng cầu giám định và phải thanh toán tiền bồi dưỡng giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

    Hoàng Yên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-2023-bien-ban-ket-luan-giam-dinh-phap-y-tu-thi-moi-nhat-ra-sao-a587043.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan