+Aa-
    Zalo

    Nâng cao kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội Luật gia Việt Nam

    (ĐS&PL) - “Hội Luật gia Việt Nam đã xác định rõ cần phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các trung tâm...”.

    Tăng cường tiếp cận pháp luật và dịch vụ pháp lý cho công dân

    Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc hỗ trợ (Dự án EU JULE), Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho đội ngũ giảng viên chủ chốt về kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội Luật gia Việt Nam vào 2 ngày 4-5/11/2021.

    nang cao ky nang tu van phap luat cho can bo hoi luat gia viet nam dspl 1
    Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh phát biểu khai mạc.

    Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh cho biết, buổi tập huấn về kỹ năng tư vấn pháp luật được tổ chức cho đội ngũ tư vấn viên nòng cốt các tỉnh phía Bắc, với mục đích sau này sẽ tập huấn lại cho đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên và các hội viên tư vấn pháp luật tại địa phương.

    “Đây là cuộc tập huấn đầu tiên dành cho cán bộ Hội ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, khởi đầu cho 3 cuộc tập huấn cho cán bộ Hội ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước trong tháng 11 này”, Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh nói.

    Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, trong những năm qua, Hội đã nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường tiếp cận pháp luật và dịch vụ pháp lý cho công dân nói chung và những người chịu thiệt thòi nói riêng, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội và 58 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp trên toàn quốc. Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm này đã giúp người dân nâng cao ý thức pháp luật, cũng như giải quyết các vướng mắc pháp luật của người dân.

    Tuy nhiên, đội ngũ tư vấn viên pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam, mặc dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành luật, có thời gian công tác pháp luật lâu năm, có kinh nghiệm và nhiệt tình, tâm huyết với nghề nhưng chưa được thường xuyên cập nhật các kỹ năng để thực hiện công việc tư vấn một cách chuyên nghiệp.

    Việc tiếp cận trợ giúp pháp lý rất quan trọng

    Phát biểu tại hội nghị tập huấn, bà Audrey-Anne Rochelemagne - Tùy viên, Phòng Quản trị và Pháp quyền, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam bày tỏ, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, điều đó, khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn, buổi tập huấn diễn ra không thể gặp nhau trực tiếp. Tuy nhiên, việc tiếp cận công lý là vấn đề vô cùng quan trọng đặc biệt là với nhóm đối tượng bị tổn thương... Vì thế, bà Audrey-Anne Rochelemagne cho rằng việc tổ chức trực tuyến với chủ đề tập huấn giảng viên chủ chốt kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội Luật gia Việt Nam là rất phù hợp.

    “Việc tiếp cận trợ giúp pháp lý rất quan trọng, để đảm bảo tiếp cận công lý cho những người dễ bị tổn thương nhất, đây cũng là một trong những mục tiêu của EU”, bà Audrey-Anne Rochelemagne cho biết.

    Bà Audrey-Anne Rochelemagne cũng nhấn mạnh vai trò của các tư vấn viên vô cùng quan trọng, để đảm bảo người dân tiếp cận được trợ giúp pháp lý...

    Bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn sẽ được tiếp tục đồng hành cùng Hội Luật gia Việt Nam trong các chương trình sắp tới. Thay mặt lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh đã gửi lời cảm ơn tới đại diện của EU, UNDP luôn đồng hành cùng Hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện hoạt động này và nhiều hoạt động tăng cường năng lực cho cán bộ Hội.

    Hội nghị tập huấn giảng viên chủ chốt kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội Luật gia Việt Nam sẽ được diễn ra trong 2 ngày 4-5/11/2021 với sự đồng hành của hai giảng viên đại học Luật Hà Nội là TS. Phan Thị Lan Hương và Ths.Lưu Hải Yến– có nhiều kinh nghiệm giảng dạy pháp luật và đặc biệt có kinh nghiệm trong việc xây dựng tài liệu và tập huấn cho tập huấn viên.

    Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do EU và UNDP hỗ trợ, trong năm 2020, Hội Luật gia đã lựa chọn 3 kỹ năng quan trọng nhất, bao gồm: (1) Kỹ năng giao tiếp và phỏng vấn người yêu cầu TVPL; kỹ năng lấy người yêu cầu TVPL làm trọng tâm trong quá trình tư vấn và giúp người yêu cầu tư vấn đưa ra quyết định và (3) kỹ năng phân tích và xây dựng kế hoạch giải quyết vụ việc để tiến hành xây dựng tài liệu nâng cao năng lực tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội Luật gia Việt Nam. Tài liệu này đã được tham vấn các tư vấn viên pháp luật và đã được tập huấn thử. Trên cơ sở kết quả tập huấn thử nghiệm vào cuối năm 2020, Tài liệu đã được chỉnh lý, hoàn thiện.

    “Với mong muốn hướng tới một dịch vụ tư vấn pháp luật tốt hơn, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người dân nói chung, đặc biệt là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội nói riêng, Hội Luật gia Việt Nam đã xác định rõ cần phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm, mà khâu then chốt là phải tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện hoạt động này thông qua các cuộc tập huấn”, Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh bày tỏ.

    Hoàng Bích

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (38)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nang-cao-ky-nang-tu-van-phap-luat-cho-can-bo-hoi-luat-gia-viet-nam-a519124.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan