+Aa-
    Zalo

    New York Times: Cựu Tổng thống Trump giữ hơn 300 tập tài liệu mật tại dinh thự Mar-a-Lago

    • DSPL
    ĐS&PL Cuộc đột kích của FBI vào dinh thự riêng của cựu Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận Mỹ.

    Ba đợt thu giữ tài liệu 

    Theo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, hồi đầu tháng 1 vừa qua, họ lần đầu thu giữ một thùng tài liệu chứa hơn 150 tài liệu mật. Con số này được cho là đã khiến Bộ Tư pháp lo ngại và kích động một cuộc điều tra tội phạm, được dẫn đầu bởi các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI). Cuộc điều tra này đã kéo theo một cuộc đột kích của FBI vào dinh thự riêng Mar-a-Lago tại bang Florida (Mỹ). Tại đây, các đặc vụ đã phát hiện và thu giữ thêm nhiều tài liệu mật khác.

    Nguồn tin của New York Times cho biết, chính phủ liên bang đã thu giữ tổng cộng hơn 300 tài liệu mật từ dinh thự của cựu Tổng thống Trump kể từ khi ông rời nhiệm sở tới nay. Nguồn tin tiết lộ, lô tài liệu đầu tiên được thu lại từ tháng 1, lô tài liệu thứ 2 do trợ lý thân cận của ông Trump giao nộp cho Bộ Tư pháp vào tháng 6 và thêm nhiều thùng tài liệu được FBI tìm thấy trong dinh thự riêng của cựu tổng thống vào tháng 8. 

    Số lượng lớn tài liệu mật báo cáo hồi tháng 1 được cho là nguyên nhân khiến Bộ Tư pháp hành động khẩn cấp trong cuộc điều tra hiện nay, nhằm xác định xem cựu tổng thống đang lưu giữ những tài liệu nhạy cảm nào.

    Và việc số lượng lớn các tài liệu có độ nhạy cảm cao vẫn được giữ Mar-a-Lago trong nhiều tháng cho thấy cựu tổng thống hoặc các trợ lý của ông đã xử lý chúng không đúng cách hoặc đã không thẳng thắn với các nhà điều tra. 

    fbi kham xet dinh thu ong trump1
    Xe cảnh sát đỗ bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Trump hôm 8/8. Ảnh: AP 

    Bản chất của các tài liệu mà ông Trump đem đi từ Nhà Trắng đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nhưng 15 thùng tài liệu được chuyển đến Cơ quan Lưu trữ Quốc gia hồi tháng 1 vừa qua bao gồm các tài liệu từ Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia và FBI. 

    Theo các nguồn thạo tin, ông Trump đã xem xét lại toàn bộ các tài liệu trên vào cuối năm 2021 trước khi giao nộp lại chúng vào đầu năm 2022. 

    Với việc có nhiều tài liệu mang tính chất nhạy cảm cao trong 15 thùng tài liệu được ông Trump trả lại, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã chuyển vấn đề này lên Bộ Tư pháp và trong vòng vài tháng, bộ này đã triệu tập một cuộc điều tra.

    Các trợ lý của ông Trump sau đó tiếp tục gửi trả lại một số tài liệu mật khác khi các quan chức Bộ Tư pháp ghé thăm dinh thự Mar-a-Lago vào tháng 6 vừa qua. Và trong cuộc đột kích hồi tháng 8, các đặc vụ đã thu giữ thêm 26 thùng, chưa 11 bộ tài liệu mật. Trong đó, một bộ tài liệu được đánh dấu là tài liệu tối mật, có mức độ nhạy cảm cao nhất.

    Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp hiện vẫn đang tiếp tục, các quan chức vẫn chưa chắc chắn liệu họ đã thu giữ hết toàn bộ các hồ sơ tổng thống mà ông Trump đã lấy từ Nhà Trắng hay chưa. Sau cuộc đột kích gây chấn động ngày 8/8, các nhà điều tra vẫn đang theo dõi thêm khu vực câu lạc bộ của cựu tổng thống.

    Những người quen thuộc với vấn đề này nhận định, việc các nhà điều tra yêu cầu xem lại băng ghi hình từ camera an ninh tại câu lạc bộ golf cho thấy họ đang nghiên cứu kỹ lưỡng cách ông Trump và các cố vấn của ông xử lý các tài liệu mật. 

    Người phát ngôn của ông Trump hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. 

    Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp 

    Các quan chức của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã dành phần lớn thời gian của năm 2021 để cố gắng lấy lại tài liệu từ ông Trump, sau khi biết rằng khoảng 20 hộp tài liệu hồ sơ tổng thống vẫn đang được lưu giữ trong Nhà Trắng vài tháng. Theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, tất cả tài liệu chính thức là tài sản của chính phủ và phải được cung cấp cho cơ quan lưu trữ khi một tổng thống kết thúc nhiệm kỳ.

    Trong số những món đồ được xác định còn thiếu có những bức thư trao đổi giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như bức thư chuyển giao quyền lực mà cựu Tổng thống Barack Obama viết cho ông Trump khi kết thúc nhiệm kỳ.

    Hai cựu quan chức Nhà Trắng, những người đã được chỉ định là đại diện của ông Trump để làm việc với các cơ quan lưu trữ, đã nhận được các cuộc gọi và cố gắng tạo điều kiện cho việc trao trả tài liệu. Tuy nhiên, ông Trump lại phản đối những lời kêu gọi này, gọi các hộp tài liệu là "của ông".

    fbi kham xet dinh thu ong trump2
    Cuộc đột kích của FBI vào dinh thự Mar-a-Lago đã gây ra làn sóng trái chiều trong dư luận. Ảnh: NYT 

    Ít lâu sau khi cuộc điều tra bắt đầu vào năm nay, Bộ Tư pháp xác định vẫn còn nhiều tài liệu mật khác vẫn chưa được trao trả. Vào tháng 5, sau các cuộc thẩm vấn với nhiều nhân chứng, Bộ Tư pháp đã gửi trát đòi trả lại những tài liệu mật còn lại. 

    Vào ngày 3/6, Jay Bratt, trưởng bộ phận phản gián thuộc bộ phận an ninh quốc gia Bộ Tư pháp, đã đến Mar-a-Lago để gặp ông Trump và 2 luật sư của ông là Evan Corcoran và Christina Bobb, và truy xuất bất kỳ tài liệu mật nào còn lại theo lệnh. 

    Theo 2 nguồn thạo tin, ông Bratt và các đặc vụ tham gia cùng ông đã được nhận một tập tài liệu mật. Trong cuộc gặp này, ông Corcoran đã soạn thảo một tuyên bố khẳng định rằng tất cả các tài liệu nhạy cảm ở Mar-a-Lago đều đã được trao trả.

    Tuy nhiên, các nhà điều tra khi ấy vẫn con rằng các tài liệu vẫn chưa được trả lại toàn bộ. Vào ngày 22/6, Bộ Tư pháp tiếp tục gửi trát, yêu cầu Tập đoàn Trump cung cấp các video từ camera an ninh trong dinh thự Mar-a-Lago và câu lạc bộ golf của cựu tổng thống. Bộ Tư pháp đã 2 lần yêu cầu cung cấp cảnh quay an ninh. Trong đó, ở lần thứ 2, họ muốn xem xét kỹ hoạt động trong những ngày gần cuộc đột kích của FBI hôm 8/8.

    Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, khi kết hợp các cuộc phỏng vấn nhân chứng và cảnh quay an ninh, các quan chức Bộ Tư pháp đã bắt đầu soạn thảo yêu cầu lệnh khám xét dinh thự cựu tổng thống.

    Theo đó, FBI đã tìm thấy các tài liệu bổ sung trong khu vực lưu trữ ở tầng hầm của Mar-a-Lago, cũng như trong một thùng trong tủ quần áo tại văn phòng của ông Trump.

    fbi kham xet dinh thu ong trump3
    Cựu Tổng thống Trump chỉ trích gay gắt cuộc đột kích của FBI hôm 8/8. Ảnh: NYT 

    Các đồng minh của ông Trump đã chi trích hoạt động trên của các cơ quan thực thi pháp luật, cáo buộc các nhà điều tra có động cơ chính trị phía sau. 

    Sự quan tâm đặc biệt của công chúng với sự kiện hiện đã thúc đẩy một cuộc chiến pháp lý về việc công khai bản tuyên thệ của lệnh khám xét. Trong đó, một thẩm phán liên bang đã ban hành một lệnh chính thức, chỉ đạo Bộ Tư pháp gửi cho ông ta các thoả thuận được đề xuất có đóng dấu với bản tuyên thệ trong lệnh khám xét Mar-a-Lago kèm theo một bản ghi nhớ giải thích lý do của lệnh này. 

    Theo lệnh, thẩm phán Bruce E. Reinhart cho biết ông có thểg tiết lộ các phần của bản tuyên thệ đã niêm phong nhưng muốn đợi cho đến khi ông nhìn thấy các thoả thuận của chính phủ trước khi đưa ra quyết định.

    Minh Hạnh (Theo New York Times) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/new-york-times-cuu-tong-thong-trump-giu-hon-300-tap-tai-lieu-mat-tai-dinh-thu-mar-a-lago-a548660.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan