+Aa-
    Zalo

    Ngẫm về “hạnh phúc” từ câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Hạnh phúc là gì? Làm sao để có được hạnh phúc? Chắc hẳn đó là điều mà hầu hết chúng ta từng thắc mắc, mong mỏi.

    (ĐSPL) – Hạnh phúc là gì? Làm sao để có được hạnh phúc? Chắc hẳn đó là điều mà hầu hết chúng ta từng thắc mắc, mong mỏi.

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng: “Hạnh phúc tùy thuộc ở khổ đau. Muốn loại trừ khổ đau ra để chỉ có hạnh phúc thôi là một ý niệm rất là ngây thơ. Khi có chiến tranh thì chúng ta mới biết hòa bình là quý. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên duy trì chiến tranh, chiến tranh luôn luôn có, tại vì loài người có quá nhiều tham, sân, si, cho nên chiến tranh cứ tiếp tục hết nơi này đến nơi khác. Thành ra chúng ta đâu cần phải tạo thêm chiến tranh để có điều kiện nhận diện ra hòa bình. Chiến tranh luôn luôn có mặt: nó có ở trong nội thân của chúng ta, nó có ở trong sự liên hệ giữa ta và người ta thương. Chiến tranh là thường xuyên, và nhờ chiến tranh cho nên chúng ta mới nhận diện được hòa bình là quý. Hòa bình ở trong bản thân, hòa bình giữa ta với người ta thương, hòa bình giữa ta với đoàn thể chúng ta đang sống.”

    Ngẫm về “hạnh phúc” từ câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

    “Hạnh phúc tùy thuộc ở khổ đau". Ảnh minh họa.

    Tôi đọc được câu nói ý nghĩa này trong một lần tình cờ ghé thăm địa chỉ fanpage của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. “Hạnh phúc thùy thuộc ở khổ đau”. Đúng vậy, với người không có cơm ăn thì được ăn no là hạnh phúc, còn với người bệnh tật thì hạnh phúc là có sức khỏe... Vì vậy, “mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc”.

    “Hạnh phúc tùy thuộc ở khổ đau. Muốn loại trừ khổ đau ra để chỉ có hạnh phúc thôi là một ý niệm rất là ngây thơ. Khi có chiến tranh thì chúng ta mới biết hòa bình là quý. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên duy trì chiến tranh, chiến tranh luôn luôn có, tại vì loài người có quá nhiều tham, sân, si, cho nên chiến tranh cứ tiếp tục hết nơi này đến nơi khác”.

    Đọc đến đây chắc hẳn có người sẽ nói, vậy thì loại bỏ khổ đau đi để có được hạnh phúc. Nhưng một khi có được niềm hạnh phúc này, loại bỏ đi nỗi đau cũ thì con người lại “xuất hiện nỗi đau mới” bởi “loài người có quá nhiều tham, sân, si...” Người đói khi đã được ăn no lại mong mỏi có được ngôi nhà để ở, người có nhà ở lại mong có xe đẹp để đi, có địa vị trong xã hội... Và lòng tham – nỗi đau cứ thế tăng lên và mãi mãi chúng ta không thể tìm ra được “hạnh phúc” cho bản thân mình.

    Thay đổi quan niệm để có được “Hạnh phúc”

    Bởi vậy, muốn có được hạnh phúc, hãy “thay đổi quan niệm về hạnh phúc”. Đó là điều mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng trao đổi trong một buổi đối thoại về giáo dục gần đây.

    “Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc và ý niệm đó có thể là trở ngại chính ngăn chúng ta tiếp xúc với hạnh phúc chân thực. Nếu chúng ta chưa tìm được việc làm thì chúng ta vẫn có thể sống một cách đơn giản, tiêu thụ ít lại nhưng vẫn có thể hạnh phúc hơn nhiều người đang có rất nhiều tiền bạc, địa vị và quyền lực trong xã hội.”

    Ngẫm về “hạnh phúc” từ câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
    “Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc và ý niệm đó có thể là trở ngại chính ngăn chúng ta tiếp xúc với hạnh phúc chân thực". - Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh lý giải vấn đề với trường hợp hạnh phúc và khổ đau của người thất nghiệp với người có việc làm rằng: “Những người không có việc làm chắc chắn là khổ rồi, nhưng ngay cả những người có việc làm cũng vẫn khổ như thường. Vì vậy, đây không phải là vấn đề của những người không có việc làm mà thôi”.

    “Trong tăng thân chúng ta, nhiều người đã từng có công ăn việc làm rất tốt nhưng họ đã từ bỏ những công việc đó để trở thành “thất nghiệp”. Tôi nghĩ chúng ta phải nói với người trẻ về hạnh phúc chân thực là gì. Bởi vì nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc được làm bởi tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục... Và nếu không đạt được những thứ đó thì họ khổ. Nhưng chúng ta thử nhìn xem, trong xã hội có nhiều người đã có đầy đủ những thứ đó nhưng vẫn tiếp tục khổ đau, thậm chí có nhiều người còn đi đến chỗ tự tử.

    Vì vậy, theo tôi, hạnh phúc chân thực chỉ có được khi ta được hiểu, được thương, và ta có khả năng hiểu và thương những người khác. Chúng ta hoàn toàn có thể sống hạnh phúc mà không cần có nhiều tiền bạc. Ở Làng Mai, chúng tôi đang chứng minh cho điều đó. Ở đây các thành viên trong tăng thân không ai có nhà riêng, xe riêng, tài khoản riêng và cũng không có lương hàng tháng. Nhưng chúng tôi đâu có khổ, chúng tôi rất hạnh phúc, các bạn có thể thấy chúng tôi vui cười cả ngày.

    Ngẫm về “hạnh phúc” từ câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
    "Hạnh phúc chân thực chỉ có được khi ta được hiểu, được thương, và ta có khả năng hiểu và thương những người khác".

    Đó là bởi vì chúng tôi sống trong sự hòa hợp và biết cách chế tác tình huynh đệ. Ngoài ra, chúng tôi thấy mình sống có ích và giúp được cho nhiều người bớt khổ. Chúng tôi thấy rằng hạnh phúc chân thực được làm bởi lòng từ bi và tình thương chân thực. Vì vậy mà dù ta sống rất giản dị và tiêu thụ rất ít thì ta vẫn có thể hạnh phúc như thường”.

    Trích đăng từ Sen Vàng và Fanpage Thiền sư Thích Nhất Hạnh 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngam-ve-hanh-phuc-tu-cau-noi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-a69098.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan