Ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ


Thứ 2, 05/06/2023 | 09:27


Cùng sự kiện

Ngân hàng LPBank, Vietcombank mới đây được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Chính phủ cũng vừa trình Quốc hội phương án bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng Agribank.

Nguy cơ nợ xấu tăng nhanh trở lại đã trở thành tâm điểm chú ý của ngành ngân hàng từ đầu năm đến nay. Trước tình hình này, các ngân hàng tự tìm kiếm các giải pháp để ứng phó với thách thức nợ xấu, một trong số đó là nỗ lực gia tăng bộ đệm vốn thông qua các kế hoạch tăng vốn điều lệ, đang trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Mới đây, nhiều ngân hàng đón nhận tin vui được tăng vốn điều lệ.

Thị trường - Ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385,3 tỷ đồng.

Theo tờ Nhịp sống thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385,3 tỷ đồng đã thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động để tăng vốn điều lệ.

Trước đó, phương án tăng vốn trên đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua.

Cụ thể, LPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tổng cộng 11.385 tỷ đồng, tương ứng phát hành thêm 1,1385 tỷ cổ phiếu. Trong đó, 328,5 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%; 500 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài; 10 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

LPBank hiện có vốn điều lệ 17.291 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên mức 28.676 tỷ đồng.

Trước đó, NHNN cũng chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) được tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Theo đó, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, Vietcombank thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư 50/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VietnamPlus đưa tin.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội phương án bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông (Agribank) giai đoạn 2021 – 2023, thông tin trên báo Đấu thầu.

Theo đề xuất, Agribank được đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ. Số vốn này sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt 6.753 tỷ đồng; 10.347 tỷ đồng bố trí từ ngân sách nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024. Nếu được thông qua, vốn của Agribank sẽ tăng lên khoảng 51.430 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Ngân hàng bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định, cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm.

Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam đều muốn tăng vốn điều lệ do mức vốn hiện khá “mỏng” so với quy mô hoạt động. Những năm gần đây, áp lực cải thiện sức khỏe tài chính và cạnh tranh càng cao, khiến hầu hết ngân hàng đều muốn tăng vốn điều lệ.

Đặc biệt, trong giai đoạn chất lượng tài sản đang đi xuống do nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, việc tăng vốn càng trở nên cấp thiết với các nhà băng. Tuy nhiên, việc tăng vốn được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Vân Anh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-dong-loat-tang-von-dieu-le-a577721.html