+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng máu ở một xã nghèo

    • DSPL
    ĐS&PL Bệnh nhân nghèo ở địa phương cần tiếp máu, các bạn trẻ thuộc ngân hàng máu sống của xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) lập tức lên đường.

    Bệnh nhân nghèo ở địa phương cần tiếp máu, các bạn trẻ thuộc ngân hàng máu sống của xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) lập tức lên đường.

    Ông Bùi Văn Hụi, ngụ xã Bàu Đồn chỉ đứa cháu hơn ba tuổi đang chạy lon ton, gọi ông Hụi bằng ông ngoại, nói: “Tui không ngờ mẹ nó có được nó. Nhờ mổ tim thành công, mẹ nó mới có hạnh phúc này”.

    Hai anh em được tiếp máu

    Chị Nguyễn Thị Giàu (cháu gọi ông Hụi bằng cậu) - mẹ đứa trẻ không giấu được hạnh phúc khi nói về may mắn của mình. Cách đây bốn năm, gia đình rất khó khăn, chị bị bệnh tim hở van hai lá. Do không đủ sức khỏe để sinh con, người chồng đã ruồng bỏ chị. Vượt qua khó khăn, cha mẹ và bản thân chị tích cóp mãi mới đủ tiền để chị đi mổ tim. Bệnh viện thông báo cần mua máu để tiếp cho ca mổ. Không đủ tiền mua máu, chị Giàu định chờ thêm một thời gian nữa. Lúc này, ông Hụi biết ở xã Bàu Đồn có ngân hàng máu sống do anh Dương Quan Lớn làm chủ nhiệm, nên tìm đến nhờ giúp đỡ.

    Ngay ngày hôm sau, anh Lớn cùng bốn bạn đoàn viên (thuộc xã đoàn Bàu Đồn) có cùng nhóm máu với chị Giàu lên đường đến bệnh viện. Các đoàn viên đã tiếp bốn đơn vị máu cho chị Giàu trong ca mổ.

    Ca phẫu thuật thành công, chị Giàu dần hồi phục mà vẫn chưa một lần gặp mặt những người đã túc trực tiếp máu cho mình suốt ca mổ hôm ấy.

    Sức khỏe phục hồi, chị lập gia đình lần nữa và sinh được một bé gái xinh xắn, kháu khỉnh.

    Anh trai chị Giàu là anh Nguyễn Văn Sớt cũng có tiền sử bệnh tim. Cuối năm 2013, bệnh viện chỉ định mổ gấp. Ông Hụi lại chạy đến ngân hàng máu sống cầu cứu. Năm bạn đoàn viên của ngân hàng tiếp tục lên đường tiếp máu cho anh Sớt. Khi ca mổ hoàn tất, các bạn quay trở về địa phương làm việc, có người vào nhà máy làm công nhân, có người lại ra ruộng làm nông. Khi ông Hụi hỏi thăm những người đã hiến máu trực tiếp giúp hai người cháu của ông mổ tim, các đoàn viên trả lời: “Chuyện nhỏ thôi mà, có gì đâu chú ơi”.

    Hai anh em anh Sớt, chị Giàu muốn báo đáp những ân tình đó bằng chính cách họ đã được nhận. Cả hai đều có nguyện vọng tham gia hiến máu cho ngân hàng máu sống của xã Bàu Đồn khi có dịp.

    Ngân hàng máu ở một xã nghèo

    Ông Bùi Văn Hụi (trái) và hai người cháu luôn xem anh Dương Quan Lớn (bìa phải) là người nhà. Ảnh: H.M

    Người lập ngân hàng máu sống

    Người thành lập ngân hàng máu sống là anh Dương Quan Lớn (SN 1967), làm phó bí thư xã đoàn từ năm 1995 đến cuối năm 2013 mới nghỉ.

    Mặc dù không còn tham gia công tác đoàn nữa, nhưng anh Lớn vẫn gắn bó với xã đoàn, nhất là trong các hoạt động khuyến học và hiến máu nhân đạo.

    Anh Lớn kể về lý do lập ngân hàng máu sống của mình: “Có một lần, tôi đến Viện Tim, chứng kiến nhiều em bé nằm chờ mấy ngày vẫn chưa có máu để tiếp nên không được mổ. Hôm đó, tôi đã kêu gọi các bạn đoàn viên trong xã đến chờ tiếp máu cho một bệnh nhi. Và sau đó, ngân hàng máu sống ra đời”.

    Các bạn đoàn viên tham gia ngân hàng máu ở xã là công nhân, nông dân, dân quân tự vệ hoặc cán bộ viên chức. Các bạn đều có sức khỏe tốt và nhiệt tình với các hoạt động tình nguyện.

    Bí quyết để anh Lớn kêu gọi các bạn đoàn viên thật đơn giản: Làm gương. Bản thân anh Lớn đã 62 lần hiến máu tình nguyện, trong đó, có 5 lần đi tiếp máu trực tiếp tại các ca mổ cho bệnh nhân nghèo. Học tập anh Lớn, nhiều bạn đoàn viên, thanh niên trong xã cũng đã hiến máu hàng chục lần, cung cấp cho các bệnh viện hàng trăm đơn vị máu. Đến nay, ngân hàng máu sống do anh Lớn thành lập đã có 23 bạn đoàn viên, thanh niên tham gia.

    Với những cống hiến của mình cho xã hội, anh Lớn đã được tỉnh Tây Ninh và Trung ương Đoàn tặng nhiều bằng khen. Trong năm vừa qua, anh Lớn đã hai lần ra Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

    Những bạn trẻ sống đẹp

    Anh Trần Thiện Thanh (26 tuổi, trung đội trưởng dân quân cơ động của xã) là một đoàn viên rất nhiệt huyết, đã tham gia hiến máu tình nguyện đến 23 lần. Kể về niềm vui của mình, anh Thanh chia sẻ: “Bệnh nhân và mình không quen biết nhau nhưng sau ca mổ tim, mình hỏi thăm biết anh đó đã mạnh khỏe, mình vui như thấy người thân của mình hết bệnh”.

    Còn anh Nguyễn Văn Cường (23 tuổi, dân quân tự vệ của xã), thành viên mới tham gia ngân hàng máu sống hơn một năm, nhưng cũng đã 5 lần hiến máu, trong đó có một lần cho máu trực tiếp tại bệnh viện. Anh Cường cho biết: “Mỗi năm cho vài đơn vị máu, mình không thấy mất mát gì nhưng lại cứu được người khác, nên mình cảm thấy rất vui”.

    N.H(theo Pháp luật TP.HCM)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-mau-o-mot-xa-ngheo-a28059.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan