+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng phải công khai thông tin của cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ trở lên

    (ĐS&PL) - Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

    Công bố thông tin cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ trở lên

    Theo báo Dân trí, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng nay (18/1), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

    Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,28%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

    Trước khi tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

    Về một số quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến của đại biểu, bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin (Điều 49), trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.

    Cũng theo Luật được thông qua, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

    Thủ tướng quyết khoản cho vay đặc biệt không có tài sản đảm bảo

    Cũng theo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2024, Thủ tướng sẽ có quyền quyết định khoản cho vay đặc biệt với ngân hàng không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% một năm, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

    Với khoản vay đặc biệt có lãi suất, tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền quyết định. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản vay này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

    Ngân hàng hợp tác xã sẽ quyết định khoản vay đặc biệt với quỹ tín dụng nhân dân, thông tin trên báo VnExpress.

    Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng (tại Điều 5, Điều 113), theo báo An ninh Thủ đô, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

    Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, tại Điều 154 của dự thảo Luật đã quy định việc công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt. Do vậy, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng quy định về dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ như tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 159 của dự thảo Luật.

    Về chấm dứt can thiệp sớm, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt việc thực hiện văn bản yêu cầu quy định khoản 2 Điều 156 của Luật này khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, giám sát và bảo đảm thực trạng của tổ chức tín dụng đã khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm.

    Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tại khoản 3 Điều 200 và về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thu hồi nợ tại khoản 15 Điều 210 của dự thảo Luật.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-phai-cong-khai-thong-tin-cua-co-dong-so-huu-1-von-dieu-le-tro-len-a607602.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan