Ngân hàng VPBank: Công văn trả lời báo chí không giá trị?


Thứ 2, 30/03/2015 | 12:07


(ĐSPL) - Công ty tài chính VPBank gửi công văn vô giá trị pháp lý, xâm phạm quyền bí mật cá nhân?

(ĐSPL) - Công ty tài chính VPBank gửi công văn vô giá trị pháp lý, xâm phạm quyền bí mật cá nhân?
Tiền hậu bất nhất?
Sau khi báo Đời sống và Pháp luật có cho đăng tải một loạt bài phản ánh về việc ngân hàng cho VPBank cho vay “tín chấp” với lãi suất lần lượt là  27\% và 35\%/ năm đối với hai khách hàng là ông Nguyễn Trọng T.( Sơn Tây, Hà Nội) và ông Nguyễn Văn B. (Đông Anh, Hà Nội).
Với cách tính lãi suất mà ngân hàng VPBank đang áp dụng cho gói vay này đối với hai khách hàng trên đang được dư luận đánh giá ngang bằng với lãi suất vay của “tín dụng đen”.
Phản ứng trước thông tin báo đăng tải, ngày 26/3/2015, tài khoản email cá nhân của PV báo Đời sống và Pháp luật có nhận được “Công văn trả lời báo chí” của Công ty tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (tên viết tắt VPB FC, Thương hiệu FE Credtit).
Nội dung mà công ty tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng phản hồi cho PV: “Với tôn chỉ kinh doanh luôn tôn trọng khách hàng và đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đâu, chúng tôi đã hành động như sau: gọi điện thoại xin lỗi khách hàng và chấp nhận giải ngân tiếp số tiền 10 triệu đồng, nếu sau khi điều tra sự việc trên là đúng như phản ánh của khách hàng. Nhanh chóng điều tra xác nhận nguồn tin và thu thập các chứng từ, chứng cứ, thông tin pháp lý liên quan. Phản hồi thông tin báo chí theo hướng trung lập. Phối hợp với phòng truyền thông chi nhánh Hà Nội để xử lý”.
Nhưng tại phần kết luận của công văn có nêu: “FE Credit đã thực hiện đúng quy trình cho vay và giải ngân đầy đủ số tiền vay trên theo khoản vay trên của khách hàng, nhân viên của FE Credit đã thực hiện đúng và đầy đủ quy trình tư vấn cũng như nhắc nợ, không có biểu hiện gian lận hay xúc phạm khách hàng, phản ánh của khách hàng không chính xác, có nhiều điểm mâu thuẫn và thiếu cơ sở”.
Cũng tại bản công văn này, Công ty tài chính VPBank cho rằng: “Thông tin trên báo là thiếu tính xác thực, gây nhầm lẫn trong dư luận tổn hại đến danh dự và hoạt động kinh doanh của FE Credit”? Bên cạnh việc báo chí thông tin thiếu xác thực, thì Công ty tài chính VPBank lại không chưng ra bất kỳ một văn bản quy định hay những giấy tờ liên quan đến việc cho vay.
Công văn không giá trị?
Liên quan tới bản “công văn trả lời báo chí” mà PV đã nhận, câu hỏi được đặt ra ở đây, không rõ bản công văn được Công ty tài chính VPBank gửi có giá trị về mặt pháp lý, việc đưa thông tin cá nhân của các PV vào trong công văn thay vì nơi nhận công văn phải là tòa soạn của báo Đời sống và Pháp luật?
Để tìm hiểu rõ về giá trị pháp lý của bản công văn này, PV đã tham khảo thêm ý kiến, đánh giá từ các nhà tư vấn luật. Sau khi xem bản công văn mà PV cung cấp, theo Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh (VP Luật sư Việt Kim) đánh giá thì bản “công văn trả lời báo chí” của Công ty tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng, gửi tới các PV hoàn toàn không có giá trị mang tính pháp lý.
Về mặt nội dung: Công văn này nhân danh cơ quan tổ chức là Công ty tài chính VPBank gửi cho Cơ quan báo chí bao gồm: Báo pháp luật Việt Nam, Báo Đời sống và Pháp luật, Báo người đưa tin, Tạp chí tiêu chuẩn đo lường chất lượng thì Cơ quan nhận ở đây là phải cơ quan trên chứ không phải là từng cá nhân nhà báo là không đúng với thông tư 01/2011/TT-BNV.
Thị trường - Ngân hàng VPBank: Công văn trả lời báo chí không giá trị?

Công văn do công ty tài chính VPBank gửi không đúng cả về mặt nội dung và hình thức.

Về mặt hình thức: Theo quy định tại thông tư 01/2011/TT-BNV thông tư hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản thì Công văn này không có tiêu đề quốc hiệu, dấu của cơ quan, tổ chức; Quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền được quy định tại điều 6, điều 12 và điều 13 thông tư 01/2011/ TT-BNV.
Thị trường - Ngân hàng VPBank: Công văn trả lời báo chí không giá trị? (Hình 2).

Công văn không có dấu cơ quan cũng như chữ ký của người có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, việc Công ty tài chính VPBank tự động ghi số điện thoại của từng cá nhân phóng viên là vi phạm Quyền bí mật đời tư được quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự năm 2005. Cụ thể:
Điều 38. Quyền bí mật đời tư
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
Như vậy, việc VPBank tự ý ghi số điện thoại mà chưa được sự đồng ý của các phóng viên cũng như chưa có sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm Bí mật đời tư của từng cá nhân phóng viên trên.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này./.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-vpbank-cong-van-tra-loi-bao-chi-khong-gia-tri-a89175.html