+Aa-
    Zalo

    Ngành bảo hiểm tăng trưởng trong dịch COVID-19: Giải pháp nào giúp vượt cơn sóng dữ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dịch bệnh COVID-19 cũng mang lại nhiều thách thức cho ngành bảo hiểm như sự gia tăng về số lượng yêu cầu giải quyết quyền lợi, các hình thức tiếp xúc trực tiếp trong hoạt động bán hàng cũng bị hạn chế...

    Việt Nam hiện đang ở đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ 4 với số ca mắc tăng nhanh. Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 892.579 trường hợp dương tính Sars-Cov-2. Trong số đó, số ca mắc mới tính từ ngày 27/4/2021 đến nay đã lên tới 887.797 ca bệnh.

    Bảo hiểm được xem là ngành ít gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh hơn cả. Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong quý đầu năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 14.884 tỉ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong nghiệp vụ bảo hiểm con người, riêng sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe có mức tăng vượt bậc đến 87%.

    bao hiem 1
    Ảnh minh họa.

    Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 cũng mang lại nhiều thách thức cho ngành bảo hiểm như sự gia tăng về số lượng yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, hoạt động bán hàng khó khăn do doanh thu doanh nghiệp bị giảm sút, các hình thức tiếp xúc trực tiếp trong hoạt động bán hàng và vận hành công ty cũng bị hạn chế.

    Tăng trưởng nhưng ở mức thấp

    Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, chị Bùi Hoàng Yến - nhân viên Công ty Bảo hiểm Bảo Việt khu vực Quảng Ninh cho biết: “Tình hình giãn cách xã hội nên việc truyền thông để người dân tiếp cận được đến bảo hiểm nhân thọ cũng khó khăn hơn. Nếu mà so với cùng kì năm ngoái thì một số khu vực có mức tăng trưởng thấp. Tuy nhiên vẫn có nhiều khu vực họ vẫn làm tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Mức độ ảnh hưởng đối với từng tỉnh, thành phố là khác nhau và giữa các khu vực trong tỉnh cũng khác nhau. Vì khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ đến từ nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi và nhiều ngành nghề khác nhau.

    Có những ngành nghề như dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng thì doanh thu mang lại từ nguồn khách này cũng bị ảnh hưởng nhiều. Còn một số ít ngành nghề ít bị tác động hoặc họ chuyển hướng làm giảm sự tác động của dịch bệnh thì lại là một trong số nguồn đem lại doanh thu cho ngành bảo hiểm. Mặt khác với tình hình dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, vấn đề sức khoẻ cũng được người dân đặt lên hàng đầu, nhiều khách hàng trước đây không mấy quan tâm đến bảo hiểm thì bây giờ cũng đã chủ động tìm đến bảo hiểm để bảo đảm cho vấn đề sức khoẻ cũng như là dự trữ tài chính cho những kế hoạch trong tương lai. Do vậy mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng có thể nói bảo hiểm là ngành nghề bị ảnh hưởng ít hơn so với đa số các ngành nghề khác”.

    bao hiem 2
    Ảnh minh họa.

    Chị Phạm Thu Trang - Trưởng khu vực kinh doanh Công ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ Chubb Việt Nam chia sẻ: Nhiều người vẫn ngần ngại vì những hạn chế do giãn cách xã hội gây ra, khiến họ không thể gặp trực tiếp tư vấn tài chính để tìm hiểu sản phẩm, cũng như lo ngại về các vấn đề thủ tục giấy tờ phức tạp.

    Nếu mà là khó khăn có lẽ lớn nhất là không được gặp mặt trưc tiếp khách hàng để tư vấn, mọi quy trình online bị lỏng lẻo vì kiểm soát từ xa, khó nắm bắt được chất lượng và khó hỗ trợ được thực tế. Nữa là thu nhập của người dân đều bị giảm theo mặt bằng chung nên gặp nhiều khó khăn khi tham gia hoạt động bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, sự cạnh tranh trong ngành tăng cao. Ngày càng có thêm nhiều tập đoàn bảo hiểm muốn gia nhập Việt Nam. Chúng tôi sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, đội ngũ lãnh đạo và đội ngũ bán hàng cần thay đổi tư duy, cách vận hành để trở nên chuyên nghiệp hơn”.

    Nhìn chung, đại dịch COVID đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân, đặt ra thách thức cho sự tăng trưởng ngành bảo hiểm. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 22,2 triệu người lao động bị giảm thu nhập do tác động của COVID-19 trong năm 2020. Xét riêng quý I/2021, con số này lên tới 6,5 triệu người (xấp xỉ 1/3 tổng số người bị ảnh hưởng COVID-19 trong năm 2020).

    Giải pháp tháo gỡ khó khăn

    Cũng theo chị Chị Phạm Thu Trang chia sẻ: “COVID-19 là hồi chuông cảnh tỉnh để hầu hết công ty bảo hiểm phải quyết liệt đưa ra giải pháp công nghệ hóa, tạo điều kiện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng khi mọi dịch vụ đều có thể làm trực tuyến, tuyển dụng đào tạo trực tuyến, tư vấn ký kết hợp đồng trực tuyến. Ngoài ra, công ty chúng tôi đang đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm, triển khai các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến, đa dạng các kênh thu phí; đồng thời tăng cường đầu tư công nghệ, xây dựng hệ sinh thái số…

    Có một thứ mà công ty suốt 16 năm chưa bao giờ thay đổi đó là chính sách thù lao cho đội ngũ nhân viên. Trong thời điểm nhạy cảm mùa dịch  thì chính bản thân tôi là người cảm nhận rõ nhất nên có lẽ đây là giải pháp tốt nhất và chắc chắn nhất của công ty trong mùa COVID”.

    Chị Lê Thị Thơi – Giám đốc một công ty bảo hiểm ở Việt Nam cho hay: “Dù ở giữa tình hình dịch bệnh u ám nhưng nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân vẫn tăng cao. Thư nhất, giữa tình hình kinh tế chông chênh, người dân hiểu hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc tiết kiệm có kỷ luận. Thứ hai, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, sức khỏe lại càng cần đưa lên hàng đầu.

    Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho khách hàng trong bối cảnh giãn cách xã hội, bảo hiểm FWD tiên phong sử dụng công nghệ tối ưu công nghệ số để tối ưu năng lực phục vụ, để khách hàng vẫn có thể tìm hiểu và tham gia bảo hiểm tại nhà nhanh chóng. Công ty tạo điều kiện mở cách khóa học trực tuyến, nhờ vậy việc tuyển dụng được khắc phục, thậm chí số lượng nhân sự gia tăng nhanh chóng. Ngoài ra, các buổi hội thảo khách hàng, hội thảo nghề nghiệp cũng hoàn toàn được mở trực tuyến và thực tế cho thấy chúng đem lại những hiệu quả hết sức ấn tượng.

    Riêng trong mùa dịch, khách hàng được hỗ trợ đặc biệt như sau: được miễn triểm tra y tế hoặc chỉ cần nộp hồ sơ y tế đã thực hiện trong vòng 12 tháng gần nhất đối với một số trường hợp; được giản lược một số điều khoản loại trừ cho một số bệnh đã từng điều trị một năm mà không tái phát và không cần điều trị thêm”.

    Có thể thấy trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, các công ty bảo hiểm đều nỗ lực thực hiện chuyển đổi số để khắc phục tối đa những yếu kiếm trong việc tương tác với khách hàng. Nhờ vậy mà ngành bảo hiểm được xem là ngành ít nhất trong toàn bộ nền kinh tế. Năm 2021 thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 16,92%; tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 10,73% so với năm 2020.

    Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm cần hoàn thiện hơn nữa để đảm bảo cho cả người mua lẫn công ty kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010 chưa có quy định về phòng ngừa gian lận bảo hiểm. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định này tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ngoài ra, luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cũng chưa có quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp. Các vụ việc tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự, phần lớn thông qua hệ thống tòa án các cấp. Vì vậy, cần cấp thiết sửa đổi các văn bản pháp luật để đảm bảo lĩnh vực hiểm phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phực tạp.

    Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

    Linh Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nganh-bao-hiem-tang-truong-trong-dich-covid-19-giai-phap-nao-giup-vuot-con-song-du-a511690.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan