Ngành công nghiệp người mẫu nhí nở rộ ở Trung Quốc: Nuôi dưỡng ước mơ hay đánh cắp tuổi thơ?


Chủ nhật, 11/08/2019 | 23:30


Cùng sự kiện

Nhiều chuyên gia cảnh báo về tình trạng người mẫu nhí bị lạm dụng thể chất khi phải làm việc 12 giờ đồng hồ mỗi ngày, dưới áp lực của chính cha mẹ.

Nhiều chuyên gia cảnh báo về tình trạng người mẫu nhí bị lạm dụng thể chất khi phải làm việc 12 giờ đồng hồ mỗi ngày, dưới áp lực của chính cha mẹ. 

Các bé gái luyện tập catwalk tại một trường đào tạo người mẫu ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Mới chỉ 4 tuổi, nhưng hai anh em sinh đôi Yumi và Yuki đã có 2 năm tham gia lớp học đào tạo mẫu nhí của Le Show Stars - một trong những trường đào tạo mẫu đầu tiên ở Bắc Kinh, nơi mỗi buổi học có giá lên tới 800 Nhân dân tệ (khoảng 100 USD). 

Tuy chưa phải là những người mẫu chuyên nghiệp, các em đã biết cách tạo dáng và đi catwalk với hy vọng bước chân vào ngành công nghiệp này. Bố mẹ của Yumi và Yuki đã đầu tư không ít tiền bạc để đưa hai con đi khắp Trung Quốc tham gia hàng trăm cuộc thi người mẫu nhí.

"Có những cuộc thi catwalk mà các bé phải có mặt ở phòng trang điểm từ 6h sáng", Xiao Liang, bố của đôi song sinh, cho biết. "Cuộc thi thường bắt đầu lúc 14h và kết thúc vào khoảng 15h hoặc 16h. Vì thế sẽ mất cả ngày. Thường là từ 6h sáng đến 6h tối, khoảng 12 tiếng".

Giống như nhiều phụ huynh khác, ông Xiao ban đầu chỉ cho con đi học làm người mẫu để giúp các bé tự tin, nhưng sau khi cả Yumi và Yuki đều yêu thích, họ bắt đầu đầu tư thời gian và tiền bạc vào xây dựng sự nghiệp cho các con. 

Thi thoảng, đôi song sinh được mời quảng cáo cho các bộ sưu tập thời trang theo mùa của các thương hiệu lớn. "Tôi nghĩ vì chúng là song sinh, lại là sinh đôi một trai một gái", Xiao tự hào nói. "Chúng cũng thích công việc này nên chúng tôi mang lại cơ hội cho các con. Tôi nghĩ chúng có tố chất tự nhiên hơn những đứa trẻ khác".

Ảnh hướng tới sức khỏe và tinh thần

Video ghi lại cảnh bà mẹ Trung Quốc đá con gái ba tuổi gây phẫn nộ. Ảnh chụp từ video

Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, ngành công nghiệp thời trang dành cho trẻ em đang phát triển nhanh hơn bất kỳ lĩnh vực thời trang nào khác ở Trung Quốc, với trị giá hơn 40,5 tỷ USD trong năm 2018.

Trong một ngành công nghiệp nơi trẻ em có thể kiếm tới 10.000 Nhân dân tệ một buổi diễn, anh Lee, Giám đốc Trường đào tạo người mẫu Le Show Stars cho biết: "Nếu trẻ em không nghe lời cha mẹ thì tôi nghĩ điều thường thấy là phụ huynh sẽ đánh con mình”.

Hồi đầu năm nay, một video lan truyền trên mạng, gây phẫn nộ cho dư luận Trung Quốc khi quay lại cảnh một người mẹ tức giận đá vào người con gái 3 tuổi vì không nghe lời trong một buổi làm mẫu. 

Đầu tháng 8, đoạn clip về một mẫu nhí nam phải mặc quần áo mùa đông giữa tiết trời 37 độ C cũng nhận nhiều lời chỉ trích nặng nề từ cộng đồng mạng. 

Các người mẫu nhí có khi phải thay ra thay vào hơn 100 bộ quần áo mỗi lần và làm việc từ sáng tới đêm. Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cảnh báo, các em không chỉ bị vắt kiệt về thể lực mà còn có thể đối mặt với những tác động tâm lý về lâu dài.

"Trẻ em từ 0 đến 6 tuổi đang phát triển về mặt tinh thần, chúng cần được tự do khám phá", nhà tâm lý học trẻ em Gong Xueping giải thích. "Khi làm việc, các mẫu nhí sẽ chủ động thể hiện nhiều biểu cảm khác nhau nhưng trái với cảm xúc bên trong vào lúc đó. Điều này giới hạn sự phát triển của cả năng lực cảm xúc lẫn những năng lực tâm lý phức tạp hơn ở trẻ em, vì thế tôi nghĩ đó là một lựa chọn tồi".

Lấy lại tuổi thơ "bị đánh cắp"

Một trường đào tạo mẫu nhí tại Bắc Kinh. Ảnh: Getty

Phản ứng trước video người mẹ đá con gái ba tuổi, chính quyền thành phố Hàng Châu đưa ra một số quy định nhằm hạn chế số giờ lao động của trẻ em, đồng thời cấm trẻ em dưới 10 tuổi trở thành gương mặt đại diện cho các thương hiệu.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại những quy định này không đủ để bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bị bóc lột sức lao động. 

Hơn 110 cửa hàng thời trang trẻ em trên trang thương mại điện tử Taobao cho biết sẽ thu hẹp quy mô sử dụng người mẫu nhí, đồng thời yêu cầu chính quyền thắt chặt hơn nữa các quy định. 

Hàng nghìn người Trung Quốc cũng tham gia tranh luận trực tuyến về chủ đề này, kêu gọi thắt chặt các điều luật nhằm ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em. 

"Đối với tôi, người mẫu nhí không khác gì những lao động trẻ em. Các em phải hoàn thành công việc dù mệt mỏi thế nào trong khi những đứa trẻ khác được vui chơi, và chúng đang đánh mất đi tuổi thơ ngắn ngủi để kiếm tiền cho cha mẹ", một người nêu ý kiến.

"Cách duy nhất là củng cố luật pháp, giám sát và bảo vệ trẻ em", một người khác đề xuất, chỉ trích các bậc cha mẹ xem con cái như công cụ kiếm tiền.

Ông Xiao và vợ, bà Bai Yu, nói rằng họ cũng nhận thức được những cạm bẫy tiềm tàng của nghề người mẫu. Vợ chồng ông Xiao trao toàn quyền quyết định theo đuổi nghề này cho con trai và con gái.

"Nếu hai đứa con tôi học tập tốt và có hứng thú đến triển vọng (trở thành người mẫu), thì tôi chắc chắn chúng sẽ được hỗ trợ 100%, miễn là bọn trẻ sẵn sàng dành tâm sức cho lĩnh vực này", ông Xiao nói. 

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nganh-cong-nghiep-nguoi-mau-nhi-no-ro-o-trung-quoc-nuoi-duong-uoc-mo-hay-danh-cap-tuoi-tho-a288146.html