+Aa-
    Zalo

    Ngành ngân hàng: Linh hoạt vượt khó, thúc đẩy sự minh bạch và tiến bộ của thị trường cho vay tiêu dùng

    • DSPL
    ĐS&PL Năm qua, dưới tác động của đại dịch COVID – 19, các ngành kinh tế đều gặp khó khăn và Ngành ngân hàng cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, với sự linh hoạt của mình, Ngành ngân hàng đã vượt khó, đạt được những kết quả khả quan. Để rõ thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có những trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

     

    • Thưa ông, năm Nhâm Dần đã đến, khép lại một năm với nhiều sự kiện quan trọng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về hoạt động tài chính – ngân hàng trong năm qua?

     

    Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

    Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Đại dịch COVID-19 càn quét khốc liệt, gây nên những tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đối với kinh tế - xã hội thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Cũng như mọi lĩnh vực, ngành nghề khác, hoạt động tài chính – ngân hàng chịu tác động ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19.

    Ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu, tích cực thực hiện và có đóng góp toàn diện vào việc thực hiện các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ. 

    Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm vào cuộc, 3 lần giảm các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm 9 (đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực); giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn nhằm hỗ trợ các TCTD giảm chi phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

    Ngành Ngân hàng cũng kịp thời ban hành chính sách tạo hành lang pháp lý cho các TCTD xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ cho khách hàng thông qua việc ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phụ hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn; khuyến khích TCTD cho vay mới để khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.

    Kết quả đến ngày 22/11/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách àng bị ảnh hưởng bởi dịch với giá trị lũy kế từ ngày 23/1/2020 khoảng 580.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ gần 3,81 triệu tỷ đồng; lũy kế từ ngày 23/1/2021 tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2021 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng.

    Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã thực hiện gia hạn nợ với dư nợ 6.305 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.505.557 khách hàng với số tiền 135.198 tỷ đồng.

    Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Theo thống kê, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến ngày 31/10/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với thời điểm ngày 30/9/2021 tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết. 

    Ngành Ngân hàng cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bao gồm (1) cho vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc, (2) cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, (3) tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay, (4) tháo gỡ khó khăn trong việc thu mua lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (5) chỉ đạo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) giảm phí thanh toán cho các TCTD để các TCTD giảm phí cho khách hàng khoảng 1.600 tỷ đồng (6) thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt...

    Một số điểm nổi bật khác của hoạt động Ngân hàng không thể không nhắc tới trong năm 2021 là: 

    Cuộc đua của tăng vốn: Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng, công ty liên tục đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức và đã nhận được sự chấp thuận chính thức về tăng vốn điều lệ của NHNN…

    Cũng trong năm 2021, công cuộc chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng diễn ra khá sôi động, các hoạt động thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến hơn, tăng cả về lượng và chất. Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp ngành ngân hàng tài chính vẫn duy trì sự ổn định trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, đảm bảo các giao dịch thông suốt, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng.

    Hoạt động M&A trong mảng tài chính ngân hàng tiếp tục diễn ra sôi động. Thương vụ lớn nhất trong năm là SMBC mua lại 49% vốn của FE CREDIT. Thương vụ này là một phần trong động thái của SMBC để cơ hội phát triển hơn nữa ở châu Á khi FE CREDIT đang sở hữu khoảng 50% thị phần trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Sau thương vụ này, lĩnh vực tài chính ngân hàng thu hút giá trị giao dịch cao nhất trong tất cả các lĩnh vực từ Q1-Q3/2021, với tổng cộng 1,5 tỷ. 

    Tóm lại, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn của năm 2021, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đã được làm rất tốt dù phải đối mặt với nhiều thách thức để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD.

    Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, có thể thấy thời gian tới, các TCTD sẽ gặp nhiều khó khăn bởi vì bản thân TCTD cũng là doanh nghiệp, cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Những khoản nợ dù đã được cơ cấu lại nhưng bản chất nền tảng vẫn là nợ xấu. 

    Thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền từ ngân sách và khi nợ xấu gia tăng, chắc chắn các tổ chức tín dụng sẽ phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu. Nếu chúng ta để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng bị suy giảm thì lúc đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. Bài học kinh nghiệm này chúng ta đã thấy rất rõ khi thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2008, không tính toán cẩn thận và năm 2011 lạm phát quay trở lại, có thời điểm lên tới 18%.

     

    • Cùng với việc phát triển của dịch vụ tài chính số hóa, năm qua đánh dấu sự “bùng nổ” của thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng, xin Tiến sĩ cho biết nhận định của mình về thị trường này? So sánh với thế giới và khu vực thì quy mô, giá trị và trình độ của thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng của Việt Nam đang ở đâu? 

     

    Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Theo tôi thì năm 2021 không phải là năm bùng nổ của thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng. Thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng của chúng ta đã có sự phát triển rất tốt trong vài năm qua. 

    Tôi không trả lời cho câu hỏi so sánh. Tôi chỉ muốn nói với quy mô dân số gần 100 triệu người, 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

    Và tiềm năng này đã được các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy rất rõ. Lĩnh vực vay tiêu dùng đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Có thể thấy rõ điều này qua các thương vụ Tập đoàn SMBC của Nhật Bản mua hơn 49% vốn điều lệ của công ty tài chính FE Credit từ ngân hàng VPBank (Công ty đang chiếm khoảng 50% thị phần cho vay tiêu dùng); SHB cũng sẽ chuyển nhượng 100% vốn tại SHB Finance cho Krungsri – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản…

     

    • Đâu là những lý do chính khiến vay tiêu dùng hiện mới tập trung ở một số đô thị lớn và một số khách hàng trong khi tín dụng đen chưa đẩy lùi?

     

    Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Hoạt động cho vay tiêu dùng những năm qua đã phát triển rất tốt, đã và đang trở nên rất gần gũi hơn với người dân, phục vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng của khách hàng. Các tổ chức tín dụng như Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank và nhiều TCTD đã tích cực và đi đầu trong triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng với các điểm giao dịch lưu động phục vụ người dân khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa. Công ty tài chính như FE Credit mở rộng mạng lưới với hơn 21.000 điểm điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc, phục vụ hơn 12 triệu khách hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn.

    So với trước đây hoạt động tín dụng đen đã thuyên giảm rất nhiều. Còn để đẩy lùi được hoàn toàn tín dụng đen chúng ta cần sự phối kết hợp và vào cuộc đồng bộ của rất nhiều bộ, ngành cùng việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.

     

    • Xin Tiến sĩ đưa ra khuyến nghị đối với các tổ chức tài chính để an toàn cho khách hàng cũng như quản lý được nợ xấu của dịch vụ tài chính tiêu dùng?

     

    Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Theo tôi các tổ chức tài chính cần tập trung vào các nội dung chính:

      • Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng bảo mật thông tin.
      • Không ngừng chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên.
      • Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân.
      • Tăng cường, kiểm soát chất lượng tín dụng: Kịp thời phát hiện các dấu hiệu gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách, từ đó đưa ra những định hướng kiến nghị về xử lý nợ, hoặc cơ cấu khoản vay phù hợp với tình hình thực tế của khách hàng.

     

    • Ở vai trò của mình, Hiệp hội Ngân hàng có kế hoạch gì để thúc đẩy sự minh bạch và tiến bộ của thị trường cho vay tiêu dùng?

     

    Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Hiệp hội bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Quốc hội, NHNN và tình hình hoạt động của các thành viên để chủ động hơn nữa trong việc đưa ra đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong việc xây dựng, sửa đổi, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức hội viên trong việc thúc đẩy sự minh bạch và tiến bộ của thị trường cho vay tiêu dùng; 

    Cụ thể, tôi muốn đề xuất cho các công ty tài chính chính thống được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để có thể định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn, đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng chính xác hơn; NHNN phối hợp cùng các bộ/ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý, tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ; Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cho vay qua ứng dụng di động.

    Đề xuất phân loại tỷ lệ nợ xấu theo định hướng riêng của từng nhóm công ty tài chính với mục tiêu hỗ trợ cung ứng vốn cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng room tín dụng). Xem xét có cơ chế hỗ trợ vốn để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất hỗ trợ người dân. 

    Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về cơ chế chính sách cho vay ngân hàng, các loại hình, sản phẩm, địa chỉ cho vay tiêu dùng chính thống, an toàn; Giúp người dân nhận thức đúng, hiểu biết chính xác về hoạt động của các công ty tài chính chính thống được NHNN cấp phép; Kịp thời cảnh báo để người dân tránh bẫy tín dụng đen, đặc biệt là các hình thức tín dụng đen núp bóng công nghệ cao.

    Xin cám ơn ông!

    Đức Đông (Thực hiện)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nganh-ngan-hang-linh-hoat-vuot-kho-thuc-day-su-minh-bach-va-tien-bo-cua-thi-truong-cho-vay-tieu-dung-a528284.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.