+Aa-
    Zalo

    Ngày 20/10 sẽ trưng bày tàu mẫu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngày 20/10 này đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được trưng bày và xin ý kiến người dân, các cơ quan tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ.

    (ĐSPL) - Ngày 20/10 tới đây, đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được trưng bày và xin ý kiến người dân, các cơ quan chuyên môn tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).

    Tri thức trực tuyến dẫn tin từ Ban QLDA Đường sắt Cát Linh- Hà Đông, toa tàu mẫu mô phỏng tỷ lệ 1/1 cả về hình dáng, kết cấu, nội ngoại thất sẽ trưng bày xin ý kiến người dân và các cơ quan chuyên môn để áp dụng chính thức cho việc chế tạo sản xuất đoàn tàu của dự án.

    Đây là đoàn tàu mẫu, được đóng tại nhà máy đóng toa xe metro, Bắc Kinh, Trung Quốc. Tàu mẫu mô phỏng tỷ lệ 1/1 về hình dáng kết cấu, nội ngoại thất. Sau quá trình tiếp thu ý kiến, hình dáng, thiết kế tàu sẽ cập nhật một vài chi tiết cho phù hợp điều kiện thực tế.

    Hình ảnh tàu cao tốc mẫu sẽ được trưng bày ngày 20/10 tới tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).

    Trước đó, vào giữa tháng 9 vừa qua, một số hình ảnh về đoàn tàu mẫu tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được Ban QLDA Đường sắt chính thức công bố đến công chúng và nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều về thiết kế kỹ thuật - mỹ thuật.

    Đại diện lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt cho biết, tàu mẫu đã được chế tạo xong, hoàn thành và đang trên đường vận chuyển về dự án để trưng bày theo kế hoạch trong tháng 10/2015.

    Theo kế hoạch, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, loại B1, mua của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ, giá trị hơn 63 triệu USD.

    Tàu có 5 cửa tự động mỗi bên thành tàu, chiều dài gần 20 m và có màn hình led phía trên đầu để thông báo thông tin nhà ga hiện tại và tiếp theo trong lộ trình. Bảng thông báo lịch trình các nhà ga, các chỉ dẫn trên cửa tự động.

    Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông dài 13 km khổ 1.435 mm, tốc độ đoàn tàu 80 km/giờ, sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

    Toàn tuyến đường sắt đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng-Đại học Quốc gia-Vành đai III-Thanh Xuân III-Bến xe Hà Đông-Hà Đông-La Khê-Văn Khê-Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.

    Bên trong tàu cao tốc.

    Dự án do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu EPC.

    Bộ GTVT cho hay sẽ cố gắng hoàn thành phần thô của dự án như phần dầm, nhà ga vào tháng 6/2016, thêm 3 tháng để hoàn thiện các hạng mục còn lại, và 3 tháng nữa để chạy thử.

    Cuối năm nay sẽ hết tắc đường trục Cát Linh – Hà Đông

    Trước ý kiến về việc các công trình xây dựng dự án đường sắt đô thị là nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng trong thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội, tại buổi họp báo Quý III/2015 của Bộ Giao thông vận tải vừa diễn ra, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến hết năm 2015, tại những khu vực đang gây ùn tắc trên tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ cơ bản không còn ùn tắc, Infonet đưa tin.

    Theo ông Trường, sở dĩ có điều trên là do tuyến này vào cuối năm nay sẽ thông hầm đường bộ Thanh Xuân – Hà Đông. Đồng thời, dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành thi công toàn bộ phần trụ, chỉ còn lại một số vị trí nhà ga nên ùn tắc sẽ giảm.

    Cảnh ùn tắc tại đường Nguyễn Trãi xảy ra hàng ngày.

    Riêng dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, ông Trường cho biết, việc ùn tắc chủ yếu từ Trường đại học Quốc Gia đến phố Cầu Giấy cho nên hiện TP Hà Nội đã tìm giải pháp xén tiếp phần vỉa hè để mở rộng làn đường, đồng thời yêu cầu các nhà thầu thi công thu hẹp diện tích đang quây tôn và phân luồng các phương tiện đi sang các tuyến đường khác.

    Hiện Ban Quản lý dự án cũng yêu cầu các nhà thầu thi công liên tục 24/24 giờ để rút ngắn tiến độ dự án từ mốc năm 2019 xuống cuối năm 2018 để sớm chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông.

    Đức An(Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud] tL2WciAcvO[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-2010-se-trung-bay-tau-mau-duong-sat-tren-cao-cat-linh---ha-dong-a114909.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.