Ngày cuối đời của trùm giang hồ Khánh "trắng" một thời "bá chủ" đất Hà Thành


Thứ 5, 02/11/2017 | 01:14


Cùng sự kiện

Ngày 13/10/1998 có lẽ là một trong những ngày được ghi nhớ trong lịch sử đấu tranh tội phạm có tổ chức ở Việt Nam. Buổi sáng hôm ấy, Khánh "trắng" – trùm giang hồ một th

Ngày 13/10/1998 có lẽ là một trong những ngày được ghi nhớ trong lịch sử đấu tranh tội phạm có tổ chức ở Việt Nam. Buổi sáng hôm ấy, Khánh "trắng" – trùm giang hồ một thời “bá chủ” đất Hà Thành đã phải cùng đồng bọn ra trường bắn.

Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”)  SN  1956 tại Hà Nội. Khánh “trắng” có vẻ ngoài nho nhã, thư sinh song lại được xem là một sát thủ máu lạnh đội lốt một ông đội trưởng bốc xếp. Với vẻ ngoài hào hoa lịch lãm và làm nhiều công tác từ thiện đều là để che mắt thiên hạ nhưng để tranh giành lãnh địa, Khánh “trắng” và Phúc Bồ (kẻ thù truyền kiếp mang mối thâm thù không đội trời chung) đã có nhiều trận huyết chiến.

“Ông vua không ngai” của giới giang hồ Hà Thành

Khánh sinh ra trong một gia đình khá phức tạp (bố lấy 3 bà vợ, mẹ cũng 3 đời chồng). Khánh học hết lớp 5 thì bỏ học. Sau nhiều lần ra tù vào khám với 5 tiền án, tiền sự, đến năm 1989, Khánh mua xe xích lô ra gầm cầu Long Biên chở hàng thuê.

Đầu những năm 1990, băng nhóm “xã hội đen” do Khánh “trắng” cầm đầu đã thâu tóm toàn bộ khu vực chợ Đồng Xuân và một số khu vực lân cận, trở thành một “thế lực đen” bậc nhất Hà Thành.

Cho đến khoảng những năm 1993, Khánh được coi là một trong những “ông vua không ngai” của giới giang hồ Hà Thành.

Trùm giang hồ Khánh trắng thời điểm bị bắt - Ảnh: Dân trí

Tuy nhiên, những kẻ trong chốn giang hồ dường như luôn có điểm yếu là lòng tham không đáy. Đè đầu cưỡi cổ bà con tiểu thương các chợ nội thành chưa đủ, Khánh “trắng” không ít lần dòm ngó sang các địa bàn khác.

Hậu quả là gã đã từng bị tạt axít vào mặt cũng bởi ân oán của những cuộc tranh quyền, đoạt lợi này. Suýt mù mắt nhưng Khánh “trắng” vẫn chưa từ bỏ tham vọng vươn dài cánh tay tội ác của mình.

Trong quá trình hoạt động, Khánh từng nhòm ngó tới các khu vực như bến xe Long Biên, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội)... thậm chí từng đưa 30 đầu gấu vào TP HCM định gây thanh thế với băng “xã hội đen” do Năm Cam cầm đầu.

Khánh bay vào TP HCM trước để nắm tình hình, đàn em đi tàu hỏa vào sau. Nhưng rồi một số “quân sư” đã phân tích điều hơn lẽ thiệt nên Khánh “trắng” lặng lẽ rút quân.

Ngày cuối đời, Khánh bình tĩnh liếc nhìn chiếc quan tài màu đỏ…

Năm 1997, Khánh bị đưa ra xét xử với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Theo bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì Khánh "trắng" phạm 4 tội: giết người, cướp tài sản công dân, trốn thuế và che giấu tội phạm. Khánh phải nhận án tử hình. Lãnh án tử hình, Khánh được đưa vào buồng biệt giam tại trại giam T16 (Bình Đà).

Trước đó, bằng thế lực của mình, Khánh cứ nghĩ vào trại giam cũng chỉ là “tạm nghỉ ngơi, dưỡng sức”... Nhưng khi lãnh bản án tử hình, rồi đơn xin ân giảm cũng bị bác thì Khánh biết cái chết đã đến rất gần mà không có một phép mầu nào có thể cứu vãn nổi. Khuôn mặt của Khánh không còn che giấu nổi sự thất vọng, hắn lầm lì đối diện với bốn bức tường bê tông như cái bóng.

Khánh lặng lẽ, đối diện với chính mình. Không còn bóng dáng của một tên giang hồ cộm cán, Khánh “trắng” bỗng trở nên "hiền khô", "nền nã".

Ngày 13/10/1998 có lẽ  là một trong những ngày được ghi nhớ trong lịch sử đấu tranh tội phạm có tổ chức ở Việt Nam. Buổi sáng hôm ấy, Khánh "trắng" – ông chủ Nghiệp đoàn bốc xếp Đồng Xuân - Long Biên đã phải cùng đồng bọn ra trường bắn.

Giờ “G” đã điểm, một tiểu đội áp giải Khánh "trắng" và đồng bọn đến dựa cột. Hắn liếc nhìn chiếc quan tài màu đỏ đã chuẩn bị sẵn cho mình một cách khá bình thản. Phải chăng, sự bình tĩnh ấy có được bởi hắn là tên trùm giang hồ "nặng số”?

Làm xong mọi thủ tục, Khánh dựa đầu ngay ngắn vào thanh tre chờ đợi. Màn sương dày đặc, sâu thẳm bị xuyên thủng bởi loạt đạn súng trường khô khốc.

Sau tiếng súng vang lên, trường bắn lại chìm vào im lặng như chưa có chuyện gì xảy ra. Đôi mắt tử tù vẫn giữ nguyên nét mở trừng trừng như muốn xé toang tấm khăn bịt mắt để một lần cuối nhìn thấy thế giới của sự sống.

Đôi mắt ấy là minh chứng cho một chân lý rằng: Dù có “yên hùng” đến cỡ nào, dù có coi cái chết như không nhưng khi đối mặt với cái chết con người ta đều run sợ. Và Khánh “trắng”, trong lúc dựa cột cũng đã rúng động với cái nhìn thất thần, hãi hùng tột độ.

Trâm Anh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-cuoi-doi-cua-trum-giang-ho-khanh-trang-mot-thoi-ba-chu-dat-ha-thanh-a207616.html