Nghệ An: “Báo động đỏ” dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh sau mưa lũ


Thứ 7, 26/10/2019 | 09:06


Thông tin từ cơ quan chức năng, dịch tả lợn châu Phi ở Nghệ An đang lây lan, phát tán nhanh sau đợt mưa lũ vừa qua.

Thông tin từ cơ quan chức năng, dịch tả lợn châu Phi ở Nghệ An đang lây lan, phát tán nhanh sau đợt mưa lũ vừa qua. Ngày 19/10, thông tin từ trạm Thú y TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, trên địa bàn vừa tiêu hủy thêm 10 con lợn bị dịch ở xã Hưng Lộc. Trước đó, chiều 17/10, xã Hưng Lộc cũng đã tiến hành tiêu hủy 18 con lợn của một đơn vị trên địa bàn do nhiễm dịch.

Theo thống kế, tính đến thời điểm này, TP.Vinh đã có 16/25 phường, xã bị dịch tả lợn châu Phi xâm nhập với 93 khối xóm, 477 hộ có lợn chết do dịch tả châu Phi; tiêu hủy 3.616 con lợn với trọng lượng gần 230 tấn.

Được biết, sau khi mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, TP.Vinh bị ngập nặng, do đó việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Cán bộ thú y phối hợp với các phường, xã kiểm tra, giám sát các hố chôn để kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra; khảo sát các điểm chôn lấp xa khu dân cư, cao, không ngập nước và rải bạt lót xuống hố trước khi chôn lấp lợn. Phía UBND thành phố trích kinh phí mua vôi, hóa chất để tiêu độc, khử trùng các trục đường trên 25 phường, xã.

Ảnh minh họa.

Ở trên địa bàn TP.Vinh, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết, các hộ chăn nuôi lợn bằng nước rác, cho ăn trực tiếp không qua xử lý nhiệt để diệt vi rút, vi khuẩn nên mầm bệnh lây lan, phát tán nhanh. Trao đổi báo chí, ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng trạm Thú y cho biết, do số liệu báo cáo về tổng đàn ở các phường, xã chưa đúng với thực tế nên gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Cụ thể, theo báo cáo, trên địa bàn thành phố có 8 phường, xã không có người chăn nuôi song thực tế là nhỏ lẻ (chẳng hạn như phường Hưng Bình theo báo cáo thì không có hộ chăn nuôi song vừa rồi vẫn có lợn chết phải tiêu hủy); hoặc số tổng đàn báo cáo không đúng thực tế, trường hợp xã Nghi Kim số lợn tiêu hủy vừa qua vượt số báo cáo 100 con.

Theo cơ quan chức năng, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thêm vào đó, mưa kéo dài nên mầm bệnh dễ lây lan, phát tán rộng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần tuân thủ nguyên tắc phòng, chống bệnh. Phải cho lợn ăn chín, uống sôi, kiểm soát nguồn thức ăn cho lợn; phun tiêu độc, khử trùng, hạn chế người ra vào chuồng trại và khi lợn có biểu hiện mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và thú y sở tại.

Tình trạng xác lợn bị vứt bừa bãi trên sông Đào, đoạn chảy qua xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khiến người dân rất hoang mang và lo lắng.

Mấy ngày qua người dân xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vô cùng bức xúc trước việc xác lợn bị vứt bừa bãi trên sông Đào, đoạn chảy qua khu vực cây cầu Phượng.

Lợn chết nhiều ngày nổi trên mặt nước, bốc mùi hôi thối, nhiều người đi qua phải bịt khẩu trang. Ông Nguyễn Công Lương, Giám đốc xí nghiệp Thủy lợi đầu mối, thuộc công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An xác nhận thời gian qua có tình trạng người dân vứt xác động vật, đặc biệt là lợn chết, xuống kênh rất bừa bãi.

“Không biết ai lại vô ý thức vứt xác lợn bừa bãi như thế này. Mấy ngày gần đây, người dân đi qua khu vực này đều phải bịt khẩu trang bởi vì mùi xác lợn rất hôi thối. Tôi đang lo sợ mấy con lợn đó nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Nếu như vậy dịch này sẽ lây lan khắp nơi”, ông Vinh, một người dân địa phương cho biết.

Điều đáng nói, không chỉ sau mưa lũ, ý thức của người dân về phòng chống dịch tả lợn châu Phi rất kém. Trước đó, tin từ chi cục Chăn nuôi và Thú, y, trong ngày 4/10, trên địa bàn Nghệ An phát sinh thêm 12 ổ dịch tả lợn châu Phi mới tại các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP.Vinh và TX.Cửa Lò. Như vậy trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 21 huyện, thị xã, thành phố của Nghệ An xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Theo đánh giá của sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nghệ An, nguyên nhân chính khiến mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát tán rộng ở tất cả các địa phương trong tỉnh là do chưa thực hiện tốt công tác khử trùng tiêu diệt mầm bệnh tại các ổ dịch. Việc kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn bị buông lỏng, không nghiêm ngặt. Hơn thế nữa, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên rất khó áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Tổng số lợn đã tiêu hủy hơn 54.800 con với trọng lượng 2.454 tấn.

Hiện tại, đơn vị vừa tuyên truyền vừa phối hợp với chính quyền các địa phương thu gom xác lợn chết trôi trên các sông, kênh để bảo vệ nguồn nước, tránh ô nhiễm và lây lan dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng có cố gắng phòng ngừa, ngăn chặn nhưng ý thức của người dân kém thì vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây họa cho môi trường xung quanh, cho cộng đồng và cho chính bản thân mình.

Ngọc Ánh

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 168

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-an-bao-dong-do-dich-ta-lon-chau-phi-dang-lan-nhanh-sau-mua-lu-a298449.html