+Aa-
    Zalo

    Nghệ An: Tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát, dân bức xúc phản đối

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dù đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tại bãi bồi Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, nhưng người dân vẫn bức xúc phản đối

    (ĐSPL) - Dù đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tại bãi bồi Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, nhưng người dân vẫn bức xúc và phản đối quyết liệt bởi khi DN khai thác sẽ gây sạt lở cũng như việc cấp phép chưa được họp bàn trước dân.
    Tin tức cho biết, tháng 2/2015, UBND xã Nghĩa Dũng nhận được thông báo của UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) kèm theo Quyết định số 19/GP-UBND ngày 6/1/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc cấp phép khai thác khoáng sản cát sỏi xây dựng cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm tại địa điểm bãi cát bồi xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ).
    Theo quyết định cấp phép, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm được khai thác cát, sỏi thông thường tại khu vực bãi bồi Gia Đề. Khu vực khai thác có diện tích 10ha với trữ lượng khai thác 427.535m3. Doanh nghiệp có thời hạn khai thác trong vòng 10 năm.
    Sau khi nhận được hồ sơ cấp mỏ cho doanh nghiệp, UBND xã đã có thông báo cho các cấp ủy xóm Gia Đề nơi có mỏ được biết. Tuy nhiên, đứng trước sự việc này, cán bộ và nhân dân xóm Gia Đề đã không nhất trí việc cấp mỏ cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm, đồng thời ngăn cản không cho công ty vận chuyển cát sỏi đi qua địa bàn khi khai thác.
    Ông Quế Xuân Thân (SN 1968), trú tại xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng bức xúc chia sẻ: “Chúng tôi từ bao đời nay đã canh tác hoa màu tại 2 bờ sông Con, nay cho doanh nghiệp vào khai thác cát sỏi, sẽ dẫn tới xói, lở làm bà con nhân dân xóm Gia Đề mất đất sản xuất. Bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác mỏ cát, sạn của Doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm thế nhưng chúng tôi lại khồng hề hay biết việc cấp mỏ cũng như bất cứ cuộc họp bàn nào. Thật sự chúng tôi mất đi quyền dân chủ, không được trưng cầu ý dân”.
    Theo ông Thân, việc khai thác cát, sỏi ảnh hưởng trực tiếp đén đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân nhưng lại không được họp bàn và trưng cầu ý dân.
    Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Văn Khoa (SN 1969), trú tại xóm Gia Đề cho biết: “Từ xưa, chúng tôi đã trồng cây để giữ đất, chống xói mòn nay không hiểu vì sao, giờ lại có doanh nghiệp vào khai thác cát, sỏi ở đây. Nếu việc khai thác cát, sỏi diễn diễn ra sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đặc biệt, việc khai thác sẽ làm thay đổi dòng chảy dẫn đến người dân muốn sang bãi bồi canh tác sẽ rất khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người. Về lâu dài, đời con cháu chúng tôi sẽ không còn đất để sản xuất”.
    Qua tìm hiểu của PV được biết, trước đó, vào ngày 09/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 4784/UBND-TN và Công văn số 104/UBND ngày 16/7/2014 của UBND xã Nghĩa Dũng về việc xem xét, đề nghị khai thác cát, sỏi xây dựng tại xã Nghĩa Dũng trên tuyến sông Con. Ngay sau đó, xóm Gia Đề đã tiến hành họp dân xem xét đề nghị của Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc (doanh nghiệp đề nghị khai thác cát, sỏi - PV). Tại biên bản cuộc họp, 125/125 (100\%) hộ dân xóm Gia Đề đã không nhất trí và không đồng ý cho phép bất cứ một công ty, tổ chức doanh nghiệp hay cá nhân nào vào tổ chức thăm dò, khai thác cát sỏi trến tuyến sông Con thuộc địa phận xóm Gia Đề quản lý.
    Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo thì ngày 22/6/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ mời Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng, cán bộ địa chính – xây dựng xã, cấp ủy và ban chấp hành xóm Gia Đề tham gia cắm mốc, bàn giao khu mỏ cho Doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm. Sau khi biết được động thái của các cơ quan chức năng, tại buổi cắm mốc, một số bà con xóm Gia Đề đã ra ngăn cản việc làm của đoàn.
    Được biết, theo bản đồ khu vực được cắm mốc, đây là bãi bồi gắn liền với đất sản xuất canh tác hàng năm của nhân dân xóm Gia Đề. Vùng bãi bồi này, hàng năm được bồi lấp, khu vực nào có phù sa thì nhân dân chia nhau trồng rau màu, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đối diện khu mỏ từ mốc 1 lên đến mốc 4 qua bên kia sông Con là khu vực sản xuất ngô của nhân dân xóm Gia Đề.
    Trước những bức xúc của nhân dân, ông Nguyễn Doãn Loan, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho biết: “Việc khai thác cát sỏi sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, vì thế khi tiến hành cắm mốc, bàn giao mặt bằng, người dân xóm Gia Đề đã ra ngăn cản, phản đối việc làm trên. Chính vì vậy, UBND xã Nghĩa Dũng đã đề xuất tạm thời chưa bàn giao khu mỏ từ mốc 1 đến mốc 3. Trước mắt, công ty chỉ khai thác từ mốc 4 trở xuống. Từ mốc 1 đến mốc 3, trước mắt để cho nhân dân đi lại qua sông sản xuất”.


    Người dân có nguy cơ mất đất sản xuất nếu việc khai thác cát, sỏi diễn ra.
    Trong khi đó, ông Hoàng Đình Lâm, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm cho rằng: “Theo giấy phép khai thác được tỉnh Nghệ An cấp, doanh nghiệp chúng tôi được quyền khai thác 10ha thuộc khu vực bãi bồi Gia Đề. Được cấp phép từ đầu năm 2015 nhưng đến thời điểm này chúng tôi vẫn không thể tiến hành khai thác và đưa vào sử dụng bởi sự cản trở, phản ánh của người dân xóm Gia Đề”.
    “Thật sự chúng tôi rất khổ sở về vấn đề này. Bỏ bao nhiêu công sức, tiền của để được cấp phép mỏ cát, sỏi ở đây, nay lại chưa thể đi vào hoạt động”, ông Lâm phân trần.
    Ông Lâm trao đổi với PV về việc cấp phép khai thác cát sỏi trên bãi bồi Gia Đề
    Tin mới nhất cho hay, hiện tại, các bên tham gia giao mỏ đã thống nhất, giao các mốc giới 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm của khu mỏ theo bản đồ khu vực khai thác khoáng sản, mỏ cát, sỏi xây dựng Cồn Con. Riêng khu vực trong phạm vi mốc giới số 1, 2 , 3 , 11, doanh nghiệp và địa phương thống nhất không sử dụng.

    Biên bản giao mốc giới mỏ khai thác cát, sỏi tại bãi bồi Gia Đề.
    Thiết nghĩ, việc khai thác cát, sỏi không đảm bảo các quy trình kỹ thuật sẽ vô hình chung làm thay đổi dòng chảy, gây ra tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, việc khai thác cát sỏi làm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng lại không được họp bàn công khai trước dân sẽ dẫn đến những bức xúc đáng có. Do vậy, để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần sớm có những đối thoại với dân cũng như xem xét lại quy trình cấp giấy phép và hiện trạng khu vực mỏ cát, sỏi được cấp cho doanh nghiệp để có sự điều chỉnh hợp lý, tránh tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-an-tinh-cap-phep-cho-doanh-nghiep-khai-thac-cat-dan-buc-xuc-phan-doi-a101885.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.