+Aa-
    Zalo

    Nghề giáo viên: Khi người trong cuộc nói lên tâm sự

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Nghề giáo cũng là một nghề mà thôi. Người ta không thể đòi hỏi một người tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà lại không trả công xứng đáng cho người làm cả...

    (ĐSPL) – Nghề giáo cũng là một nghề thôi. Người ta không thể đòi hỏi một người tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà lại không trả công xứng đáng cho người làm cả....

    Đây là câu trả lời về nghề giáo viên trong thời điểm hiện tại của thầy giáo Lại Tiến Minh (32 tuổi), hiện đang là giáo viên của trường THPT Lương Thế Vinh và là đồng giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

    Được biết, thầy giáo Lại Tiến Minh được nhiều hệ học trò tại Hà Nội và các tỉnh lân cận biết đến với một hình ảnh trẻ trung, năng động, gần gũi học trò nhưng cũng giỏi nghề không kém. Bằng kinh nghiệm trên dưới 10 năm đứng trên bục giảng để “tiếp lửa” cho nhiều thế hệ học trò, thầy đã đưa ra những đánh giá, tâm sự về những niềm vui cũng như áp lực mà thầy cũng như giáo viên đang phải đối mặt hàng ngày.

    Thầy giáo Lại Tiến Minh.

    PV: Là một thầy giáo trẻ được nhiều học sinh biết đến, thầy có suy nghĩ như thế nào về nghề giáo, cũng như nền giáo dục Việt Nam hiện nay?

    Thầy giáo Lại Tiến Minh: Trước đây, người ta vẫn hay nói rằng: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, còn hiện tại đã có ít nhiều sự thay đổi.

    Nghề giáo không còn quá cao quý như trước nữa, đó là sự thật. Với tôi, nghề nào chân chính, tạo ra được những giá trị tốt đẹp cho xã hội thì đó chính là một nghề cao quý, dù là kỹ sư, bác sỹ hay công nhân,… Giáo viên cũng là một nghề, người giáo viên cần làm hết trách nhiệm của mình, đơn giản vậy thôi. Tất nhiên, ngành nghề nào thì cũng cần có đạo đức nghề nghiệp mà chúng ta cần tuân theo.

    Về nền giáo dục hiện nay, như tất cả chúng ta đều đã biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn cả ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nền giáo dục vẫn có nhiều khuyết điểm cần sửa đổi. Chúng ta cũng đang nỗ lực rất nhiều để thay đổi. Tôi không dám bàn nhiều. Tôi xin hy vọng vào những sự đổi thay ấy, hy vọng nhưng không kỳ vọng.

    PV: Xin thầy chia sẻ suy nghĩ, đánh giá của mình về thế hệ học sinh hiện nay cũng như vấn đề bạo lực học đường ngày càng xảy ra thường xuyên?

    Thầy giáo Lại Tiến Minh: Bản thân tôi đã đi dạy nhiều năm, qua nhiều thế hệ học sinh, tôi có thể nhìn thấy những sự thay đổi trong lứa học trò hiện tại so với trước đây. Hiện nay, các em học sinh trở nên năng động cũng như chủ động hơn rất nhiều trong việc học. Các học sinh Việt Nam thế hệ hiện tại cũng không quá e dè hay có khoảng cách với giáo viên. Các thầy cô vừa là người dạy vừa có thể chia sẻ hay giúp các em trong cuộc sống hàng ngày.

    Về vấn đề bạo lực học đường đang trở thành  hiện tượng mà tôi thấy khá phổ biến trong thời gian gần đây. Nhiều thầy cô có hành vi không đúng mực với học sinh hay những vụ bạo hành của chính những nhóm học sinh. Dù gây nên những hậu quả và hình ảnh không tốt nhưng đó cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, không nên vì thế mà có cái nhìn tiêu cực về ngành giáo dục. Tôi mong hiện tượng này sẽ sớm được đẩy lùi với sự cố gắng từ chính thầy cô, nhà trường, các bậc phụ huynh và cả chính các em học sinh.

    PV: Là một người trẻ tuổi, làm nghề cũng chưa bao lâu, thầy có thể chia sẻ về những áp lực nghề nghiệp mà thầy phải đối mặt?

    Thầy giáo Lại Tiến Minh: Theo quan điểm cá nhân tôi, ngành nghề nào thì chắc chắn cũng có những áp lực riêng. Có thể là áp lực từ việc phải nâng cao trình độ để phù hợp với công việc giảng dạy, từ việc thành tích hay cả áp lực về chuyện cơm áo gạo tiền. Nhưng tôi luôn nhìn áp lực nghề nghiệp theo hướng tích cực. Chính những áp lực ấy sẽ là động lực thúc đẩy tôi ngày càng sáng tạo, cần cù và luôn cập nhật các kiến thức mới để công việc và bản thân phát triển.

    Bản thân tôi không nghĩ nhiều về việc hàng ngày mình có những áp lực nào, áp lực lớn đến mức nào và đòi hỏi người khác phải thấu hiểu. Với tôi, quan trọng mình đối mặt với áp lực đó ra sao mà thôi. Tôi sẽ tìm cách biến áp lực thành động lực và tìm kiếm cho mình những niềm vui từ việc giảng dạy.


    PV: Còn về mức lương của giáo viên trong thời điểm hiện tại, thầy có suy nghĩ như thế nào?

    Thầy giáo Lại Tiến Minh: Vấn đề lương giáo viên thấp chắc có lẽ đã không ít người đề cập đến. Tôi chỉ muốn nói, nghề giáo cũng là một nghề thôi. Người ta không thể đòi hỏi một người tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà lại không trả công xứng đáng cho người làm cả.

    Chúng ta đều biết, các thầy cô hiện giờ ít người có thể dựa vào đồng lương giáo viên mà trang trải cuộc sống cả. Thế nên, nhiều thầy cô sẽ chọn làm thêm công việc khác. Tiền thì ai cũng cần, muốn sống với nghề nhưng nghề không nuôi được mình thì phải làm vậy thôi.

    Còn với bản thân tôi, tôi có nhiều cách để nuôi dưỡng cái đam mê trong mình, toàn tâm toàn lực với việc dạy mà vẫn có thể nuôi sống bản thân.

    PV: Vậy đánh giá của thầy về vấn đề dạy thêm, học thêm đang phổ biến trong xã hội?

    Thầy giáo Lại Tiến Minh: Với tôi, dạy thêm, học thêm không phải là việc xấu. Trước hết, học thêm và dạy thêm là xuất phát từ nhu cầu tự thân. Dạy thêm cũng là một cách để tăng thu nhập người giáo viên. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tuy là để nâng cao thu nhập nhưng nó cũng đem lại những giá trị ích dụng cho  người học nhất là khi đồng lương giáo viên vẫn như vậy và vẫn duy trì kiểu “thi gì học nấy” hiện nay.

    Tuy nhiên, bản thân tôi cũng không phủ nhận có nhiều người thầy bắt ép học sinh đi học thêm, bắt học nhiều buổi, học phí cao ngất ngưởng,… Cũng có nhiều người giáo viên giấu kiến thức để dạy thêm, trên lớp dạy không hết để dạy thêm nhưng đó chỉ là một bộ phận giáo viên. Tôi cho rằng, xã hội  không nên đánh đồng tất cả và cho rằng việc dạy thêm, học thêm là hoàn toàn xấu.

    Tôi luôn quan niệm rằng dạy thêm không xấu nhưng quan trọng người thầy ấy dạy ra sao và người học học vì cái gì .Với tôi, quan trọng là phải dạy đúng, dạy đủ và dạy có mục đích để học trò có thể nhanh chóng tiếp thu kiến thức dễ dàng.

    Xin cảm ơn thầy!

    Hà Cường

    Video đang được xem nhiều nhất:

    [mecloud]ynep4tElYt[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-giao-vien-khi-nguoi-trong-cuoc-noi-len-tam-su-a170736.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.