+Aa-
    Zalo

    Nghe sinh viên "bén" nghiệp hầu đồng kể chuyện

    • DSPL
    ĐS&PL Bỏ qua những lời bàn tán của xã hội, ngày càng đông đảo các bạn sinh viên đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng gắn một phần cuộc sống của mình với nghi lễ hầu đồng.

    Bỏ qua những lời bàn tán của xã hội, ngày càng đông đảo các bạn sinh viên đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng gắn một phần cuộc sống của mình với nghi lễ hầu đồng.

    (Ảnh minh họa)

    Làm thêm dành tiền hầu đồng

    Nhìn chàng trai trẻ Nguyễn Thành Đạt, sinh viên năm thứ hai, khoa Nhân học, trường Đại học KHXH&NV với cặp kính cận rất “tri thức” cùng cách nói chuyện cởi mở, thân thiện, ít ai biết được, Đạt lại “bén duyên” với cái nghiệp mà cậu vẫn thường gọi đùa là “đồng bóng” từ khi mới 5 tuổi.

    Đạt kể, trong gia đình có chú ruột mở phủ hầu đồng đã gần 20 năm nay. Vô tình một lần cậu dự một vấn đồng của chú thì bỗng thấy đầu óc quay cuồng, cả người chao đảo rồi không biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Cậu bảo: “Lần ấy mình bị “bắt đồng.”

    Sau chuyện lạ lùng lần đầu tiên đó, cậu bé 5 tuổi Thành Đạt trở nên thích thú với việc đi lễ đền chùa và tìm hiểu những vấn đề thuộc thế giới tâm linh, đặc biệt, là những nghi thức liên quan đến việc thực hiện một vấn đồng.

    Lần đầu tiên Đạt được chú ruột giúp đỡ để thực hiện một vấn hầu đồng là vào tháng Giêng năm Quý Tỵ (2013). Theo Đạt chia sẻ, kinh phí tổ chức một vấn đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có vấn đồng chỉ vài triệu nhưng có khi lên tới hàng trăm triệu tùy thuộc khả năng tài chính của người ra hầu. Lần ra hầu đầu tiên ấy, Đạt đã chi phí hết 10 triệu đồng.

    Nguyễn Thành Đạt, sinh viên năm thứ hai, khoa Nhân học, Đại học KHXH&NV. 

    Để ra hầu được lần đó, Đạt đã phải dành dụm tiền học bổng, tiền làm thêm và một phần nhờ sự giúp đỡ của anh chị, bạn bè. Cậu tâm sự: “Những bạn khác khi ra hầu có thể có gia đình trợ giúp nhưng mình luôn tâm niệm là khi nào có đủ tiền thì mới hầu. Vì thế, mình tích cóp tiền làm thêm và tiền học bổng để tổ chức vấn đồng.”

    Cùng với số tiền lương làm ngoài giờ kiếm được, số tiền tích lũy từ tiền học bổng ở trường và từ các tổ chức bên ngoài mà Đạt giành được đã giúp cậu chủ động kinh phí để thực hiện một vấn đồng.

    Không xa rời cuộc sống

    Mặc dù mới ra hầu hơn 1 năm nhưng chàng sinh viên năm thứ hai Đại học KHXH&NV đã 5 lần thực hiện nghi lễ hầu đồng, khi thì ở phủ của chú ruột tại quê nhà ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, lúc lại hầu tại các đền ở Hà Nội như đền Kim Giang, đền Trung Tả…

    Lo lắng việc con có “căn số” rồi ra hầu sẽ ảnh hưởng việc học hành, ban đầu, bố mẹ Đạt hết lời can ngăn, nhưng Đạt bảo: “Bố mẹ nói thì mình cứ nghe nhưng bản thân mình không xác định sẽ kiếm ăn bằng con đường đó nên không vì bố mẹ cấm mà bỏ và mình cũng hứa sẽ đảm bảo việc học”.

    Để minh chứng cho quyết tâm đó, Đạt cho biết, hai năm qua, cậu luôn dẫn đầu lớp về kết quả học tập, thường xuyên đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Không những thế, dù chưa trải qua hết 4 kỳ học nhưng Đạt đã giành được 6 suất học bổng, trong đó có cả học bổng các kỳ ở trường, tiền trợ cấp sinh viên giỏi từ nguồn kinh phí đào tạo của Chính phủ và đặc biệt là những suất học bổng từ chương trình hợp tác đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội với các tổ chức giáo dục nước ngoài.

    Đạt cũng dự định rằng, đã đi theo hầu đồng thì phải làm đến nơi đến chốn nhưng không phải dành quá nhiều thời gian cho nó. Nhiệm vụ chính là phải hoàn thành việc học tập và chuẩn bị cho công việc lâu dài trong tương lai. Chính vì thế, hiện tại, bố mẹ Đạt đã thông cảm hơn và không gay gắt chuyện cậu ra hầu đồng như trước nữa.

    Phạm Thị Phượng, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng du lịch Hà Nội.

    Cô sinh viên năm cuối trường Cao đăng du lịch Hà Nội Phạm Thị Phượng ra hầu đồng từ năm 2009, khi còn là học sinh cuối cấp THPT.

    Phượng tâm sự, vào thời gian sắp tới kỳ thi Đại học năm đó, Phượng thường xuyên bị ngất và trong tình trạng mệt mỏi, đến bệnh viện khám cũng không phát hiện ra bệnh. 

    Lúc đó, bố Phượng được một người mách là thử cho Phượng ra hầu Cha, hầu Mẹ xem thế nào. Vô tình, trạng thái mệt mỏi kia cũng dần tan biến nên Phượng cũng theo hầu luôn từ đó.

    Phượng chia sẻ, vì là sinh viên nên để sửa soạn cho một vấn hầu vài triệu đồng, Phượng phải nhờ bố mẹ giúp đỡ nhiều. Tuy vậy, cô bạn cũng dành dụm tiền học bổng và tiền làm phục vụ ngoài giờ ở các nhà hàng gần trường để phụ bố mẹ lo kinh phí.

    Còn với cô sinh viên du lịch Phạm Thị Phượng, dù tâm niệm phải chỉn chu việc lễ lạt để “phải phép” với Nhà Ngài, nhưng công việc chính là phấn đấu có công việc ổn định phù hợp với ngành học. Hơn nữa, Phượng cũng cho rằng, với con gái, việc làm thầy sau khi kết hôn rất phức tạp, nên cân bằng giữa việc tâm linh và cuộc sống thực để giữ không khí hòa hảo trong gia đình.

    Theo Lao Động

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-sinh-vien-ben-nghiep-hau-dong-ke-chuyen-a22445.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan