+Aa-
    Zalo

    Nghẹn ngào giấc mơ giảng đường của cô học trò mồ côi cha

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Chồng mất vì bạo bệnh, đã để lại cho người vợ nghèo số nợ gần 50 triệu đồng và 2 đứa con thơ. Giờ đây, gánh nặng như trĩu xuống khi cô con gái đầu thi đỗ đại học

    (ĐSPL) - Chồng mất vì bạo bệnh, đã để lại cho chị Phạm Thị Sen (SN 1978) ở thôn Cửa Nương, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) số nợ gần 50 triệu đồng và 2 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi học. Giờ đây, gánh nặng lại như trĩu xuống khi cô con gái đầu thi đỗ đại học nhưng con đường đến giảng đường đang hết sức mong manh.

    Năm 1995, chị Phạm Thị Sen xây dựng gia đình cùng anh Trần Văn Nhân (SN 1969), người cùng làng. Cuộc sống, hạnh phúc vợ chồng ngắn chẳng được tày gang khi năm 2001 anh Nhân phát hiện mình bị căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Để níu kéo số phận với đời, cả 2 vợ chồng đã vay mượn, ngược xuôi điều trị khắp các bệnh viện từ huyện đến tỉnh nhưng bệnh tình của anh Nhân cũng không thuyên giảm mà ngày một nặng thêm. Bao nhiêu tiền anh chị góp nhặt từ ngày xây dựng gia đình đến nay cũng “theo chân” anh đi vào bệnh viện khiến cho kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ hơn.

    Sau 2 năm chống chọi với bệnh tật, năm 2003, ông trời đã nhẫn tâm cướp đi người chồng, người cha để lại cho chị Sen 2 đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học và số nợ ngân hàng lên tới 50 triệu đồng. Chồng mất, nỗi đau đớn, thiếu thốn về vật chất chất và tình thần không thể lấp đầy trái tim người phụ nữ một sớm một chiều. Giường như cái nghèo, cái đói vẫn không buông tha 3 mẹ con. Sau ngày anh Nhân ra đi không được bao lâu, 3 mẹ con chị Sen cũng “khăn gói” về nhà ngoại ở. Được sự đùm bọc của anh em họ hàng bên ngoại, 3 mẹ con cũng cất tạm được ngôi nhà ở góc vườn để che nắng, tránh mưa.

    Nghẹn ngào giấc mơ đến trường của tân sinh viên trường Luật
    Căn nhà tạm ở góc vườn là nơi 3 mẹ con chị Sen ở

    Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, để có tiền trang trải sinh hoạt cũng như lo cho 2 đứa con đến trường, hàng ngày 3 mẹ con lại cùng nhau ra đồng mò cua bắt ốc, có khi là cắt cỏ, xay thóc thuê cho hàng xóm.

    Nói về hoàn cảnh đáng thương của chị Sen, ông Trần Quang Đạo (57 tuổi), hàng xóm cho biết: “Mẹ con chị Sen khổ lắm, đứa con gái đầu 8 tuổi đã phải đi làm ở tận trong nam, giờ nghe tin cháu đậu đại học cả làng ai cũng mừng. Chúng tôi đã góp chút ít vào cùng chị Sen để cho cháu có thể đến trường. Cháu Thủy là tấm gương vượt khó, học giỏi để con cháu chúng tôi noi theo. Mong các chú giúp đỡ để hoàn cảnh chị Sen bớt khổ hơn”.

    Cũng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không đủ ăn nên năm lên 8 tuổi cháu Trần Thị Thu Thủy (SN 1996), đã được một người dì đón vào Kiên Giang vừa giúp việc gia đình vừa nuôi ăn học. Hằng ngày Thủy phụ giúp việc nhà nhưng hễ có thời gian rỗi là em lại cầm sách ra học. Bằng nghị lực chịu thương chịu khó và lòng ham học hỏi, Thủy đã được đến trường để tiếp tục ước mơ “con chữ”. Trong những năm học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại tỉnh Kiên Giang, năm nào Thủy cũng là học sinh tiên tiến. Với ước mơ trở thành một luật sư để bảo vệ lẽ phải, năm học 2013 – 2014, Thủy xin mẹ cho gửi hồ sơ thi vào trường ĐH Luật TP HCM và đã đỗ vào trường.

    Nghẹn ngào giấc mơ đến trường của tân sinh viên trường Luật
    Chị Sen nghẹn ngào khi nói về con đường học tập của 2 đứa con gái

    Cầm giấy báo trúng tuyển đại học của con trên tay, chị Sen nước mắt ngắn dài chia sẻ: “Người ta con cái đậu đạt thì vui mừng, còn tôi thì từ khi con nhận được giấy báo trúng tuyển đêm nào cũng khóc khi mà số nợ gần 50 triệu đồng từ khi chồng chết chưa trả được và sổ đỏ đang còn nằm ở ngân hàng. Khi nhận được tin con trúng tuyển đại học Luật, tôi đã khuyên cháu nghỉ học vì điều kiện gia đình không thể có tiền cho cháu theo học, nhưng cháu nó khóc lóc, cầu xin mẹ bằng mọi giá cho con đi học rồi con sẽ làm thêm đỡ đần mẹ ”.

    Nghẹn ngào với mơ ước và hy vọng chính đáng của con, người mẹ nghèo đã phải chạy vạy làng trên xóm dưới gom góp để cho con có tiền nhập học, thậm chí là bán đi con bê (tài sản quý giá nhất của gia đình – PV). Lo cho con khoản tiền trước mắt đã khó, giờ đây việc ăn học hàng tháng của em Thủy gần như trở thành gánh nặng trên đôi vai gầy của chị Sen. Nước mắt của người mẹ nghèo đã khóc suốt vì thường con, thương chồng, nay lại một lần nữa chảy xuống vì bất lực không tìm ra cách để lo lắng cho con đến trường.

    Nghẹn ngào giấc mơ đến trường của tân sinh viên trường Luật
    Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng 2 chị em Thủy đều cố găng học tập và đạt thành tích tốt

    Cuộc sống nghèo khó của người phụ nữ trụ cột gia đình càng như chồng chất thêm khi hàng ngày chị còn phải chống chọi lại căn bệnh thoát hóa cột sống và nuôi đứa con gái thứ hai là Trần Thị Ngân (SN 2001) năm nay lên lớp 8 hiện đang bị bệnh u bướu. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn lại phải thường xuyên thuốc thang trị bệnh, nhưng noi gương chị gái, Ngân đều cố gắng học thật tốt và nhiều năm liền là học sinh tiên tiến của trường, mới đây em còn đạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi huyện môn Lịch sử.

    Vốn thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn thiếu thốn, cái ăn cái mặc đã là một gánh nặng, nay để lo cho các con tiếp tục đến trường, chị Sen gần như bất lực. Nhìn 2 đứa con gái với khát khao học tập, nước mắt chị lại trực trào ra. Rồi đây, con đường tri thức của 2 chị em Thủy liệu có được tiếp tục khi mà người mẹ nghèo không có điều kiện để chu cấp, lo lắng.

    Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về:

    - Chị Phạm Thị Sen

    Thôn Cửa Nương, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

    ĐT: 01669488721

    - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung:

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh - Nghệ An; ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghen-ngao-giac-mo-giang-duong-cua-co-hoc-tro-mo-coi-cha-a52839.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan