+Aa-
    Zalo

    Nghi án hối lộ 80 triệu yen: Vấn đề thực sự nghiêm trọng

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Việc tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật đưa thông tin về nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen của 1 quan chức ngành đường sắt Việt Nam chứng tỏ vụ việc thực sự nghiêm trọng.

    (ĐSPL) – Việc tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật đăng tải thông tin về nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen của 1 quan chức ngành đường sắt Việt Nam chứng tỏ vụ việc thực sự nghiêm trọng.

    Nhận định về việc tờ báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun đã đưa tin rằng Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã đưa một khoản hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một quan chức cấp cao của ngành đường sắt Việt Nam, TS Trần Đình Bá – Hội viên Hội Kinh tế và vận tải Đường sắt Việt Nam, Hội khoa học Kinh tế Việt Nam chia sẻ:

    “Đây là một sự thật được phát lộ ngẫu nhiên khi Báo Yomiuri Shimbun hôm 21/3 đưa tin ông Tamio Kakinuma - Chủ tịch JTC thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.

    Ông Kakinuma cũng đã ký vào biên bản lời khai tại văn phòng công tố Tokyo khi thẩm vấn. Dù Chính phủ Nhật và Cơ quan hợp tác JICA chưa có thông báo chính thức cho Việt Nam song nguồn tin này là đáng tin cậy vì không thể không có mà tự nhận làm tổn thương uy tín một tập đoàn tư vấn giao thông (JTC).

    Ngay sau tin “hot” này Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có phiên họp khẩn và quyết định những người liên quan bị đình chỉ công tác để kiểm điểm. Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã ra quyết định đình chỉ 4 quan chức trong ngành và ban quản lý công trình đường sắt. Điều đó càng khẳng định sự nghiêm trọng của vấn đề”.

    Nghi án hối lộ 80 triệu Yen: Vấn đề thực sự nghiêm trọng!

    TS Trần Đình Bá – Hội viên Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam.

    Cùng chung quan điểm với TS Trần Đình Bá, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng: “Việc tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun, là cơ quan đăng tải thông tin, chứng tỏ vụ việc rất nghiêm trọng. Việt Nam cần phải vào cuộc ngay để tổ chức điều tra. Chúng ta cũng cần hợp tác với phía Nhật, đề nghị giao hồ sơ liên quan trong đó có lời khai chủ tịch Tập đoàn JTC”.

    Cũng theo ông Doanh, vụ việc lần này cũng tương tự như vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ, năm 2008, đã nhận hối lộ 20 triệu yen của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI, trụ sở chính tại Nhật). Nhờ vậy, PCI đã thắng thầu trong dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM.

    Nghi án hối lộ 80 triệu Yen: Vấn đề thực sự nghiêm trọng!

    TS. Lê Đăng Doanh: "Vụ việc rất nghiêm trọng. Việt Nam cần phải vào cuộc ngay để tổ chức điều tra".

    “Vì đã có “tiền lệ” giải quyết vấn đề từ vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, nên chúng ta cũng đã có kinh nghiệm hơn, và hy vọng vụ việc lần này sẽ được làm sớm, làm tốt để chứng tỏ với các nhà đầu tư trên thế giới tinh thần hợp tác, không bao che, thái độ quyết liệt trong chống tham nhũng của Việt Nam” – TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ.

    Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc trên, TS. Trần Đình Bá cho rằng, Việt Nam phải ngay tập tức vào cuộc để xác minh, đồng thời, để lập lại trật tự trong GTVT và ngành đường sắt lúc này là phải cải cách thể chế, xóa bỏ độc quyền, thực hiện dân chủ theo Thông điệp năm 2014 của Thủ tướng. Đây là điều cần thiết để loại trừ hiện tượng độc quyền, cửa quyền và coi thường luật pháp. Bất kỳ một quốc gia nào cũng cần như vậy. Bộ trưởng GTVT cũng đã công bố trước toàn dân về việc xử lý nghiêm vụ này bất kể họ là ai. Bộ GTVT đang đứng trước thách thức đổi mới khi đã có quá nhiều việc nghiêm trọng xảy ra.

    Theo TS. Lê Đăng Doanh, sự việc lần này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc hợp tác, giám sát thi công các dự án. Chúng ta cũng nghiêm túc nhìn lại chất lượng của các dự án từ vốn ODA và việc sử dụng nguồn vốn từ trước tới nay đã hợp lý và hiệu quả hay chưa?

    Vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ cũng được tờ báo Yomiuri Shimbun đăng tải vào ngày 25/6/2008.

    Theo đó, phía Nhật Bản đã truy tố bốn cựu quan chức của PCI về việc đưa tiền cho quan chức Việt Nam để được thắng thầu trong dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, đồng thời ủy thác tư pháp, đề nghị Việt Nam phối hợp điều tra vụ tiêu cực này.

    Sau khi tiếp nhận thông tin trên, cơ quan điều tra Bộ Công an đã vào cuộc, khởi tố vụ án tiêu cực tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM và khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, kiêm trưởng ban quản lý dự án) cùng một số người có liên quan.

    Căn cứ tài liệu của Nhật Bản và kết quả điều tra của Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã có đủ căn cứ truy tố ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã nhận hối lộ 262.000 USD từ quan chức Nhật Bản.

    Ngày 18/10/2010, TAND TP.HCM xét xử tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sỹ tù chung thân về tội nhận hối lộ. Ông Sỹ kháng cáo. Ngày 1/9/2011, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo trên, giảm án xuống còn 20 năm tù về tội nhận hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ. 

    Anh Thư

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-an-hoi-lo-80-trieu-yen-van-de-thuc-su-nghiem-trong-a26867.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan