+Aa-
    Zalo

    Nghị định 93: Loại bỏ người không đủ tâm, đạo đức thấp kém lợi dụng từ thiện để tiêu cực

    ĐS&PL Đây là nhận định của Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường về các quy định mới được nêu trong nghị định 93 vừa được Chính phủ ban hành.

    Nghị định 93/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 11/12) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được ban hành.

    Nội dung nghị định 93 có nhiều điểm mới so với Nghị định 64/2008, trong đó nêu rõ những yêu cầu cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên cá nhân được phép kêu gọi từ thiện song phải tuân thủ một số quy định.

    Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, việc Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để bổ sung Nghị định 64/2008/NĐ-CP là cần thiết và kịp thời.

    Theo luật sư Đặng Văn Cường, xét quy định tại Điều 5 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP trước đây thì chỉ có các quỹ tín dụng, quỹ từ thiện, mặt trận tổ quốc và hội chữ thập đỏ mới được phép kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phát hàng, quà từ thiện cho đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt, hạn.

    Ngoài các tổ chức nêu trên thì các tổ chức, cá nhân khác không được phép thực hiện hoạt động kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện với bất cứ hình thức nào. Quy định này nhằm quản lý hoạt động từ thiện, tránh những hoạt động từ thiện tự phát làm phát sinh các tiêu cực xã hội.

    "Tuy nhiên văn bản này ban hành vào thời điểm mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet vẫn chưa phát triển, các hoạt động trên mạng xã hội chưa nhiều, hoạt động kêu gọi từ thiện chủ yếu diễn ra tại chỗ và do các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện. Bởi vậy nhu cầu cấp thiết của cuộc sống là phải bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân khác đứng ra kêu gọi, tiếp nhận từ thiện", luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

    quy dinh thoi gian giai ngan tien thu thien la can thiet de tranh truong hop nhu hoai linh dspl 1

    Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

    Nghị định 93 sẽ khắc phục tình trạng giải ngân chậm trễ

    Tại khoản 1 điều 17 của Nghị định 93, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu.

    Đồng thời, khoản 2 Điều 17 của Nghị định 93 quy định rõ cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp từ thiện nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu.

    Đặc biệt, sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận quyên góp đã cam kết, không được phép tiếp nhận thêm tiền ủng hộ và phải thông báo đến ngân hàng nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận tiền ủng hộ.

    "Việc quy định lập tài khoản riêng để tiếp nhận tiền từ thiện cũng là nội dung cần thiết và thiết thực, việc quy định thời hạn, thời gian phân phát tiền, hàng từ thiện là điều cần thiết để tránh trường hợp kéo dài việc kêu gọi và giải ngân chậm trễ như trường hợp của Hoài Linh", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

    Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, nghị định này được ban hành sẽ chấm dứt tình trạng hoạt động từ thiện tự phát, thiếu quản lý, thiếu giám sát và nguy cơ tiêu cực, biển thủ, chiếm đoạt hàng, quà từ thiện.

    "Đối với những người không đủ tâm, không có tầm, đạo đức thấp kém thì không đủ tư cách cũng như không thể đạt hiệu quả khi tham gia kêu gọi từ thiện. Bởi vậy những thủ tục đăng ký kêu gọi vận động từ thiện là cần thiết để xác định đối tượng, công khai danh tính, công khai thủ tục, công khai nội dung và hiệu quả của công tác từ thiện", luật sư Đặng Văn Cường nói.

    Ngoài ra, trách nhiệm thông báo, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc phân phát hàng, quà từ thiện cũng là một nội dung quan trọng để làm cơ sở xác nhận hiệu quả, thực tế hoạt động từ thiện.

    Đồng quan điểm với ông Đặng Văn Cường, LS Phạm Hồng Kiên, Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt, (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng Nghị định 93 có hai điểm khác biệt nổi bật so với Nghị định 64, đó là quy định mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại đối với cá nhân quyên góp, đồng thời bổ sung trách nhiệm và quyền của các cá nhân làm từ thiện.

    "Tại khoản 2 điều 17 của nghị định quy định cá nhân phải mở tài khoản riêng theo từng cuộc vận động để tiếp nhận và quản lý tiền từ thiện. Theo tôi đây là quy định giúp phân định rõ tiền từ thiện và nguồn tiền cá nhân của người kêu gọi từ thiện, tạo thuận lợi cho việc sao kê và tránh tình trạng nhập nhằng như những lùm xùm trên mạng xã hội gần đây", luật sư Phạm Hồng Kiên nêu quan điểm. 

    Hiếu Nguyễn - Khánh Ngân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-dinh-93-loai-bo-nguoi-khong-du-tam-dao-duc-thap-kem-loi-dung-tu-thien-de-tieu-cuc-a517722.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan