Nghiên cứu quy định môn Lịch sử có phần bắt buộc và tự chọn


Thứ 7, 04/06/2022 | 19:03


Cùng sự kiện

Ở phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng ngày 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra gợi ý, có thể quy định theo hướng môn Lịch sử vừa có vừa có phần bắt buộc, phần tự chọn.

Liên quan đến việc dạy và học môn Lịch sử ở bậc THPT, ở phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng ngày 4/6, VietNamNet dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, yêu cầu các cơ quan tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý; có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa phù hợp thực tiễn; đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra gợi ý, có thể quy định theo hướng môn Lịch sử vừa có vừa có phần bắt buộc, phần tự chọn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Với các chính sách tác động tới toàn dân, lợi ích chính đáng của người dân thì phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng.

Giáo dục pháp luật - Nghiên cứu quy định môn Lịch sử có phần bắt buộc và tự chọn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng ngày 4/6. Ảnh: VnExpress.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua từ năm 2018. Sau 4 năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10 thì nhận ý kiến về việc Lịch sử là môn lựa chọn.

Giữa tháng 4, bộ GD&ĐT khẳng định việc bố trí môn Lịch sử trong chương trình mới vẫn đáp ứng được yêu cầu giáo dục môn học này cho học sinh phổ thông. Ở cấp THCS của giai đoạn cơ bản, Lịch sử được dạy từ lớp 6 đến 9, trang bị cho học sinh kiến thức cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử là nội dung chuyên sâu. Học sinh không học thiên về khoa học xã hội vẫn có thể lựa chọn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ nghề nghiệp mà các em lựa chọn. Chương trình mới cũng dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy.

Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết còn ý kiến trái chiều về việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT.

Trước đó, trong ngày 2/6, Thủ tướng cũng đã ra chỉ đạo “nóng” về môn Lịch sử trong chương trình THPT, trong đó yêu cầu bộ GD&ĐT khẩn trương tổ chức Hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; làm tốt hơn công tác truyền thông để xã hội được cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh.

Bích Thảo (T/h) 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghien-cuu-quy-dinh-mon-lich-su-co-phan-bat-buoc-va-tu-chon-a539966.html