Nghiện thuốc lá 10 năm, nam thanh niên 29 tuổi suýt bỏ mạng


Chủ nhật, 08/12/2019 | 12:10


Cùng sự kiện

Nhập viện trong tình trạng tức ngực khó thở, nam thanh niên 29 tuổi bị tràn khí khoang màng phổi may mắn được cứu sống.

Nhập viện trong tình trạng tức ngực khó thở, nam thanh niên 29 tuổi bị tràn khí khoang màng phổi may mắn được cứu sống.

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân bị tràn khí khoang màng phổi.

Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá 10 năm

Thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ ngày 4/12 cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa cứu sống thanh niên 29 tuổi bị tràn khí khoang màng phổi. Trước đó, bệnh nhân N.V.C. nhập viện trong tình trạng tức ngực khó thở mức độ nhiều. Bác sĩ Dương Xuân Phương, đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực - bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện phẫu thuật nội soi cắt kén khí phổi cho người bệnh C., hiện sức khỏe người bệnh diễn biến tốt.

Theo người bệnh C., từ trước đó anh không có biểu hiện gì lạ, chỉ duy nhất trong buổi sáng ho vài tiếng và tức ngực tăng dần gây khó thở đột ngột. Anh đã đến phòng khám gần nơi làm việc để thăm khám và được giới thiệu đi cấp cứu ngay tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, bệnh nhân được chụp phim cắt lớp lồng ngực và chẩn đoán tràn khí khoang màng phổi trái mức độ nhiều, chùm kén khí đỉnh phổi trái. Được biết, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá 10 năm. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật dẫn lưu khoang màng phổi cấp cứu cho người bệnh, sau dẫn lưu người bệnh tỉnh, da niêm mạc hồng đỡ khó thở, tinh thần ổn định, dẫn lưu ra khí liên tục.

Sau 1 ngày, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi vào khoang màng phổi trái thấy chùm kén khí ở thùy trên cùng nhiều kén nhỏ khác. Kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt chùm kén khí, gây dính màng phổi trái. Theo các bác sĩ, kén khí phổi ở người bệnh C. được hình thành tự phát thứ phát (người bệnh hút thuốc 10 năm, giãn phế nang 2 phổi). Kén khí lớn dần, chèn ép làm xẹp nhu mô phổi. Khi kén khí vỡ, gây tràn khí màng phổi, chèn ép trung thất có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện, phẫu thuật kịp thời. Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân C. đã dần khỏe mạnh trở lại.

Hậu quả khó lường

Trước đây, cũng vì nghiện thuốc lá nhiều năm, bàn chân người đàn ông 44 tuổi bị hoại tử rồi khô dần. Đó là trường hợp của anh Hùng (đã đổi tên), ở Quảng Nam có tiền sử nghiện thuốc lá nhiều năm, có ngày anh hút hết gần 1 bao thuốc. Gần 1 năm trở lại đây, anh phát hiện chân phải yếu dần, đã đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng tình trạng không cải thiện.

Vài tháng trở lại đây, bàn chân phải của anh xuất hiện các vết hoại tử rồi tự khô, càng ngày vùng hoại tử càng lan rộng khiến anh không thể đi lại. Anh từng đề nghị bác sĩ cắt cụt chân phải vì không thể chịu đựng những cơn đau đớn dồn dập và nghĩ không còn cách gì để điều trị.

Không nản chí, gia đình quyết định đưa anh Hùng đến bệnh viện TƯ Quân đội 108 để thăm khám, lúc này bàn chân phải lạnh, tím, khắp bàn chân có nhiều chỗ hoại tử khô. Qua khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch kết luận, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch đùi nông và động mạch khoeo do hút thuốc lá. Nếu phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch thông thường, mạch không có khả năng tái thông. Do cuối động mạch khoeo vẫn còn 4 nhánh bàng hệ của vòng nối quanh gối nên các bác sĩ đã phẫu thuật bóc nội mạc động mạch khoeo, làm cầu nối động mạch đùi – động mạch khoeo chân phải bằng tĩnh mạch hiển tự thân đảo chiều.

Đây là kỹ thuật không quá khó nhưng yêu cầu phẫu thuật tỉ mỉ, nhận định tổn thương thật chi tiết, thấu đáo, tính toán phương án kỹ càng trước khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật gần 1 tháng, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, chân phải đã hồng, ấm, tưới máu cẳng – bàn chân tốt. Bệnh nhân đã có thể đi lại, vận động được.

Bệnh lý tắc động mạch khá phổ biến trong cộng đồng, gây nên nhiều hậu quả nặng nề với sức khoẻ người bệnh. Tổn thương tắc động mạch ở đâu thì gây hoại tử ở đó (tắc mạch máu não sẽ gây nhồi máu – hoại tử nhu mô mão, tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim – hoại tử cơ tim...).

 Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng tắc mạch, trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh lý này. Theo các nghiên cứu, thuốc lá gây ra hơn 25 bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó, có nhiều bệnh nguy hiểm. Những căn bệnh chính do thuốc lá gây ra bao gồm, rụng tóc, cao răng, sâu răng, ung thư da, khí phế thũng, ung thư phổi và các cơ quan khác, loét dạ dày, chuyển màu da ngón tay, bệnh vẩy nến, đục nhân mắt, nếp nhăn, điếc, loãng xương, bệnh tim mạch, ung thư cổ tử cung và sảy thai, biến dạng tinh trùng, bệnh buerger (bệnh viêm tắc mạch máu chi).

Thuốc lá còn là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm. Tính chung trên thế giới, thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi; 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính, thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.

Không chỉ thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử cũng có những nguy hại khó lường. Mới đây, người đàn ông 40 tuổi (ở bang California -Hoa Kỳ) tử vong, nguyên nhân được xác định do thuốc lá điện tử. Đáng nói, đây là ca tử vong thứ 2 trong số các trường hợp tử vong trong khu vực đến từ thuốc lá điện tử.

Thời gian gần đây, nước Mỹ tiếp nhận ít nhất 200 trường hợp suy giảm sức khỏe ở mọi mức độ do sử dụng thuốc, hút thuốc quá độ hoặc sử dụng các chất kích thích, gây nghiện tương tự. Mới đây, Bộ trưởng bộ Y tế và Môi trường Kansas Lee Norman phải thốt lên rằng: "Đừng gieo rắc cái chết chỉ bởi một điếu thuốc, đã đến lúc mọi người nên dừng lại".

Hương Linh (t/h)

Bài đăng trên báo in Đời sống& Pháp luật Chủ nhật số 49

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghien-thuoc-la-10-nam-nam-thanh-nien-29-tuoi-suyt-bo-mang-a303633.html