+Aa-
    Zalo

    NGND Hoàng Kiều - nghệ sĩ gạo cội của làng chèo Việt qua đời

    • DSPL
    ĐS&PL Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, Nhà giáo nhân dân (NGND) Hoàng Kiều qua đời, hưởng thọ 93 tuổi.

    Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, Nhà giáo nhân dân (NGND) Hoàng Kiều qua đời, hưởng thọ 93 tuổi.

    NGND Hoàng Kiều.

    Nghệ sĩ Giáng Son cho biết, thân phụ cô là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, NGND Hoàng Kiều tạ thế lúc hồi 07h40 ngày 10/8/2017 ((tức 19 tháng Sáu năm Đinh Dậu), hưởng thọ 93 tuổi.

    NGND Hoàng Kiều tên thật Tạ Khắc Kế, sinh ngày 12-4-1925, quê ở Dốc Lã, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông tu nghiệp âm nhạc tại Vũ Hán (Trung Quốc) từ năm 1950- 1953, sau đó về công tác tại Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương.

    Năm 1956, ông phụ trách Ban Nghiên cứu Nhạc múa (Bộ Văn hóa, nay là Bộ VH-TT&DL), rồi làm Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Sân khấu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh kiêm Chủ nhiệm Khoa Kịch hát dân tộc cho đến khi nghỉ hưu (1989).

    Ông là tác giả âm nhạc của vở chèo kinh điển "Súy Vân" cùng nhiều vở chèo quen thuộc; là nhà nghiên cứu nghệ thuật chèo và âm nhạc cổ truyền xuất sắc; ông được coi là một trong những người đặt nền móng cho trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đồng thời cũng là thầy của rất nhiều thầy, học giả, nhà nghiên cứu nghệ thuật, nghệ sĩ tài năng đương đại của nước nhà.

    Ngoài ra, ông còn sáng tạo ở một số tác phẩm sân khấu kịch hát truyền thống về đề tài cách mạng như Máu chúng ta đã chảy (1963), Bố con người gác đèn (1969), Những cô gái mặt đường (1969), Cô hàng rau (1980)...

    NGND Hoàng Kiều còn được biết đến với tư cách là một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận và phê bình sân khấu. Các công trình nghiên cứu của ông đã để lại dấu ấn lớn trong sự phát triển của nghệ thuật chèo cũng như nghệ thuật sân khấu và âm nhạc truyền thống như: “Sử dụng làn điệu chèo” (1974), “Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền” (2001), “Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ” (2001), “Tìm hiểu sân khấu chèo” (Hoàng Kiều - Trần Việt Ngữ), “Lịch sử sân khấu chèo và phát triển” (2009), “Các làn điệu chèo có âm nhạc” (Hoàng Kiều và Hoàng Hoa), “Điệu thức 5 âm và tính năng các cây đàn”...

    NGND Hoàng Kiều kết hôn với nghệ sĩ chèo Bích Ngọc (Trần Thị Ngọc) vào năm 1966. Ông bà có 4 người con, trong đó nhạc sĩ Giáng Son là con gái út. Ông có nhiều ảnh hưởng tới phong cách âm nhạc của nhạc sĩ Giáng Son, giúp chị trở thành nữ nhạc sĩ đương đại có nhiều sáng tác mới nhưng vẫn mang hơi thở âm nhạc truyền thống.

    Được biết, lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Kiều sẽ bắt đầu từ 7h đến 9h sáng ngày 12/8 (tức 21/6 năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, phố Trần Vỹ, đường Lê Đức Thọ kéo dài, TP. Hà Nội. An táng tại quê nhà thôn Cao, Bảo Khê, TP Hưng Yên.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngnd-hoang-kieu---nghe-si-gao-coi-cua-lang-cheo-viet-qua-doi-a198775.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan