Ngôi chùa có căn hầm bí mật để bảo vệ cổ vật trăm tuổi


Thứ 6, 12/03/2021 | 14:28


Ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng với ngôi chùa có tuổi đời đến 132 năm.

Ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng với ngôi chùa có tuổi đời đến 132 năm. Điều ngạc nhiên hơn, chùa còn có kho báu - với hàng trăm cổ vật cũng có tuổi đời trên 100 năm, hiếm thấy. Tuy nhiên, vị sư trụ trì ngày đêm phải ôm các cổ vật này… để ngủ.

Căn hầm bí mật

Sáng ngày 11/1/2016, khi các sư thầy trong chùa Xuân Thọ (khu phố 2, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) thức dậy, phát hiện 1 tượng phật quý hiếm được đặt tại Chánh điện "không cánh mà bay".

Hoà thượng Thích Hồng Nhã, Trụ trì chùa Xuân Thọ cho hay: "Pho tượng đồng có từ thế kỷ 19 (năm 1900) khi khai sơn lập chùa, Hòa thượng Viên Giác đã thỉnh từ Huế về. Tượng phật được đúc bằng đồng, tư thế ngồi thiền, không có đài sen, cao khoảng 1m, trọng lượng rất nặng khoảng chừng phải 2 - 3 người mới khiêng nổi - thường gọi là Tỳ Lô Giá Na Phật.

Đây được xem là pho tượng có giá trị về văn hóa Phật giáo độc đáo tại Bình Thuận. Trước đó, do lo sợ mất cắp, các sư thầy tại chùa đã sơn phủ một lớp sơn màu áo phật bên ngoài để ngụy trạng, nhưng vẫn bị lấy cắp, đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm và đưa tượng trở về chùa".

Kể câu chuyện này mà đôi mắt của sư thầy Trụ trì càng hiện lên sự ái ngại, lo âu cho hàng trăm cổ vật khác còn hiện diện trong chùa có từ năm 1888, thậm chí cả trước đó. Điển hình như, 3 chiếc chuông, có tuổi đời phải hơn 132 năm. Trong đó, 1 chiếc nhỏ được trưng bày ở gian Chánh điện, còn lại 2 cái lớn hơn thì vị Trụ trì phải cất vào trong một "căn hầm bí mật".

Dẫn vào tham quan 2 chiếc chuông này, Hòa thượng Thích Hồng Nhã phải truy tìm chìa khóa, loạy hoạy mở cửa, bật điện và "dọn đường" để PV vào trong chụp hình. Về kích thước, 2 chuông này khá lớn, cao bằng người (tư thế ngồi quỳ) và được chặm khắc rất điêu luyện, tinh xảo. Trên đỉnh chuông có hình đúc một số con vật, giống rồng, còn thân chuông có khắc một số chữ Hán.

Ngoài là chuông, trong "căn hầm" này, Trụ trì chùa còn có cất giữ khá nhiều cổ vật khác, như: chum, ché, chậu sành/sứ… Chăm, thời nhà Minh cũng có tuổi đời trên trăm năm.

Cách "hầm bí mật" không xa là căn phòng - nơi vị Hòa thượng này ngủ cũng chất đầy cổ vật, khiến PV hết sức ngỡ ngàng. Đó là hàng chục tượng cổ, quý giá mà bản thân các vị sư trong chùa cũng như PV chưa hiểu hết hết được giá trị của nó.

Chỗ ngủ độc nhất vô nhị

Tượng được làm bằng các chất liệu đồng đen, đá, gỗ, ngọc bích… với nhiều kích thước lớn nhỏ, rồi hơn chục bức tranh bằng gỗ (chưa rõ gỗ gì) được chạm khắc chìm, nổi một cách tinh xảo… chất đầy trong một căn phòng nhỏ, chật hẹp của sư trụ trì.

Riêng về số tranh có nội dung thể hiện đời sống hết sức sinh động từ cảnh vật, đến các loài thú, rồi đời sống của quan phủ thời bấy giờ, mà PV - với kiến thức hạn hẹp, chỉ biết nhìn và say đắm với các cổ vật này.

Hòa thượng Thích Hồng Nhã chia sẻ: "Một số cổ vật do chùa phát hiện trong lúc xây dựng lại khi đào đất đá. Có lần, trong giấc mơ tôi nằm chiêm bao thấy có tượng phật phía trên đồi, sau chùa, sáng ra liên báo với sư trụ trì khi ngài chưa viên tịch. Trụ trì bảo tôi lên đào, quả nhiên, thấy một đầu tượng phật rất quý hiếm và sau đó còn phát hiện khá nhiều cổ vật khác".

Ngồi chia sẻ với PV, tâm trạng chưa vui, Hòa thượng Thích Hồng Nhã nói thêm: "Có Trụ trì chùa nào mà giống như tôi không, toàn ngủ với cổ vật. Nhưng để số cổ vật này ở ngoài sẽ ngủ không yên, lại sợ mất cắp. Nếu điều đó xảy ra sẽ là điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời tôi, vì vậy những báu vật này cần phải được giữ gìn cho ngôi chùa, cho thế hệ mai sau. Đây cũng là tài sản của cộng đồng người bản địa cũng như bá tánh khắp bốn phương, của Quốc gia. Đó là điều mà tôi trăn trở bấy lâu nay".

Ngoài ra, tại ngôi chùa này còn hàng loạt cổ vật khác, có giá trị cả trăm năm là điều dễ thấy mà chỉ có người trong cuộc mới thấy hết giá trị, tầm quan trọng và sự kiêu hãnh.

Điều mà chúng tôi nhận thấy, chùa Xuân Thọ đang rất đơn sơ, kể cả cơ sở vật chất so với nhiều ngôi chùa hoành tráng khác hiện nay. Trụ trì kể: "Vừa rồi, do xuống cấp nghiêm trọng nên Chánh điện đã bị sập xuống, may mà không ai bị thương. Hiện, Chánh điện đã được sữa chữa, nới rộng ra để đủ chỗ cho bá tánh, phật tử đến hành hương, lễ phật".

Ngay từ cổng, với sự đơn sơ, nhiều hàng quán chen chúc, xô bồ, che khuất tầm nhìn, nếu không có "thổ địa" dẫn đường thì PV sẽ rất khó khăn để tìm đến ngôi chùa này. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với những giá trị đang ẩn chứa trong chùa Xuân Thọ, có tuổi đời 132 năm.

Cổng Tam quan trơ trọi, nằm lùi sâu vào bên trong, cách khá xa mặt đường Nguyễn Thông (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết), bởi, phần ngoài đã bị một số hộ dân lấn chiếm, che khuất tầm nhìn của ngôi chùa. Chính vì lẽ này mà đến bây giờ, nhà chùa vẫn chưa thể xây dựng hàng rào bảo vệ.

Khổ vì… chưa có hàng rào

Theo Hoà thượng Thích Hồng Nhã: "Trước đây chùa có khuôn viên rất lớn, tuy nhiên, do nhiều biến động nên còn lại diện tích khá ít. Tuy nhiên, phía trước vẫn là đất của chùa, do đó, chúng tôi đề nghị người dân trả lại, nhưng không được, thậm chí một số hộ dân đã được hợp thức hóa bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này, chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhiều lần và cầu cứu đến các vị lãnh đạo UBND tỉnh, TP. Phan Thiết.

Chúng tôi cho rằng, nếu như phần diện tích đất này phục vụ cho các mục đích công cộng, như: công viên cây xanh, bãi đậu xe cho nhà chùa là hoàn toàn là hợp lý - như trước đây, chùa đã hiến đất để cho Nhà nước làm đường. Còn một số hộ dân đang lấn chiếm để ở, kinh doanh xô bồ, làm nhà vệ sinh… là không thể chấp nhận được".

Việc không có hàng rào là một trong những nguyên nhân quan trọng để sư thầy trụ trì và những người trong chùa Xuân Thọ ăn không ngon, ngủ không yên.

Liên quan đến những nội dung này, đại diện UBND phường Phú Hài cho biết: "Đã nhiều lần ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ dân về các công trình xây dựng trái phép. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa chấp hành, hiện chúng tôi đang vận động, nếu không được sẽ tiến hành cưỡng chế".

Được biết, Chùa Xuân Thọ được có từ năm 1888, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử - không ít lần bị chiến tranh tàn phá - giờ đây như là "nhân chứng" cần được giữ gìn, bảo tồn cho muôn đời sau.


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngoi-chua-co-can-ham-bi-mat-de-bao-ve-co-vat-tram-tuoi-a329692.html