+Aa-
    Zalo

    Ngôi làng nói “không” với vàng mã vì... lãng phí

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhận thấy đây là một tục lệ phiền hà, gây lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và người dân, làng Khê Tang, xã Cư Khê, huyện Thanh Oai, (Hà Nội) đã bỏ tục đốt vàng mã.

    Vào tháng cô hồn, với ngày lễ Vu lan 15/7 âm lịch, khắp nơi lại rầm rộ đốt vàng mã cho người cõi âm. Nhưng có một ngôi làng đã nói không với tục này hai năm nay.

    Đó là làng Khê Tang, xã Cư Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

    Ngôi làng nói “không” với vàng mã

    Làng Khê Tang cổ kính từ hai năm nay đã sạch bóng vàng mã. Ảnh: H.D

    Khê Tang là ngôi làng nằm bên bờ con sông Nhuệ với bốn thôn hành chính: Thượng, Hạ, Cầu, Mỹ. Làng có khoảng 1.200 hộ với trên 3.200 nhân khẩu, được xem là ngôi làng có dân số lớn ở vùng Hà Tây cũ. Theo ông Lê Gia Hằng, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi Khê Tang, dân làng ý thức rất cao với hương ước chung của làng, của xã.

    Ông Hằng cho biết, từ những năm 1990, tục đốt vàng mã đã quay trở lại Khê Tang. Sau khi người dân đốt vàng mã trở lại, qua nhiều năm theo dõi, chính quyền địa phương, đặc biệt là các cụ trong Hội Người cao tuổi Khê Tang nhận thấy đây là một tục lệ có nhiều phiền hà, gây lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và người dân.

    Chính vì thế, năm 2012, làng Khê Tang đã họp bàn để ra hương ước về việc cấm đốt vàng mã tại các nơi tâm linh, công cộng rồi tiến tới xóa bỏ trong gia đình.

    Hương ước lập ra quy định về việc cấm đốt vàng mã tại hai đình, một chùa và hai quán đã được toàn dân, các ông bà trong Hội người cao tuổi nhất trí và tuân thủ cao. Chính quyền xã Cự Khê, Thanh Oai cũng rất hoan nghênh hương ước quy định này của làng Khê Tang.

    Từ khi có lệnh cấm của làng, tất cả hàng quán bán vàng mã trước kia ở Khê Tang đều biến mất. Đi một vòng quanh ngôi làng này, đỏ mắt chúng tôi cũng không thể nào tìm ra một điểm bán vàng mã.

    Theo chân ông Lê Gia Hằng vào chùa Khê Tang, quả thật tất cả đồ lễ của người dân dâng lên thánh thần nơi này đều tuyệt nhiên không có vàng mã. Đồng thời, ông Hằng kiêm luôn chức thủ từ ở đây cho biết: “Khách thập phương và dân làng Khê Tang vào chùa, đình, quán làm lễ cũng không được thắp hương nén mà chỉ được thắp hương vòng”.

    Phú quý sinh lễ nghĩa, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Đó là quan niệm của nhiều người xưa nay. Chính vì thế khi cuộc sống khấm khá chút, người ta bắt đầu có tục lệ như đốt vàng mã để nhớ tới ông bà, tổ tiên và người cõi âm.

    Ông Trịnh Đình Đường (72 tuổi), một người nghiên cứu phong tục tập quán ở Khê Tang, cho biết: “Tục lệ thì cũng do con người đặt ra. Chính vì thế nếu thấy không phù hợp, gây lãng phí, ô nhiễm, thậm chí nguy hiểm như đốt vàng mã thì cũng nên bỏ”.

    Theo nhận định của ông Đường, để làm được như Khê Tang không phải là dễ, vì dân tuy đông, nhưng là một khối thống nhất liên kết làng xã rất chặt chẽ, không có người ngoài tới định cư. Chính vì thế, dân đồng lòng nhất trí cao mới làm được vậy.

    Theo tính toán chưa chính thức của trưởng các thôn trong làng, từ khi bỏ tục đốt vàng mã, mỗi năm làng tiết kiệm cho dân được 300 - 400 triệu đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngoi-lang-noi-khong-voi-vang-ma-vi-lang-phi-a45571.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan