+Aa-
    Zalo

    Người cai đội đầu tiên mang 10 tấm bài gỗ cắm mốc chủ quyền đảo Hoàng Sa

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL)- Cụ Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vua Minh Mạng, thống lĩnh đội thuyền đi chinh phục Biển Đông. Và, cụ là người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
    (ĐSPL)- Cách đây 172 năm, từ hòn đảo Cù Lao Ré (Lý Sơn ngày nay), cụ Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vua Minh Mạng, thống lĩnh đội thuyền đi chinh phục Biển Đông. Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đội của Phạm Hữu Nhật đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình... Và, cụ được xem là người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

    Những chuyến đi kiêu hùng

    Cùng cái nắng rát tháng Tám ở đảo Tỏi, chúng tôi tìm đến thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, gặp ông Phạm Đoàn (60 tuổi), hậu duệ đời thứ sáu của Cai đội Phạm Hữu Nhật, người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Nhấp một ngụm trà, ông Đoàn kể ngọn ngành câu chuyện cho chúng tôi nghe.

    Ông Phạm Đoàn bên ngôi mộ chiêu hồn Cai đội trưởng Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

    Trong câu chuyện, ông nhắc đến một chi tiết về vị anh hùng của dòng họ mình. "Nói có sách mách có chứng" ông còn mang cả sách ra đọc cho PV. Theo đó, năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị việc phái người ra dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 chép rằng, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua, hàng năm cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công rằng: Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc làm cột mốc...

    Và, Phạm Hữu Nhật là người được chọn phụng mệnh vua, đi khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Trong quyển 6, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, chép rằng: Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 bài gỗ làm dấu mốc.

    Mặt bài khắc chữ: "Minh Mạng thập thất niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu chí đẳng tự" (dịch nghĩa: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ). Sự kiện này là một trong những bằng chứng không thể chối cãi, về sự hiện diện thật sự của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

    Ngày nay, trong câu chuyện truyền đời của dòng họ Phạm (Văn) ở xã An Vĩnh thì đó là những cuộc ra khơi hùng tráng. Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật dẫn đầu 5-6 chiếc thuyền thẳng tiến ra bãi Cát Vàng, tức quần đảo Hoàng Sa. Mỗi thuyền chở khoảng 10 người, mỗi người mang theo một bài gỗ và lương thực đủ dùng trong 6 tháng. "Đi suốt ba ngày ba đêm thì tới quần đảo Hoàng Sa.

    Ngoài nhiệm vụ thu lượm sản vật về dâng triều đình, cắm mốc và dựng bia chủ quyền, những hùng binh Hoàng Sa còn xây miếu, thăm dò để biết biển chỗ nào nông, chỗ nào sâu và trồng cây trên đảo, để làm dấu cho những chiếc thuyền ra Hoàng Sa sau này biết mà tránh mắc cạn", ông Phạm Đoàn cho biết.

    Con cháu dòng họ Phạm (Văn) không biết rõ cụ Phạm Hữu Nhật đã dong thuyền ra đảo Hoàng Sa bao nhiêu chuyến, chỉ biết rằng lần cuối cùng vào năm 1854, cụ đã "một đi không trở lại". Vì vậy, người trong họ đã an táng cụ bằng nấm mộ chiêu hồn với hình nhân thế mạng mà không có hài cốt thật. Tổ quốc cũng khắc ghi công ơn của cụ bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho hòn đảo ở nhóm đảo Lưỡi Liềm, một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Diện tích của đảo rộng khoảng 0,32km2, ở đây có nhiều san hô, cây lùm và cỏ tranh.

    Các miếu thờ lính Hoàng Sa cũng như lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm vào ngày 20/2 âm lịch luôn có linh vị: "Phục vì vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị", là bằng chứng hùng hồn, hậu thế khắc ghi công đức Phạm Hữu Nhật cùng các quân sỹ vị quốc vong thân để xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa. Trong các bộ chính sử ghi rất rõ về công lao to lớn của cụ Phạm Hữu Nhật trong việc xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đội của Phạm Hữu Nhật đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình...

    Người đi vẽ hình hài đất nước

    Thắp nén nhang trên nấm mộ tiền nhân, ông Đoàn xúc động kể tiếp: Cách đây 8 năm con cháu dòng họ Phạm (Văn) đã tình cờ phát hiện tung tích cụ Phạm Hữu Nhật trong chuyến sưu tầm tài liệu, để viết hồ sơ di tích đình Bà Roi (còn gọi là Nguyễn Tiên Điều), người được xem như phúc thần của Cù Lao Ré.

    Các tài liệu phổ hệ, sắc phong, linh vị viết bằng chứ Hán Nôm được tìm thấy trong chuyến sưu tầm này hiện được lưu giữ trong nhà thờ Phạm Hữu Nhật, ghi rõ: Thủy tổ tộc Phạm (Văn) tại xã An Vĩnh tên là Phạm Văn Tuệ, là thế hệ thứ tư của ông thủy tổ Phạm Văn Nghiêm ở làng An Vĩnh, nay thuộc xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), gốc ở Cao Bằng (Bắc Bộ). Là một trong sáu vị tiên hiền của các tộc họ Phạm (Văn), Phạm (Quang), Võ (Xuân), Võ (Văn) tộc họ Lê và Nguyễn ra khai phá phía tây phần đất cù lao Ré, đặt tên phường An Vĩnh (nay là xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vào năm Hoàng Định thứ 13 (năm 1609).

    Bia mộ khắc ghi công ơn của cụ Phạm Hữu Nhật.

    Theo những tài liệu này, thủy tổ tộc Phạm (Văn) ở Cù Lao Ré cùng bà Bùi Thị Toại sinh hạ thế hệ thứ hai gồm các ông bà Phạm Văn Sỏi, Phạm Văn Kết và bà Phạm Tiên Điều (bà Roi). Con cụ Phạm Văn Kết là Trùm Ký và bà Nguyễn Thị Khiết sinh hạ được 11 người con gồm bảy trai, bốn gái. Con trưởng của cụ Phạm Văn Kết là Phạm Văn Nhiên cùng bà Dương Thị Lãng sinh hạ được năm người con gồm một nam (là cụ Phạm Hữu Nhật) cùng bốn nữ. Cụ Phạm Hữu Nhật, theo văn tế tên húy là Phạm Văn Triều, là thế hệ thứ tư của thủy tổ tộc Phạm (Văn). Điều này đã được minh chứng qua linh vị được ghi trên bia mộ cổ: "Phục vì vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị sanh Giáp Tý niên 1804, Giáp Dần 1854 tôn điệt phụng tự".

    "Khi phát hiện chính xác cụ Phạm Hữu Nhật tức là Phạm Văn Triều, cả dòng họ ai cũng vui mừng, xúc động. Và trong ngày giỗ tổ họ hàng năm, câu chuyện về cụ Phạm Hữu Nhật được vị trưởng họ kể một cách đầy tự hào, để con cháu thế hệ sau ghi nhớ công lao của các tiền nhân, và tiếp tục sự nghiệp bảo vệ vùng biển của đất nước", ông Đoàn chia sẻ. Theo đó, năm 1854, Phạm Hữu Nhật mất tích trên biển trong một chuyến đi ra đảo Hoàng Sa. Sau đó, gia đình và họ tộc an táng cụ bằng một nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt (tức mộ gió) tại thôn Đông, làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ thủy tổ họ Phạm (Văn).

    Ngày 28/3/2005, tộc họ Phạm (Văn) đã dựng bia cho Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật. Đến năm 2013, sở VH-TT&DL Quảng Ngãi hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng mộ cụ Phạm Hữu Nhật trong khuôn viên 60m2, nằm trong quần thể các di tích về chủ quyền Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Mộ Chánh đội trưởng thuỷ quân Phạm Hữu Nhật, là một trong những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Việc xây dựng mộ không chỉ thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân có công bảo vệ và gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, mà đồng thời thông qua công trình này giáo dục cho các chủ nhân tương lai của đất nước truyền thống yêu nước, lòng can trường, dũng cảm của đội dân binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn dưới triều nhà Nguyễn.

    Ngôi mộ “chủ quyền Hoàng Sa” trên đảo Lý Sơn

    Ông Trần Bút, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh khẳng định: “Cùng với hàng nghìn mộ gió binh phu Hoàng Sa, mộ Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật được xem là bằng chứng, chứng minh các thế hệ Lý Sơn từng ra Hoàng Sa, Trường Sa nhiều thế kỷ trước của nhân dân ta. Và cụ Phạm Hữu Nhật mãi mãi là vị anh hùng, là niềm tự hào trong lòng người dân Lý Sơn chúng tôi”.

     NHƯ Ý

    Xem thêm video:

    [mecloud]Y199nAjFCA [/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-cai-doi-dau-tien-mang-10-tam-bai-go-cam-moc-chu-quyen-dao-hoang-sa-a105142.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.