+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông 30 tuổi phát bệnh dại sau khi ăn thịt con chó cắn mình

    ĐS&PL Người đàn ông được đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại.

    Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 30 tuổi ở Phú Thọ đến khám với các dấu hiệu điển hình của bệnh dại. Khai thác tiền sử được biết, khoảng 3-4 tháng trước, bệnh nhân bị một con chó lạ cắn. Sau đó, người bệnh đã đánh chết con chó và làm thịt ăn.

    Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi tiêm kháng huyết thanh. Cách thời điểm vào viện 2 ngày, người bệnh xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, không tắm, đau mỏi đầu và hai vai.

    Bệnh nhân đã đến một phòng khám từ kiểm tra nhưng không đỡ. Sau đó, gia đình tiếp tục đưa người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám. Tại đây, bệnh nhân được thăm khám và làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại.

    nguoi dan ong 30 tuoi tu vong sau khi an thit con cho can minh
    Người đàn ông phát bệnh dại sau khoảng 3-4 tháng bị chó lạ cắn. Ảnh minh họa: medicalnewstoday

    Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển vào khoa Cấp cứu điều trị. Chiều muộn cùng ngày, bệnh nhân hốt hoảng, kích thích, triệu chứng sợ nước, sợ gió tăng dần. Sau khi được bác sĩ giải thích và có tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

    Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ bộ Y tế cho hay, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).

    Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi bị chó, mèo cắn, cào hay liềm, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Trong trường hợp không có xà phòng, phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

    Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Người bị cắn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

    Lưu ý, chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

    Nếu chủ động tiêm phòng dại trước thì sẽ tránh phải tiêm huyết thanh kháng dại. Loại huyết thanh này được sản xuất từ huyết thanh ngựa nên dễ có phản ứng dị loài, cần thận trọng trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm.

    Bên cạnh đó, người bị cắn cũng giải tỏa được tâm lý bị chó, mèo không rõ nguồn gốc cắn. Chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine phòng dại nếu đã tiêm phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm.

    Phác đồ tiêm phòng trước phơi nhiễm đối với bệnh dại như sau:

    - Liều cơ bản: Tiêm bắp 3 liều (0.5 ml/liều) VERORAB vào ngày 0, ngày 7, ngày 28 hoặc ngày 21

    - Liều nhắc lại: Sau mũi 3 một năm và cứ 5 năm nhắc lại 1 mũi vaccine phòng bệnh dại.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-30-tuoi-phat-benh-dai-sau-khi-an-thit-con-cho-can-minh-a561931.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan