+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông 51 tuổi mắc liên cầu khuẩn lợn dù không ăn lòng lợn tiết canh

    ĐS&PL Mặc dù không ăn lòng lợn, tiết canh hay tham gia giết mổ lợn nhưng người đàn ông 51 tuổi lại được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn.

    Báo An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận trường hợp thứ 2 mắc liên cầu khuẩn lợn trong năm 2023.

    Theo đó, bệnh nhân là nam, 51 tuổi, trú tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội. Người nhà bệnh nhân chia sẻ, sau khi sốt cao, đau đầu và mỏi người, ông tự điều trị ở nhà không đỡ. Sau đó, tình trạng đau đầu nặng lên kèm theo ý thức lơ mơ, kích thích nên gia đình đưa vào Bệnh viện Quân y 103.

    Tại đây, kết quả cấy máu và dịch não tủy cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn). Đáng chú ý, bệnh nhân và gia đình đều nói rằng ông không ăn lòng lợn, tiết canh hay tham gia giết mổ lợn.

    Liên quan đến vấn đề nói trên, các bác sĩ cho hay, với một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, nguyên nhân có thể là do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, hoặc tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

    nguoi dan ong 51 tuoi mac lien cau khuan lon du khong an long lon tiet canh
    Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ảnh minh họa

    Trước đó, hồi tháng 2/2023, Hà Nội ghi nhận một trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, là người đàn ông ở quận Hà Đông, làm nghề bán tiết canh lòng lợn. Được biết, trong năm 2022, thành phố đã ghi nhận 4 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong khi năm 2021 chỉ có 1 ca.

    Ngày 8/3, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận một số trường hợp mắc liên cầu khuẩn tại một số địa phương khác, theo VietNamNet.

    Bộ Y tế cho biết, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua…

    Vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Do đó, để phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo mọi người không nên giết mổ hay sử dụng sản phẩm từ lợn ốm chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn.

    Bên cạnh đó, không xử lý thịt lợn sống băng tay trần, đặc biệt là khi có vết thương ở tay. Nên đeo găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, đồng thời rửa sạch tay sau khi chế biến thịt.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-51-tuoi-mac-lien-cau-khuan-lon-du-khong-an-long-lon-tiet-canh-a568659.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan