+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông chọn cái chết trên cầu vượt Cây Gõ vì bị kỳ thị là người đồng tính

    • DSPL
    ĐS&PL Đã 49 tuổi nhưng ông Hoàng chưa bao giờ được nếm trải một hạnh phúc trọn vẹn. Ba mất sớm, mẹ bỏ đi theo người khác, chuyện tình cảm của ông đến cuối đời vẫn gặp trắc trở.

    Đã 49 tuổi nhưng ông Hoàng chưa bao giờ được nếm trải một hạnh phúc trọn vẹn. Ba mất sớm, mẹ bỏ đi theo người khác, chuyện tình cảm của ông đến cuối đời vẫn gặp trắc trở vì bị xã hội kỳ thị, ông đành chọn cái chết để quên đi tất cả...

    Cách đây mấy ngày, thông tin và đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông treo cổ tự tử trên cầu vượt Cây Gõ (Quận 6, TP. HCM) gây xôn xao. Người dân ở khu vực này kể lại rằng vào buổi chiều ngày 27/9, một người đàn ông với dáng vẻ mệt mỏi, buồn bã lê từng bước chân lên giữa cầu vượt, tay cầm một sợi dây dù to như dây mắc võng, nhiều người nhận ra ông nhưng không biết ông định làm gì. Rồi nhanh như chớp, ông vòng dây qua cổ rồi nhảy khỏi lan can, treo lơ lửng ngay giữa cầu khiến nhiều người giật mình hốt hoảng.

    Người buôn bán chạy lên cầu, người lưu thông dừng xe cầm dây cố kéo ông lên dù lúc này ông đã tím tái và hôn mê. Ông được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu ngay sau đó.

    Người đàn ông đáng thương này là ông Lê Minh Hoàng, 49 tuổi, sống ở gần cầu vượt. Ông Hoàng từ nhỏ đã mồ côi cha, mẹ cũng bỏ đi theo người khác nên ông một mình kiếm sống với đủ mọi nghề ở đất Sài Gòn này. Hiện tại, ông ở chung nhà với vài người bà con trong gia đình nhưng cũng không có sự gắn kết, ông thường xuyên cảm thấy cô đơn lạc lõng ngay trong ngôi nhà của mình nên từ 7h sáng, ông đã lang thang ra các hàng ăn, quán nước gần nhà để phụ bưng bê giúp người ta kiếm vài đồng bạc lẻ cho bữa cơm trong ngày.

    Sau khi tự tử không thành, ông Hoàng lại trở về với công việc hàng ngày và trân trọng cuộc sống hơn.

    Đã 4 ngày sau khi ông quyết định tự tử trên cầu vượt, người dân ở đây vẫn chưa hết bàn tán. Có người thương nhưng cũng có người trách. Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi tình cờ tấp vào quán nước trên đường Minh Phụng thì mới biết ông Hoàng là người phụ bán cho các hàng nước, quán ăn khu vực này.

    Chị Nga, bán nước và bún thịt nướng trên đường Minh Phụng, kể lại: "Ông Hoàng phụ bán ở chỗ tôi từ sáng đến chiều, ông ấy nhanh nhẹn, thật thà nhưng thời gian gần đây lại ít nói và mọi người nhận ra sự đau buồn trên gương mặt ông, hỏi thì ông chỉ nói "buồn tình". Biết ông là người đồng tính, khó tìm thấy hạnh phúc, nên chúng tôi chỉ khuyên ông cố vượt qua, ngờ đâu chiều hôm đó thấy một người treo lơ lửng trên cầu, tôi bàng hoàng nhận ra đó là ông Hoàng nên tức tốc chạy đến, may sao đã có người kéo ông lên kịp thời, nếu không chắc ổng... đi luôn rồi!".

    Lúc đó, ông Hoàng từ trong hẻm nhỏ đi ra, ông nhanh tay chạy đến xe bún để chế biến sơ, chờ khách đến. Vừa dọn bún ra bàn cho khách, vừa nghe chúng tôi nói về vụ việc vừa qua, ông Hoàng cười: "Chắc tui còn duyên nợ với đời mà chưa trả hết, nên chưa tới số chết đó mà".

    "Cảm thấy cuộc sống không còn mục tiêu, không còn ai để tin tưởng, chờ đợi, cảm giác đó rất kinh khủng và tôi tìm đến cái chết...".

    Hỏi về lý do khiến ông nghĩ quẩn như vậy, ông buồn bã nói: "Tôi là người đồng tính, từ nhỏ đến lớn chưa từng hưởng một hạnh phúc trọn vẹn với ai. Gia đình không có, xã hội chối bỏ, người đàn ông tôi yêu cũng nói rằng không thể ở bên tôi nữa vì áp lực gia đình và vì xã hội kỳ thị chúng tôi quá. Giới trẻ bây giờ được mọi người thông cảm, chứ người lớn tụi tôi mà yêu nhau thì bị nói không ra gì cả. Cuộc sống không còn mục tiêu, không còn ai để tin tưởng, chờ đợi, cảm giác đó rất kinh khủng và tôi tìm đến cái chết...".

    Ông Hoàng cho biết khi buộc dây vào cổ rồi gieo mình xuống lan can cầu, ông chỉ nhớ lúc đó mình cảm thấy rất khó thở và rất sợ, nhưng ông chưa nghĩ được gì thì đã rơi vào hôn mê, chỉ còn nghe văng vẳng tiếng bà con hô hào cứu mình. Khi tỉnh lại, ông thấy mình nằm trên giường bệnh, bên cạnh là bà mẹ của một người đồng tính nam mà ông chơi cùng, bà đã đóng hết viện phí và đưa ông về lại nhà.

    Ông Hoàng nói: "Vì có con trai cũng là người đồng tính nên hai mẹ con họ rất thương tôi, khuyên tôi đủ điều. Họ bảo có buồn thì tụ họp nhóm mấy ông bạn già "bóng lộ" ra ngồi tâm sự với nhau. Nói thật, người đồng tính trong xã hội của mình không hiếm, nhưng họ sống khép kín, dằn vặt lắm. Bây giờ mọi người biết tôi là gay, có người vẫn bình thường vui vẻ nhưng có người khinh ra mặt, nhất là người lớn cỡ tuổi mình".

    Ông Hoàng nhận ra giới tính của mình từ những năm lớp 5,6, ông nói không thấy sợ nhưng chỉ thấy... kỳ kỳ vì mình chỉ thích các bạn trai trong lớp. Ông không dám nói với ai vì sợ bị hắt hủi, dè bỉu. Đến khi ông trưởng thành, hiểu rõ mình là người đồng tính, ông càng hoang mang hơn nhưng cứ nghĩ "mình không nói thì không ai biết" nên ông cứ thế đi làm rồi về nhà, không kết thân với ai. Sau này, ông đi theo mấy đoàn hát cải lương để kiếm tiền, quen được vài người cùng chung nỗi niềm với mình nên cũng cởi mở hơn.

    "Càng về già, tôi càng yếu và hát cũng không hay nữa, nên giờ chỉ phụ bưng bê phục vụ hàng quán cho người ta thôi. Lớn tuổi rồi, không còn nghĩ đến chuyện yêu đương lãng mạn như hồi trẻ đâu, chỉ mong có một người bạn già cùng mình gắn bó, chia sẻ suốt quãng đời còn lại, mà sao cũng khó quá, tôi tự tử vầy nè, mà "người ta" có biết không, sao chẳng hỏi thăm được câu nào, nên nhiều khi cảm thấy tủi thân thôi...", ông ngậm ngùi nói.

    Mặc dù không tìm được hạnh phúc như mình mong muốn, nhưng sau vụ việc vừa rồi, ông Hoàng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân khu vực đó hơn. Ngày nào cũng có 2,3 người đi ngang chỗ ông làm để trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, mời ông uống nước, nên ông cũng phần nào nguôi đi nỗi buồn trước đó.

     Theo Trí Thức Trẻ

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]oMl7iIX5nY[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-chon-cai-chet-tren-cau-vuot-cay-go-vi-bi-ky-thi-la-nguoi-dong-tinh-a113144.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.