+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông phát hiện ung thư phổi giai đoạn 4 sau cơn đau ngực, ho khan

    • DSPL
    ĐS&PL Qua kiểm tra, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư biểu mô tuyến phổi phải di căn hạch, màng phổi, xương đa ổ giai đoạn 4.

    Phát hiện ung thư phổi dù tiền sử khỏe mạnh

    Thời gian qua, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiến hành điều trị cho một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 dù có tiền sử khỏe mạnh.

    Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân tên Đ.V.T. (56 tuổi) ăn uống kém, sụt 2kg, đau tức ngực phải, khó thở khi gắng sức, có ho khan. Ông đi khám, chụp phim X-quang ngực có hình ảnh tràn dịch màng phổi phải, được nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), theo Tri thức trực tuyến.

    Các bác sĩ đã tiến hành chọc hút dịch màng phổi xét nghiệm Cellblock (kỹ thuật khối tế bào). Kết quả cho thấy ông bị ung thư biểu mô tuyến phổi phải di căn hạch, màng phổi, xương đa ổ giai đoạn 4, đột biến gen EGFR trên exon 19.

    phat hien ung thu phoi
    Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực của bệnh nhân 56 tuổi. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Một trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn di căn xa cũng được phát hiện qua những triệu chứng nhỏ là bà H.V.T. (60 tuổi).

    Người phụ nữ này cũng có tiền sử khoẻ mạnh. Bà vào viện chỉ vì ho khan suốt 1 tuần, không có đờm nhưng khó thở khi gắng sức. Bà không đau ngực, không gầy sút cân.

    Đi khám tại Bệnh viện Xây dựng (Hà Nội), bà T. được chụp cắt lớp vi tính ngực hình ảnh u phổi phải, tràn dịch màng phổi phải, chuyển Bệnh viện Bạch Mai.

    Bà được chọc dịch màng phổi tìm tế bào ung thư. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến di căn nguồn gốc phổi, có đột biến gene EGFR L858R trên exon 21.

    Chẩn đoán và điều trị sớm ung thư phổi là thách thức lớn

    Tri thức trực tuyến dẫn lời GS TS Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cho hay, trên thế giới, ung thư phổi là một trong những loại ung thư hay gặp nhất. Tình trạng này tương tự ở Việt Nam, đây là loại ung thư thuộc top đầu.

    Theo Globocan, năm 2020, thế giới có hơn 2,2 triệu người mới mắc ung thư phổi; gần 1,8 triệu người chết vì bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai cả về tỷ lệ mới mắc với gần 26.300 người và tỷ lệ tử vong với hơn 25.300 người.

    PGS TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu chia sẻ với VietNamNet cho biết, việc chẩn đoán và điều trị sớm ung thư phổi vẫn còn là một thách thức lớn đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

    Qua nhiều nghiên cứu, ho biểu hiện ở 50-70% các trường hợp, hầu hết người bệnh không được điều trị khỏi bằng biện pháp điều trị thông thường. Đôi khi ho đi kèm với khàn tiếng, khạc đờm nhuốm ít máu, tùy vào mức độ xâm lấn của khối u trong cơ thể.

    Đây là một triệu chứng rất không đặc hiệu, có thể xảy ra khi chúng ta cảm lạnh hay mắc cúm thông thường. Nhưng nếu bị ho kéo dài trong vòng vài tuần, đó là dấu hiệu cho thấy nên đi khám.

    Khi thấy các dấu hiệu sớm như ho kéo dài, ho ra máu, đau nặng ngực, khó thở, mệt mỏi, sụt cân nhanh, người dân nên đến cơ sở y tế có chuyên môn để kịp thời phát hiện, điều trị sớm căn bệnh này.

    Người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm 1, 2 thì tiên lượng tốt vì khi đó điều trị được triệt căn, tỷ lệ sống trên 5 năm ở giai đoạn 1 lên 70-90%, giai đoạn 2 từ 50-70%. Phát hiện càng sớm thì cơ hội điều trị và thời gian sống kéo dài tốt hơn rất nhiều.

    Ở giai đoạn muộn (3, 4), theo PGS Phương, điều trị toàn thân là hướng chủ yếu, bao gồm: hóa chất, xạ trị triệu chứng, điều trị miễn dịch. Lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc thể trạng, giai đoạn bệnh và loại mô học cũng như các xét nghiệm đột biến gene của từng bệnh nhân.

    Các chuyên gia bệnh lý ung thư Bệnh viện Bạch Mai cho biết ở những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, các thuốc điều trị nhắm trúng đích được nghiên cứu sâu và sử dụng nhiều hơn.

    Trong đó đột biến gene thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô hay EGFR là một trong các đột biến hay gặp, đặc biệt ở người châu Á (chiếm khoảng 40% bệnh nhân ung thư phổi). Do đó, rất nhiều bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị và hiệu quả lớn hơn so với hoá trị đơn thuần trước kia.

    Về trường hợp người đàn ông 56 tuổi trên, sau khi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai 3 tháng, nam bệnh nhân đã ổn định, hết đau ngực, không khó thở, không xuất hiện các tác dụng phụ ảnh hưởng điều trị.

    Linh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-phat-hien-ung-thu-phoi-giai-doan-4-sau-con-dau-nguc-ho-khan-a545992.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan