+Aa-
    Zalo

    Người mẹ đặc biệt của những đứa trẻ “đặc biệt”

    • DSPL
    ĐS&PL Trong suốt 27 năm qua, bà Nguyễn Thị Côi (79 tuổi ở Quận Hoàng Mai, Hà Nội) không chỉ là người mẹ của 5 đứa con mà bà còn là cô giáo, người mẹ thứ hai của rất nhiều những

    Trong suốt 27 năm qua, bà Nguyễn Thị Côi (79 tuổi ở Quận Hoàng Mai, Hà Nội) không chỉ là người mẹ của 5 đứa con mà bà còn là cô giáo, người mẹ thứ hai của rất nhiều những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, lang thang cơ nhỡ khác.

    Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà Côi không chọn cách an dưỡng tuổi già như bao người khác. Bà chọn việc hàng ngày bắt xe ôm đi đến lớp học để dạy chữ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Lớp học được diễn ra vào lúc 8h30 trong căn phòng chỉ vỏn vẹn chừng 15m2 tại nhà văn hóa khu dân cư 11 thuộc phường Tân Mai, quận Hoàng Mai.

    Lớp học chỉ có trên dưới hai mươi học sinh, người nhỏ nhất chỉ mới tám tuổi, cao nhất cũng đã ngoài ba mươi. (Ảnh: Việt An)

    Bà Côi bắt đầu dạy học miễn phí cho trẻ em khó khăn từ năm 1994, khi còn là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Bà thường tìm đến các em có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở khu chân cầu, xóm liều, khuyên nhủ gia đình cho các em được tới lớp.

    Năm 1998, sau khi về hưu, bà quyết định mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh tự kỷ, thiểu năng trí tuệ. Bà đã vận động quận Hoàng Mai sắp xếp một phòng học nhỏ, giúp những đứa trẻ thiếu may mắn có cơ hội học tập như bạn bè đồng trang lứa.

    Do các em học sinh ở đây có trình độ tiếp thu và khả năng ghi nhớ khác nhau nên bà không soạn một giáo án chung cho cả lớp. Cũng chính vì thế mà cái tên lớp học “Linh hoạt” được ra đời. Tại lớp học này, với mỗi em học thì bà lại có phương pháp truyền đạt khác nhau.

    “Tùy khả năng, đặc điểm của các em mà tôi sắp xếp việc dạy linh hoạt, trong buổi học có thể vừa dạy em này toán, nhưng lại dạy em kia viết chữ là chuyện rất bình thường. Dù các em có tiếp thu nhanh hay chậm thì mỗi sự cố gắng tiến bộ trong học tập đều được nêu gương, khích lệ để tạo động lực tiếp tục phấn đấu” – bà giáo nói.

    Để giúp các em thuộc nổi mặt chữ và không bị quên, xung quanh lớp học của bà Côi là bảng, giấy bìa ghi chữ cái và âm vần trong tiếng Việt. Bà làm thế để giúp các em nhìn đâu cũng thấy chữ và vần để không bị quên.

    Đang kiểm tra bài cũ của cả lớp, thấy một học sinh chưa giở sách vở, nằm ra bàn và nói linh tinh trong giờ, bà Côi đi xuống nhắc. "Tôi rất nghiêm khắc với học trò, thậm chí nói thẳng rằng nếu không học thì không được đến lớp nữa. Nói rồi các em giở sách ra ngay", bà giáo nói.

    Bà Côi xuống tận nơi để nhắc nhở học sinh. (Ảnh: Việt An)

    Trong cách dạy con cũng như dạy học trò, bà không bao giờ sử dụng đến bạo lực. Nếu các con hư, bà nhẹ nhàng chỉ dạy. Chính vì thế, khi gặp phải tình huống bị học sinh cắn bầm tím tay, bà chỉ bình tĩnh hỏi "Sao em lại cắn cô như vậy". Bà hiểu các em không suy nghĩ được nhiều khi thực hiện những hành động đó, có chăng chỉ là yêu quý cô giáo mà muốn gần gũi.

    Với việc dạy học sinh tập đánh vần, bà gọi từng em lên bàn mình, chỉ từng chữ để đọc. Sai chữ nào, bà sửa lại chữ đó. Bà Côi cho biết, cách dạy này mất thời gian và công sức, nhưng học sinh có thể "xóa mù".

    Bà Côi hướng dẫn em Hiếu (8 tuổi) - học sinh nhỏ tuổi nhất đọc từng chữ cái. (Ảnh: Việt An)

    Bà Lê Thị Liên, 75 tuổi, bà ngoại của Linh, cho biết đưa Linh đi học ở lớp bà Côi suốt 6 năm nay. "Bà Côi rất nhiệt tình, uốn nắn bọn trẻ từng chút một. Bà nghiêm lắm nhưng học trò lại rất thích. Giờ có bảo nghỉ ở nhà, nhất định cháu không nghỉ", bà Liên nói.

    Bà Lê Thị Liên đến đón cháu gái tan học ở lớp bà Côi. (Ảnh: Việt An)

    Tất cả đồ dùng học tập, quần áo, chăn màn và tiền khám bệnh cho các học sinh vẫn được bà trích lương hưu ra để chi trả cho các em.

    11h, lớp học của bà Côi kết thúc. Các em học sinh đổ ra sân chơi chờ bố mẹ đến đón, thi thoảng bà giáo già phải nhắc nhở các em không được làm ồn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, không được nghịch ngợm, đánh nhau.

    Từ lớp học tình thương này, không ít những bạn được bà Côi liên hệ gửi đến trung tâm giáo dục thường xuyên để được tiếp tục đi học, có em đã đi làm và tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Trong số các thế hệ học trò đi qua, bà Côi tự hào nhất với hai em đã vào được Đại học.

    Ngày nào tôi còn sức khỏe, thì tôi vẫn dạy chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ lại các em", bà Côi nói và nhìn về phía các em học sinh của mình khi được hỏi bà có nghĩ đến việc dừng dạy vì tuổi tác. (Ảnh: Việt An)

    Mong muốn lớp nhất của bà Côi khi các em học lớp này đấy chính là dạy cho các em biết được mặt chữ, biết cách tính toán, dạy các em kĩ năng sống, tất cả những thứ cơ bản nhất để các em có thể ra ngoài xã hội và kiếm sống, không phụ thuộc vào ai và có thể có ích cho xã hội.

    Việt An


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-me-dac-biet-cua-nhung-dua-tre-dac-biet-a360380.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan