+Aa-
    Zalo

    Người mẹ trẻ tự sát vì trầm cảm sau sinh, may mắn được cứu kịp thời

    • DSPL
    ĐS&PL Bệnh nhân T.T.B.T (21 tuổi, ở Bố Trạch, Quảng Bình) được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng la hét, cáu gắt do khởi phát bệnh trầm cảm sau sinh nở.

    Nữ bệnh nhân T.T.B.T (21 tuổi, ở Bố Trạch, Quảng Bình) được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 23/5 trong tình trạng la hét, cáu gắt do khởi phát bệnh trầm cảm sau 13 ngày sinh nở.

    Theo lời kể của gia đình, T. được đánh giá là người vui vẻ, hòa đồng. Đang học năm thứ 3 tại một trường đại học, chuyên ngành ngoại ngữ tại Quảng Bình, nữ sinh viên phải tạm nghỉ để sinh con.

    Do người bệnh có thai trong quá trình đang học và chưa cưới nên tâm lý khá căng thẳng. Tuy nhiên theo gia đình chia sẻ, quá trình mang thai và sinh đẻ của nữ sinh viên không có gì bất thường. Khi con gái chào đời, ngoài chồng, chị cũng nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc từ mẹ đẻ.

    Chồng bệnh nhân là người ít thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với vợ. Dù vậy, kinh tế gia đình họ tạm ổn và vẫn được sự hỗ trợ của bố mẹ hai bên.

    Sau khi sinh con được 13 ngày, T. có biểu hiện đêm ngủ kém, ngủ được tầm 3-4 giờ/đêm, hay thức giấc giữa đêm, sáng dậy sớm. T. luôn cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, ít nói chuyện với mọi người hơn trước, hay ngồi 1 mình, vẻ mặt buồn rầu, hay khóc lóc.

    Dấu hiệu trầm trọng hơn là người bệnh không để tâm tới việc chăm sóc con, không thể hiện tình cảm với con, cảm giác khó chịu khi nghe tiếng con khóc.

    Đỉnh điểm của những rối loạn cảm xúc này là T. có hành vi dùng dao rạch bụng để tự sát, nhưng được người nhà phát hiện kịp thời đưa vào Bệnh viện Cuba Quảng Bình xử trí khâu vết thương, sau đó chuyển tới khoa Tâm thần để điều trị tiếp.

    nguoi me rach bung sau sinh 1
    Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Báo Giao thông.

    Điều trị nội trú 20 ngày, triệu chứng bệnh của T. thuyên giảm. Bệnh nhân nói chuyện với mẹ và người thân nhiều hợn, bớt buồn chán. Sau đó, chị được xuất viện về nhà và uống thuốc theo đơn. Tuy nhiên khi về nhà, T. xuất hiện các hành vi như la hét, cáu gắt với mọi người, chống đối không chịu uống thuốc và được người nhà đưa tới khám và điều trị tại Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn hành vi và tâm thần nặng, trong đó yếu tố trầm cảm sau sinh chiếm ưu thế.

    Theo PGS TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, trong năm 2021, Viện tiếp nhận khoảng 27 sản phụ có biểu hiện bị rối loạn tâm thần sau sinh trong đó có nhiều ca có ý tưởng tự sát.

    "Đây là những trường hợp nặng nề được gia đình đưa tới viện. Tuy nhiên, còn rất nhiều trường hợp sản phụ có biểu hiện nhẹ hoặc không chia sẻ, cố tình giấu bệnh. Hoặc có trường hợp biểu hiện bằng triệu chứng khác như mệt mỏi, mất ngủ, tức ngực, không đến viện mà đi khám chuyên khoa về thần kinh, tim mạch nên không tìm ra được căn nguyên để điều trị", báo Giao thông dẫn lời BS Tuấn.

    Cũng theo vị chuyên gia này, tỷ lệ bệnh nhân tới khám tại viện gia tăng gấp đôi so với đợt dịch. Trước đây, trung bình một ngày có khoảng 150 bệnh nhân đến khám/ngày, nhưng hiện nay con số này là khoảng 250-300 bệnh nhân/ngày, trong đó liên quan đến trầm cảm khoảng 20-30%, bao gồm cả trầm cảm sau sinh.

    TS Vũ Thị Cầm - Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác hay những vấn đề tâm lý khác).

    "Có sản phụ sinh con thứ nhất bị trầm cảm, sinh con thứ hai tái phát, sinh đến con thứ 3 cũng tiếp tục mắc trầm cảm. Có người trước đó có tiền sử trầm cảm, sau khi mang thai sinh con tái phát. Trầm cảm rất dễ tái phát, nếu không tuân thủ điều trị, bỏ dở điều trị thì lần tái phát sau nặng hơn lần trước", TS Cầm nói.

    Theo các bác sĩ, quan trọng nhất là người bệnh phải được phát hiện sớm và điều trị sớm. Tuy nhiên, theo PGS TS Nguyễn Văn Tuấn Tuấn, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức nhưng hiện nay có khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.

    Điều này rất khó để can thiệp, hỗ trợ cho sản phụ không rơi vào bệnh cảnh nặng nề hơn dẫn tới việc họ có ý nghĩ tự sát hoặc thực hiện hành vi tự sát cả mẹ lẫn con.

    Theo các chuyên gia tâm lý, sự đồng hành của gia đình với phụ nữ sau sinh rất quan trọng để hỗ trợ về mặt tâm lý kịp thời.

    Gia đình nên dành thời gian quan tâm chăm sóc người phụ nữ sau sinh, đặc biệt là người chồng cần phải luôn lắng nghe cảm thông và tạo điều kiện cho người vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người trong gia đình chia sẻ trông con giúp sản phụ ban đêm…

    Khi người mẹ có dấu hiệu thay đổi cảm xúc như buồn rầu, mất ngủ, ăn kém, dễ cáu, dễ khóc, hãy chia sẻ, giúp đỡ và đưa ngay đến khám chuyên khoa, đừng để họ tự chịu đựng dẫn đến bệnh nặng phải nhập viện.

    Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi mắc trầm cảm, người bệnh phải tuân thủ liệu trình điều trị, không được bỏ dở. Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hợp tác với các bác sĩ và chuyên gia để giúp đỡ cho người thân của mình như: Theo dõi những dấu hiệu, triệu chứng nặng của trầm cảm như lời nói thoáng qua hay kế hoạch của việc tự sát, hay việc tự làm hại bản thân, hay từ chối điều trị bằng việc bỏ thuốc, giả vờ uống thuốc. Gia đình phải thấy rõ điều đó, để trao đổi với bác sĩ có can thiệp kịp thời, Công an nhân dân phản ánh.

    Linh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-me-tre-tu-sat-vi-tram-cam-sau-sinh-may-man-duoc-cuu-kip-thoi-a543372.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan