+Aa-
    Zalo

    Người nhà lập đàn cho bệnh nhân, cúng luôn cả tên…bác sỹ!

    • DSPL
    ĐS&PL Nửa đêm, chị gái bệnh nhân gọi điện cầu cứu bác sỹ nói: "Nhà em lập cả đàn cầu cho em nó tai qua nạn khỏi và cúng cả tên các…bác sỹ nữa!"

    Nửa đêm, chị gái bệnh nhân gọi điện cầu cứu bác sỹ nói: "Nhà em lập cả đàn cầu cho em nó tai qua nạn khỏi và cúng cả tên các…bác sỹ nữa!"

    Trong ca trực đêm, 0h30 ngày 20/11/2018, TS.BS Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, BV Việt Đức đã có những dòng tâm sự vừa chân tình, vừa hài hước khi kể lại tình huống tham gia cứu chữa một bệnh nhân.

    "Tôi nhớ mãi cuộc điện thoại lúc 0h đêm ngày 1/8/2018, tôi linh cảm có việc chẳng lành, đầu dây là chị gái bệnh nhân:

    Ảnh minh họa.

    Chị gái BN: Em chào anh, em là chị gái bệnh nhân NVC, em xin lỗi gọi muộn vì em nó lại bị xuất huyết tiêu hoá và phải đi mổ cấp cứu. Bác sỹ cố gắng cứu em trai em vì anh trai của nó chết cách đây vài tháng vì tai nạn giao thông, nhà em còn mình nó…Hu hu.

    Bác sỹ: Chị bình tĩnh, các bác sỹ sẽ cố gắng cứu em nó. Tuy nhiên, tình trạng nó nặng vì tổn thương nặng và mất máu nhiều, việc này đã được bác sỹ tiên lượng rồi.

    Chị gái BN: Nhưng em không hiểu sao nó toàn bị cấp cứu và nguy kịch vào ban đêm, mấy lần rồi…

    Bác sỹ (an ủi): Tôi cũng không hiểu nhưng ở nhà nên thắp hương các cụ xem thế nào…

    Chị gái BN (cắt lời): Báo cáo anh, nhà em chu đáo lắm, lập cả đàn cho em nó và cúng cả tên các…bác sỹ nữa!

    Bác sỹ (hết hồn): Sao lại cúng tên bác sỹ làm gì…

    Chị gái BN (thanh minh): bác yên tâm, thầy bảo nó gặp thầy gặp thuốc, nó sẽ qua, nhà em cũng tin như thế.

    Bác sỹ: Thôi được rồi, hy vọng thế, chị chuẩn bị đưa em nó đi mổ đi, tôi đã gọi cho bác sĩ trực rồi, sáng sớm mai tôi sẽ xem lại.

    Chị gái BN: Bác sỹ cố cứu nó, em cảm ơn bác sỹ!".

    Cuộc hội thoại trên được TS - BS Lưu Quang Thùy kể lại sau kết quả điều trị thần kỳ của các y bác sĩ BV Việt Đức khi cứu sống bệnh nhân kề "cửa tử".

    Đó là bệnh nhân (BN) nam, 26 tuổi. Tiền sử khỏe mạnh, gặp tai nạn bạo lực bị chém- đâm bằng mã tấu cách đây vài tháng. Sau tai nạn, BN được cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh với chẩn đoán: Vết phức tạp đùi (P) đứt khối cơ đùi trước ngoài, đứt động mạch đùi nông,.. đa vết thương phần mềm. BN được phẫu thuật ghép động mạch đùi bằng tĩnh mạch hiển đảo chiều...

    Sau mổ, vết mổ chảy nhiều máu không thể kiểm soát, bệnh nhân được chuyển lên BV Việt Đức trong tình trạng: thiếu máu đùi cẳng chân (P), mạch chày trước-chày sau không bắt được, Doppler mạch mất tín hiệu. Chẩn đoán: Sốc mất máu.

    Ngay lập tức, bệnh nhân được đẩy vào phòng mổ mở lại vết thương đùi (P) thấy vết thương bên tĩnh mạch đùi đang chảy máu.

    Sau mổ bệnh nhân được chuyển phòng Hồi sức tích cực 2, thuộc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa điều trị tiếp trong tình trạng suy đa tạng: Thần kinh (hôn mê), Tim mạch (duy trì huyết áp bằng vận mạch liều cao), Hô hấp (ARDS nặng: P/F <100), suy gan-thận và Rối loạn đông máu nặng). Theo thống kê trên thế giới suy 5 tạng tỉ lệ tử vong trên 95%.

    Thật may mắn, sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, BN tỉnh táo nhưng còn thở máy, tình trạng phổi, chức năng đông máu cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân đái được với lợi tiểu liều thấp và không cần lọc máu nữa. Tuy nhiên vẫn phải truyền máu và huyết tương tươi, các cơ khu trước ngoài cẳng chân, vùng đùi bắt đầu hoại tử.

    Bệnh nhân phải cấp cứu nhiều lần. Có điều rất lạ là 3 lần cấp cứu đều từ 0h-4h sáng trong khi ban ngày không có diễn biến gì đặc biệt. Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị toàn trạng bệnh nhân lại cải thiện, tỉnh táo, chức năng gan – thận, đông máu đều cải thiện nhưng tình trạng cơ đùi hoại tử lại tăng, máu rỉ rả chảy từ nhánh động mạch đùi hoại tử nên đã được đi cắt lọc khâu cầm máu thêm… 2 lần nữa.

    Trong quá trình điều trị tại hồi sức bệnh nhân bị viêm phổi liên quan đến thở máy nhiều đợt (Vi sinh cấy DPQ: Kleb ESBL(+), nhiễm trùng máu (cấy máu có Kleb ESBL(+) và Enterococus faecium) kèm nhiễm trùng vết mổ (vi sinh dịch vết mổ có Kleb ESBL (+) và P.aeureginosa). Bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ và tính liều theo mức lọc cầu thận, ngoài ra được nuôi dưỡng và phục hồi chức năng hàng ngày.

    Sau 33 ngày điều trị tại phòng HSTC bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo có thể giao tiếp bình thường, không cần phải thở máy, chức năng gan thận đông máu về bình thường. Sau đó bệnh nhân được chuyển khoa chấn thương 3 điều trị 14 ngày xử lý cắt lọc vết thương đùi cẳng chân thêm… 2 lần nữa trước khi chuyển về khoa cấp cứu bụng theo dõi tình trạng xuất huyết tiêu hoá.

    Đúng ngày giải phóng thủ đô (10/10) sau 3 tháng vào viện), bệnh nhân ổn định hoàn toàn và ra viện.

    Cũng theo bác sĩ Thùy, tổng kết khi ra viện bệnh nhân được mổ…6 lần, nút mạch 1 lần, nội soi cầm máu 1 lần, truyền tổng cộng hơn 20 lít máu, 20 lít plasma, 10 ĐV tiểu cầu, 200ml tủa, thở máy 25 ngày, 15 quả siêu lọc…Đầu tháng 11, bệnh nhân ra khám lại trong tình trạng tỉnh táo, đi lại tốt, các xét nghiệm trong giới hạn hoàn toàn bình thường.

    Chồng hồ sơ bệnh án tại BV Việt Đức

    Bác sỹ điều trị nào lạc quan nhất cũng không nghĩ cứu được bệnh nhân, mà có cứu được cũng không nghĩ bệnh nhân hồi phục như thế. Một công trình hoàn hảo bằng da bằng thịt được "xây" bằng các bác sĩ ngoại khoa, hồi sức và các điều dưỡng bệnh viện Việt đức. Có điều đặc biệt là thần chết luôn rình rập bắt cậu thanh niên này rời khỏi vòng tay của người thân, tất cả những lần cấp cứu đều xảy ra vào ban đêm (từ 0-4h sáng). Nhưng cũng đặc biệt ở chỗ sau khoảng 3-5 ngày điều trị tưởng như không qua nổi thì bệnh nhân lại tỉnh táo và đáp ứng cực tốt với điều trị.

    Cũng trong buổi trực của 1 ngày đặc biệt, 20/11, BS Thùy vẫn nghe văng vẳng lời dạy của các thầy. “Em nên cố gắng phấn đấu, làm gây mê hồi sức rất vất vả nhưng ngành nào cũng có cái vinh quang của nó” - GS Nguyễn Thụ (nguyên chủ tịch Hội GMHS VN, nguyên Hiệu trưởng ĐHYHN). “Cậu muốn làm gì thì làm, cậu phải làm tốt công việc của mình, cậu phải có đam mê và giữ truyền thống của ngành” - GS Chu Mạnh Khoa (nguyên chủ nhiệm khoa GMHS-BVVĐ). “Thầy biết nghề em vất vả nhưng khi nào còn đủ sức lực thì hãy luôn nói nhẹ nhàng với người nhà bệnh nhân nhé” - Thầy Dân (giảng viên khoa tiếng Pháp-ĐHSP HN).

    "Rất nhiều các lời răn dạy của các thầy ở BVViệt Đức, Trường ĐHYHN em vẫn luôn khắc dạ ghi tâm. Em chẳng biết nói gì hơn chỉ biết âm thầm học hỏi phấn đấu để tri ân công dạy dỗ và dìu dắt của các thầy, các cô. Góp một chút công sức nhỏ bé của mình cùng các đồng nghiệp cứu sống bệnh nhân chính là bó hoa tươi thắm nhất kính tặng lên các thầy các cô nhân ngày 20/11, những người hy sinh cả đời cho sự nghiệp “trồng người” của dân tộc Việt Nam", TS BS Lưu Quang Thùy viết.

    Nam Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-nha-lap-dan-cho-benh-nhan-cung-luon-ca-tenbac-sy-a252151.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan