Người phụ nữ bị nhiễm trùng “đe dọa tính mạng” vì món đồ cực quen thuộc


Thứ 2, 13/02/2023 | 15:00


Cùng sự kiện

Triệu chứng không thuyên giảm sau khi sử dụng kháng sinh, bác sĩ buộc phải rạch cổ tay của người phụ nữ để lấy mủ khỏi khối áp xe.

Những chiếc vòng, dây buộc tóc thường xuyên cọ xát vào da thịt khi bạn đeo ở tay, không chỉ có thể tạo ra lỗ hổng cho vi khuẩn phát triển mà còn có thể hạn chế lưu lượng máu và can thiệp vào các dây thần kinh.

Năm 2015, Audrey nhận thấy có một vết sưng xuất hiện trên cổ tay nơi cô thường đeo chiếc dây buộc tóc lấp lánh. Ban đầu, cô không mấy bận tâm đến vết sưng vì nghĩ đó là vết cắn của nhện.

Sau đó, vết sưng càng lớn và rõ rệt hơn, Audrey đến gặp bác sĩ và được kê một đợt kháng sinh nhưng các triệu chứng vẫn không hề thuyên giảm. Cuối cùng, bác sĩ buộc phải rạch cổ tay của cô để dẫn lưu mủ từ khối áp xe.

“Tôi chà xát gây ra một vết xước nhỏ trên cổ tay, vi khuẩn từ dây buộc tóc xâm nhập, gây nhiễm trùng vi khuẩn đe dọa đến tính mạng”, Audrey viết trên Facebook cá nhân vào thời điểm đó.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Người phụ nữ bị nhiễm trùng “đe dọa tính mạng” vì món đồ cực quen thuộc
Mặc dù nguy cơ nhiễm trùng do đeo dây buộc tóc là rất hiếm nhưng các bác sĩ cảnh báo không nên đeo chúng quanh cổ tay nếu quá chặt. Ảnh minh họa: Getty

Theo Express, bác sĩ của Audrey nghi ngờ vi khuẩn từ dây buộc tóc đã bám lên da và xâm nhập vào da qua lỗ chân lông, nang lông gây ra 3 loại nhiễm trùng. Trong khi đó, các chuyên gia khác đưa ra giả thuyết rằng các cạnh sắc của những hạt lấp lánh trên dây buộc tóc đã làm xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Mặc dù nguy cơ nhiễm trùng do đeo dây buộc tóc là rất hiếm nhưng các bác sĩ cảnh báo không nên đeo chúng quanh cổ tay nếu quá chặt. Bác sĩ Brian Fisher – Giám đốc lâm sàng của ứng dụng chăm sóc sức khỏe Evergreen Life giải thích: “Việc đeo các vật dụng như dây buộc tóc trên cổ tay không gây ra bất cứ vấn đề gì đối với đa số mọi người.

Tuy nhiên, đeo dây buộc tóc quá chặt trên cổ tay quá lâu có thể ảnh hưởng đến lượng máu lưu thông tới tay, dẫn đến các vấn đề như tổn thương dây thần kinh. Do vậy, nếu bạn cảm thấy bàn tay của mình lạnh hơn hoặc có cảm giác ngứa ran thì tốt nhất nên bỏ món đồ trên cổ tay ngay lập tức để máu được lưu thông”.

Các biến chứng của nhiễm trùng đã được ghi chép đầy đủ nưng các dấu hiệu cảnh báo thường bị bỏ qua. Da thường đỏ và nóng lên rõ rệt trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng da. Nếu một khối u xuất hiện ở vị trí nhiễm trùng (áp xe), đây có thể là dấu hiệu có mủ bên dưới da.

Một số áp xe hình thành bên trong cơ thể, gây ra các triệu chứng không điển hình như sốt cao, cảm thấy không khỏe, đau ở vùng bị ảnh hưởng. Các mầm bệnh gây ra các loại nhiễm trùng này là virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng sống trên bề mặt da.

Các tác nhân gây bệnh tạo ra độc tố, đó là những hóa chất mạnh làm tổn thương tế bào, thúc đẩy bệnh, đôi khi gây nhiễm trùng huyết.

“Nhiễm trùng huyết xảy ra khi cơ thể bạn phản ứng quá mạnh với nhiễm trùng, không chỉ chống lại vi khuẩn mà còn tấn công cả các mô của cơ thể. Bất cứ bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nào gây ra cũng có  nguy cơ phát triển thành nhiễm trùng huyết. Một số nhóm có nguy cơ cao gồm những người mắc bệnh tiểu đường, người vừa trải qua phẫu thuật hoặc bệnh nặng, người trên 75 tuổi”, bác sĩ Fisher nói.

Ngoài dây buộc tóc như trường hợp của Audrey, khuyên mũi, khuyên tai hay nhẫn cũng có thể gây vấn đề do chúng tiếp xúc với da. Theo bác sĩ Fisher, những món đồ đặc biệt chật có khả năng gây xước trên da, tạo cơ hội cho bất kỳ loại vi khuẩn nào trên món đồ đó xâm nhập, nhất là dây buộc tóc.

Đinh Kim (Theo Express)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-phu-nu-bi-nhiem-trung-de-doa-tinh-mang-vi-mon-do-cuc-quen-thuoc-a565739.html