+Aa-
    Zalo

    Người thầy khuyết tật vinh dự nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2020

    • DSPL
    ĐS&PL Dù việc di chuyển gặp nhiều khó khăn nhưng suốt 26 năm qua, thầy giáo Nguyễn Đức Trường vẫn miệt mài tới lớp, truyền cảm hứng, nghị lực, thắp sáng ước mơ cho bao học sinh

    Dù việc di chuyển gặp nhiều khó khăn do đôi chân bị teo cơ nhưng suốt 26 năm qua, thầy giáo Nguyễn Đức Trường vẫn miệt mài tới lớp, truyền cảm hứng, nghị lực, thắp sáng ước mơ cho bao học sinh vùng quê nghèo lam lũ.

    Cậu bé kém may mắn đam mê toán học

    Không sở hữu đôi chân lành lặn, không đi lại bình thường như người khác nhưng ở thầy Nguyễn Đức Trường (SN 1973), xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Bằng thái độ vui vẻ, lạc quan, thầy Trường vẫn ngày ngày tới lớp, truyền dạy kiến thức và nghị lực vươn lên cho các em nhỏ tại vùng ngoại thành. 

    Thầy giáo Nguyễn Đức Trường đến lớp với bước đi khập khiễng khó khăn.

    Thầy Trường chia sẻ, khi tròn 3 tuổi, thầy vẫn không thể đứng dậy được, gia đình vô cùng lo lắng đã đưa tới bệnh viện tuyến trung ương khám. Cha mẹ bàng hoàng khi bác sĩ chuẩn đoán: Con trai họ bị teo cơ, gân yếu do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người cha đi chiến trường chống giặc. Vì vậy, việc đi lại bình thường là điều không thể, sẽ mang thương tật đến suốt cuộc đời.

    Suốt 6 năm ròng rã, tuổi thơ của cậu bé Trường gắn liền với giường bệnh và những đợt trị liệu, châm cứu. Những mũi kim đau buốt tận xương tủy không làm cậu học trò nghèo nản chí. Lúc nào, trong tâm niệm của Trường cũng đau đáu một khát khao được khỏe mạnh, đi học và chơi đùa cùng bạn bè. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, người cha khắc khổ ấy đã chở con trai khắp các bệnh viện lớn nhỏ để tìm bài thuốc hay, mong bệnh của con thuyên giảm phần nào.

    Tuy việc đi lại khó khăn nhưng thầy Trường đã thực hiện được ước mơ, trở thành người giáo viên đáng kính.

    Không phụ lòng đấng sinh thành, tới năm 6 tuổi, cậu bé Trường tập tễnh những bước đi đầu trong niềm sung sướng vỡ òa của mẹ cha. Ngày đầu tới lớp, cậu bé chống nạng, nhọc nhằn lê từng bước trước ánh nhìn tò mò của các bạn. Dần dà, Trường tập bỏ một nạng để bước đi thêm vững chắc. 

    Tuổi thơ thầy giáo Trường gắn liền với những kỷ niệm xót xa. Đó là những ngày nắng mưa tập tễnh đến lớp với bao nhọc nhằn, vất vả. Là những lần bước hụt, vấp ngã sõng soài, phải nhờ người đi đường xốc nách đứng lên. Là những hôm đạp xe mệt nhoài trên triền đê nhưng vẫn quyết tâm không bỏ học dang dở. Quần áo của thầy khi ấy đều bụi bẩn, lấm lem, tay chân bị thương, đầu gối quần rách hết. Khi ấy, thầy Trường được thầy cô giáo thông cảm, miễn học môn thể dục và quân sự. 

    Để được đứng trên bục giảng như ngày hôm nay, thầy Trường đã phải nỗ lực nhiều trong học tập cũng như trong cuộc sống sinh hoạt. 

    Đến 10 tuổi, thầy Trường mới có thể bỏ hai nạng để đi. Đó là kết quả của những ngày tháng kiên trì tập luyện trong đau đớn, tủi hờn. Và thầy đã tạo nên kỳ tích trước sự thán phục của bác sĩ và mọi người xung quanh. Tuy không có đôi chân khỏe mạnh nhưng thầy Trường có trái tim ấm áp và khối óc thông minh. Cậu học trò năm xưa luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập, giải được những bài toán hóc búa trước sự trầm trồ của thầy cô và bạn bè.

    Thầy giáo Nguyễn Đức Trường chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Từng có quãng thời gian, tôi rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm. Thấy các bạn nô đùa chạy nhảy, đi cắm trại, tôi cảm thấy cô độc, tủi thân. Nhiều khi nhìn mà khát khao và thèm lắm! Tuy nhiên, môn toán là niềm đam mê cũng là động lực đã giúp tôi gạt bỏ mặc cảm, viết tiếp ước mơ trở thành thầy giáo. Mỗi khi giải được bài toán khó, tôi vô cùng phấn khởi, lại càng ham học hơn”.

    Người thầy vĩ đại

    Sau khi tốt nghiệp, thầy Nguyễn Đức Trường được phân công về địa phương, giảng dạy môn toán tại trường THCS Đa Tốn. Ước mơ ngày nào đã thành hiện thực, thầy dành trọn tâm huyết với công việc, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhà trường giao phó.

    Đôi chân bước đi không vững nhưng trên môi người thầy ấy luôn nở nụ cười tươi, xua tan đi bao buồn phiền, truyền cảm hứng học tập cho các em học sinh. Mỗi bài giảng là chân trời kiến thức mới, được thầy chuẩn bị kỹ lưỡng, lồng những mẩu chuyện thú vị để giờ học có tiếng cười giòn tan. Những giờ thầy Trường lên lớp luôn được các học sinh háo hức đón chờ.

    Em Minh, học sinh do thầy Trường giảng dạy bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục người thầy đáng kính.

    Em Minh, học sinh lớp 7B chia sẻ: “Thấy thầy Trường đi lại khó khăn nên trước khi vào lớp, em hoặc các bạn đều chủ động chạy ra cầm cặp giúp thầy. Thầy luôn tận tình chỉ bảo chúng em, nhắc nhở sát sao việc học tập, thi cử”.

    Ngày ngày, thầy luôn miệt mài tìm hiểu các phương pháp giải toán nhanh, gọn, bổ ích. Thầy Trường là một trong những giáo viên dạy giỏi, đứng đầu đội ngũ giáo viên của huyện Gia Lâm. Các em học sinh do thầy bồi dưỡng hằng năm đi thi Học sinh giỏi cấp huyện, cấp quốc gia và trong khu vực (14 nước) đều có giải thưởng đem về.

    Thầy luôn đổi mới phương pháp giảng dạy để khơi dậy sự sáng tạo cho học sinh, tránh nhàm chán.

    Thầy giáo Nguyễn Đức Trường cũng là nhà biên soạn nhiều cuốn sách về toán học nổi tiếng. Những cuốn sách do thầy cùng thầy giáo Bùi Danh Tuyên viết đã được thẩm định về chất lượng, được đông đảo bạn đọc toàn quốc đón nhận. Đó là nền tảng kiến thức bổ ích, đồng hành cùng các em học sinh trong chương trình học.

    Một trong những cuốn sách do thầy Trường biên soạn, được đông đảo bạn đọc đón nhận.

    "Việc viết sách đến với tôi là một cơ duyên. Trước đó, tôi thường xuyên viết các bài toán gửi về Tạp chí toán tuổi thơ, tạp chí toán học tuổi trẻ. Thấy tôi viết báo nhiều, thầy Bùi Danh Tuyên mời tham gia biên soạn nhưng tôi từ chối. Lúc đó, thầy Tuyên nói một câu vô cùng thấm thía rằng "viết từ khó là dễ, viết dễ mà hay mới khó". Nghĩa là viết về vấn đề khó là dễ làm vì ít người tiếp nhận được lượng kiến thức hàn lâm. Nhưng một vấn đề quen thuộc mà viết hay, được nhiều người đón nhận thì mới là người giỏi. Bộ sách đầu tiên tôi và thầy Tuyên viết gồm 8 cuốn, thực hiện trong ba năm. Đến thời điểm hiện tại, tôi đã viết tất cả 31 cuốn sách về toán học cùng nhiều thầy giáo khác", thầy Trường cho hay. 

    Ông Nguyễn Đức Tuấn – Hiệu trưởng trường THCS Đa Tốn cho biết: “Ngoài chuyên môn, các em học tập ở thầy Trường nhiều đức tính quý báu, đó là: Tìm tòi, chăm chỉ, ý chí vươn lên. Thầy Trường giúp các em nâng cao tinh thần tự học, chủ động khám phá kiến thức”.

    Người thầy tuyệt vời với nghị lực phi thường đã truyền cảm hứng cho học sinh và đồng nghiệp.

    Nhiều năm liền, thầy Nguyễn Đức Trường đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, UBND xã Đa Tốn tặng Giấy khen. Thầy được các cấp ghi nhận, khen thưởng, tuyên dương. 

    Đặc biệt, năm 2012, thầy Trường đạt danh hiệu Người tốt, việc tốt cấp TP, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Năm 2013, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP, Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Năm 2017, được Sở GD&ĐT TP. Hà Nội tặng Giấy khen trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Năm 2019, được Sở GD&ĐT tặng giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo”.

    Với những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Nguyễn Đức Trường vinh dự đạt danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Qua bao năm tháng, thầy Trường vẫn miệt mài chèo lái con thuyền tri thức cập bến bờ tương lai, viết tiếp ước mơ cho bao học sinh vùng quê nghèo. Thầy là tấm gương sáng về: Nghị lực sống, ý chí vượt khó vươn lên, tinh thần lạc quan và sự sáng tạo trong cuộc sống.

    Ứng Hà Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-thay-khuyet-tat-vinh-du-nhan-danh-hieu-cong-dan-thu-do-uu-tu-2020-a343900.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan