+Aa-
    Zalo

    Người tiêu dùng được bảo vệ trước cuộc gọi, tin nhắn quấy rầy từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh

    (ĐS&PL) - Với 466/472 phiếu tán thành, tương đương 93,72% đại biểu tham gia biểu quyết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

    Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh gọi điện, nhắn tin quấy rầy người tiêu dùng

    Theo Vietnamnet, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có nhiều quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thay đổi hiện nay.

    nguoi tieu dung duoc bao ve truoc cuoc goi tin nhan quay ray tu cac to chuc ca nhan kinh doanh
    Lãnh đạo Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Báo Đấu thầu

    Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

    Người tiêu dùng được thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh; ngoài ra, được lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế...

    Có ý kiến cho rằng những cá nhân, tổ chức không chủ động thực hiện giao dịch, ví dụ như nhận được các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn quấy rầy. Trường hợp này, những người nhận những tin nhắn, thông tin về các giao dịch có được coi là người tiêu dùng và được pháp luật bảo vệ hay không?

    Về vấn đề này, luật quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

    Luật cũng quy định tổ chức bán hàng đa cấp có trách nhiệm niêm yết công khai các tài liệu hoạt động tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức bán hàng đa cấp; Thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng; Xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng.

    Có trách nhiệm nhận lại hàng hóa và trả lại tiền theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp hoặc người tiêu dùng nếu yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng hóa và hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn và còn thời hạn sử dụng.

    Cá nhân tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm xuất trình thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng. Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

    Bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng

    Báo Dân trí đưa tin, về quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành.

    Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, dự thảo Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát lại các loại hợp đồng này.

    Bên cạnh đó, dự thảo Luật có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

    Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.

    Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-tieu-dung-duoc-bao-ve-truoc-cuoc-goi-tin-nhan-quay-ray-tu-cac-to-chuc-ca-nhan-kinh-doanh-a579675.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan