+Aa-
    Zalo

    Người tiêu dùng "nước uống đóng... chui" bị "đầu độc" như thế nào?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Sự thật về những cơ sở sản xuất "nước uống tinh khiết" chui là câu hỏi lớn cho nhiều người tiêu dùng, bởi hơn ai hết, họ muốn biết mình đã bị móc ví và “đầu độc” như thế nào...

    (ĐSPL) - Chính vì siêu lợi nhuận, tốn ít chi phí và nhân công... nên đang có nhiều người lao vào sản xuất và kinh doanh nước uống đóng chai, bình. Bên cạnh đó, rất nhiều cơ sở khi đi vào sản xuất lại không đảm bảo các điều kiện, nhưng vẫn ngang nhiên... vi phạm.

    Sự thật về những cơ sở sản xuất chui này là câu hỏi lớn cho nhiều người tiêu dùng, bởi hơn ai hết, họ muốn biết mình đã bị kiểu kinh doanh “ma thuật trục lợi” này móc ví và “đầu độc” như thế nào...

    Ngoài dây chuyền, công nghệ hiện đại thì yếu tố con người là vô cùng quan trọng trong sản xuất nước uống đóng bình.

    Những chai nước trong “bức tranh tối màu”

    Thực tế thì thời gian qua cũng đã có một số vụ việc được phát hiện. Điển hình, cách đây chưa lâu, Công an quận 7 (TP.HCM) đã phát hiện một số người thu mua các vỏ bình, loại 20 lít về, sau đó rót... nước sinh hoạt vào rồi đóng nắp, dán nhãn rồi đi bán cho người tiêu dùng với giá 12 ngàn đồng/bình. Bên cạnh đó, huyện Củ Chi cũng buộc ngưng hoạt động một cơ sở sản xuất chui tại xã Tân An Hội và xử phạt hành chính 4 triệu đồng vì hoạt động không phép.

    Không chỉ tại TP.HCM, mà nhiều địa phương khác ở khu vực phía Nam thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm về tình trạng nước uống đóng bình không đạt quy chuẩn. Theo bà Hồ Thị Na, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đồng Nai, qua kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn, thấy rằng nhiều nơi không đảm bảo ATVSTP.

    “Cụ thể, các mẫu lấy kiểm nghiệm có các chỉ tiêu vi sinh còn cao, kiểm nghiệm lần một về vi sinh có tới 13/18 mẫu không đạt (chiếm 72,2\%). Nguyên nhân các cơ sở nước uống đóng chai bị nhiễm vi sinh là do cơ sở hạ tầng chưa đạt điều kiện, đồng thời, quy trình súc rửa bình và các điều kiện bảo đảm ATVSTP chưa thực hiện nghiêm túc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại danh sách các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, ngăn các sản phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường”, bà Na cho biết.

    Hay như mới đây, Thanh tra sở Y tế Cần Thơ cho biết, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra 21 cơ sở sản xuất nước tinh khiết, đóng chai, nước đá trên địa bàn thành phố, đoàn lập biên bản đề nghị xử phạt 11 cơ sở và đóng cửa, niêm phong sản phẩm của hai cơ sở. Đó là cơ sở nước đóng chai Daily, ở phường An Hòa (quận Ninh Kiều) và cơ sở Pha Lê, ở phường An Thới (quận Bình Thủy).

    Còn tại Đà Nẵng, qua kiểm tra 27 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện sáu cơ sở vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai mang các nhãn hiệu Fai Sta, Bét-Lai, Shóp, H&T, WinWin và Bảo Linh. Thanh tra sở Y tế Đà Nẵng đã xử phạt hành chính mỗi cơ sở từ 10 đến 15 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ lưu thông sản phẩm và buộc thu hồi toàn bộ lô sản phẩm bị nhiễm bẩn.

    Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở đã bất chấp các quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước để cho ra lò những sản phẩm thiếu an toàn. Giám đốc một công ty nước có uy tín trên địa bàn TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết, trên thực tế, tại các cơ sở nhỏ lẻ, thường là do các hộ kinh doanh đảm nhận. Do đó có rất nhiều lao động trong gia đình cùng tham gia sản xuất nhưng không được tập huấn, khám sức khoẻ... những yếu tố rất quan trọng để cho ra những sản phẩm sạch, tinh khiết thật sự. Trái lại, nếu họ mắc các loại bệnh truyền nhiễm và không có các dụng cụ, thiết bị bảo hộ mà làm theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp... thì hậu quả sẽ khó lường.

    Theo thống kê của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, thì ngoài nhiều mẫu nước không đạt khi kiểm nghiệm thì qua kiểm tra, có nhiều cơ sở vi phạm về việc không khám sức khoẻ cho người lao động. Đây cũng là điều dễ dẫn tới các nguy cơ lây nhiễm bệnh qua nguồn nước. Bên cạnh đó, khi tham gia vào quá trình sản xuất, họ cũng không có trang phục chuyên dụng, không đảm bảo an toàn trong sản xuất, vận chuyển...

    Hậu kiểm, có cũng như không?

    Sở dĩ nước uống đóng bình đang có giá rẻ và kém chất lượng là có nhiều nguyên nhân. Song một thực tế là đang có rất nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, thiếu chuyên nghiệp và chưa đảm bảo an toàn đang mọc lên. Các chuyên gia cho rằng, công tác cấp phép và hậu kiểm đang có những sự dễ dãi. Luật gia Đặng Thị Diệu Vân, Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, khâu thẩm định để cấp Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất sơ sài.

    “Thứ hai là khâu quản lý, kiểm tra sau cấp Giấy chứng nhận chưa được thực hiện theo đúng quy định, hoặc có thực hiện nhưng rất hình thức. Các cơ quan chức năng tại địa phương không kiểm tra thường xuyên và báo cáo các cơ sở vi phạm lên các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, sau khi kiểm tra, phát hiện vi phạm thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở vi phạm còn quá thấp, không ảnh hưởng nhiều đến cơ sở kinh doanh bị xử phạt”, luật gia Vân cho biết.

    Đồng quan điểm, bác sỹ Trần Văn Ký, phụ trách ATVSTP phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cũng cho rằng, nếu các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tuân thủ đúng các quy định của ngành y tế, thì chắc chắn nước uống đóng bình sẽ rất tốt. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy, cứ đi kiểm tra thế nào cũng phát hiện ra các vi phạm. Có những cơ sở phải kiểm tra định kỳ sáu tháng một lần, nhưng thực tế thì cả năm cũng chỉ “bị” một lần kiểm tra. Còn có những cơ sở đạt các tiêu chuẩn quốc tế 3 năm mới kiểm định một lần nhưng lại... bị kiểm tra thường hơn. Trên thực tế rất nhiều cơ sở vi phạm chỉ bị xử phạt đến vài chục triệu đồng, thậm chí thấp hơn, nhiều cơ sở bị tước quyền sử dụng giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động và không khắc phục vi phạm. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm chưa đủ sức răn đe, tác động đến ý thức của chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh.

    “Cần phải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng phải bị thu hồi giấy phép. Đồng thời, với những chủ cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm nhiều lần, với những vi phạm nghiêm trọng cần phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật gia Vân khuyến nghị.

    “Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng phải có ý thức về chất lượng sản phẩm, không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, đồng thời phát hiện và trình báo đến cơ quan chức năng, các cơ sở kinh doanh nghi ngờ không đảm bảo chất lượng. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân và các cơ sở kinh doanh về tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với thực phẩm thiết yếu như nước tinh khiết, nước đóng chai...”, luật gia Vân cho biết.

    Cần xử lý nghiêm tránh mối họa tiềm ẩn

    Với các hình thức xử phạt hiện nay, các chuyên gia cho rằng, chỉ mang tính “gãi ngứa” cho các hành vi vi phạm. Luật gia Diệu Vân cho rằng, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, thì mức phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, còn có một số hình thức phạt bổ sung, như tước giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn.

    Những lời cam kết hiếm hoi

    “Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làm ăn uy tín thì họ còn phô tô các bản kiểm nghiệm định kỳ về chất lượng nguồn nước, xem đó như là lời cam kết chất lượng của nhà sản xuất. Đây là việc làm đáng ghi nhận và trân trọng trong thời buổi hiện nay”, bà Hồ Thị Na, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đồng Nai, cho hay.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-tieu-dung-nuoc-uong-dong-chui-bi-dau-doc-nhu-the-nao-a78766.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Nước uống tinh khiết" đóng bình: Siêu bẩn, siêu lợi nhuận

    (ĐSPL) - Nắm bắt nhu cầu sử dụng nước uống đóng chai, đóng bìnhcủa người dân ngày càng cao, đồng thời vì khoản siêu lợi nhuận của mặt hàng này mang lại, không ít các cơ sở sản xuất đã bất chấp quy định của ngành y tế để sản xuất, tuồn hàng kém chất lượng ra thị trường tiêu thụ.