+Aa-
    Zalo

    Người từng tiêm vaccine AstraZeneca có cần đi xét nghiệm chỉ số đông máu?

    (ĐS&PL) - Theo chuyên gia, những người đã từng tiêm vaccine AstraZeneca đi xét nghiệm chỉ số D-dimer để đánh giá chức năng, tình trạng đông máu là không có cơ sở khoa học.

    TTXVN dẫn lời bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) giải thích việc người dân đã từng tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 không nên đổ xô đi xét nghiệm chỉ số huyết khối D-dimer:

    Trước câu hỏi "đã từng tiêm các mũi vaccine AstraZeneca thì có nên đi kiểm tra chỉ số huyết khối hay không", BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) giải thích: Việc người dân đổ xô đi xét nghiệm chỉ số D-dimer để đánh giá chức năng, tình trạng đông máu là hoàn toàn không cần thiết, không có cơ sở khoa học, tốn thời gian và tốn tiền.

    Những người đã từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca đi xét nghiệm chỉ số D-dimer để đánh giá chức năng, tình trạng đông máu là không có cơ sở khoa học. Ảnh minh họa

    Những người đã từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca đi xét nghiệm chỉ số D-dimer để đánh giá chức năng, tình trạng đông máu là không có cơ sở khoa học. Ảnh minh họa

    Lý do, chỉ số D-dimer được sinh ra trong quá trình cục máu đông ở trong cơ thể người bị phân hủy, tan rã. Tuy nhiên, quá trình tạo cục máu đông và tan cục máu đông là quá trình diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ trong cơ thể. Chỉ số D-dimer thường cao ở những người bị tắc tĩnh mạch chi, tắc mạch phổi hoặc đông máu rải rác động mạch hoặc trong bệnh đột quỵ.

    BS. Nguyễn Huy Hoàng cũng khẳng định: Nếu chẳng may người nào đó bị ảnh hưởng đông máu do tác dụng phụ của vaccine thì cũng chỉ có biểu hiện trong vòng 3 - 4 tuần sau khi tiêm vaccine. Tác dụng gây đông máu và giảm tiểu cầu của vaccine này chỉ xảy ra với xác suất rất thấp. 

    Trường hợp, nếu ai từng tiêm và bị ảnh hưởng gây ra hình thành cục máu đông thì cục máu đông cũng là dạng nhỏ, tan dần sau 24 giờ đến tối đa 4 tuần là hết. Khi cục máu đông phân hủy, nó sẽ sinh ra D-dimer trong máu.

    Trong khi đó, người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca từ rất lâu; phản ứng này nếu bị cũng đã xảy ra từ thời điểm đó; vì vậy việc xét nghiệm chỉ số đông máu ở thời điểm này là không có ý nghĩa. Việc xét nghiệm này chỉ có ý nghĩa trong vòng 6 - 8 tuần sau khi tiêm.

    Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, không thể phủ định giá trị mà vaccine COVID-19 của AstraZeneca mang lại trong giai đoạn bùng phát dịch. Bởi, nguy cơ có một người xuất hiện cục máu đông, trong số một triệu trường hợp được tiêm vaccine thì lợi ích bảo vệ vẫn có khi hạn chế nguy cơ tử vong cao do COVID-19 gây ra.

    Tình trạng xuất hiện cục máu đông (huyết khối) sau tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca, từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỷ lệ rất thấp.

    Theo công bố dữ liệu an toàn của nhà sản xuất, hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu nghiêm trọng và rất hiếm gặp đã ghi nhận ở một số trường hợp sau khi lưu hành. Các trường hợp này gồm huyết khối tĩnh mạch, kể cả huyết khối xoang tĩnh mạch não, huyết khối tĩnh mạch tạng, cũng như huyết khối động mạch.

    Đồng thời, nhà sản xuất đã khuyến cáo thận trọng khi sử dụng vaccine và nếu sau tiêm chủng có xuất hiện cục máu đông thì sẽ không chỉ định tiêm chủng cho những lần tiếp theo.

    Tháng 4/2021, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu EMA đã tiến hành phân tích chuyên sâu các trường hợp có rối loạn đông máu sau khi tiêm vaccine COVID-19 tại châu Âu.

    Theo đó, báo cáo trong cơ sở dữ liệu an toàn thuốc của EU (EudraVigilance) đến ngày 22/3/2021, trong tổng số khoảng 25 triệu người đã được tiêm vaccine thì có hơn 80 trường hợp xuất hiện cục máu đông. Từ đó, Ủy ban an toàn của EMA đã kết luận rằng biến chứng rối loạn đông máu phải được liệt kê là sự cố bất lợi rất hiếm gặp sau tiêm chủng vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 .

    Một báo cáo của Bộ Y tế Australia công bố ngày 12/1, tỷ lệ xuất hiện cục máu đông kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine AstraZeneca từ 4 đến 42 ngày sau liều đầu tiên với tỷ lệ là 2/100.000 người được tiêm chủng. Sau liều thứ hai, tỷ lệ này là 0,3/100.000 người được tiêm chủng. Đây cũng được nhận định là sự cố rất hiếm gặp.

    Tỷ lệ đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi. Sau tiêm vaccine AstraZeneca tỷ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu.

    Biến chứng đông máu sau vaccine AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng. Không chỉ sau tiêm chủng, tình trạng xuất hiện cục máu đông có thể gặp ở nhiều tình huống lâm sàng khác, cụ thể là khi người dân mắc Covid-19.

    Lãnh đạo Sở Y tế cho hay thành phố đã triển khai nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, nhất là giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Từ lúc bắt đầu tiêm vaccine AstraZeneca (tháng 3/2021) đến hết tháng 6/2023, toàn thành phố đã tiêm hơn 9 triệu liều vaccine AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.

    Như vậy, tình trạng xuất hiện cục máu đông là một sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19 . Nếu có người không may mắc phải, hoàn toàn có thể điều trị được.

    "Việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vaccine COVID-19 là không có cơ sở", Sở Y tế nhấn mạnh thông điệp.

    Sở cũng khẳng định tiêm chủng vaccine COVID-19 nói riêng, tiêm chủng phòng bệnh nói chung vẫn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ cá nhân và cộng đồng trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

    Việc tuân thủ các quy định về an toàn tiêm chủng, giám sát chặt chẽ sự cố bất lợi sau tiêm chủng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng, thông tin trên tạp chí Tri Thức.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan