+Aa-
    Zalo

    Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn thực 2021

    • DSPL
    ĐS&PL Theo quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam thì vào ngày Tết Hàn thực, các gia đình chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay và thành kính dâng lên bàn thờ.

    Theo quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam thì vào ngày Tết Hàn thực, các gia đình chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay và thành kính dâng lên bàn thờ để cầu mong tổ tiên và các vị thần linh phù hộ. 

    Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mùng 3/3 âm lịch. Tết Hàn thực 2021 rơi vào thứ Tư ngày 14/4 dương lịch.

    Hàn Thực (thức ăn lạnh) vốn được coi có nguồn gốc từ Trung Quốc thông qua tích của ông Giới Tử Thôi thời Đông Chu liệt quốc. Theo điển tích này, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.

    Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm.

    Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn, sống những ngày tháng bình yên, an lạc.

    Vua Tấn Văn Công sau này nhớ ra, bèn sai người quay lại tìm Tử Thôi. Là người không màng danh vọng, Giới Tử Thôi nhất quyết không chịu quay về lĩnh thưởng. Tấn Văn Công bèn ra lệnh đốt rừng để thúc ép Tử Thôi xuất hiện. Không ngờ rằng, Tử Thôi lại có tư tưởng kiên định đến vậy, cùng mẹ chịu cảnh chết cháy trong rừng.

    Nhà vua thương xót, hối hận vì hành động của mình, lập miếu thờ Tử Thôi trên núi và đổi tên núi này là Giới Sơn. Sau đó, vua hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để bày tỏ lòng tưởng nhớ.

    Ngày 3/3 hằng năm, người dân Trung Quốc tổ chức lễ tưởng nhớ vị hiền sĩ Giới Tử Thôi. Đồ cúng cũng phải chuẩn bị từ hôm trước vì lệnh cấm lửa. Tên gọi Tết Hàn thực ra đời cũng vì lẽ ấy.

    Dù bắt nguồn từ một truyền thuyết của Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, ngày Tết Hàn thực có ý nghĩa tâm linh khác, phong tục cúng Tết Hàn thực cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với văn hóa của người Việt.

    Tết Hàn Thực ở Việt Nam cũng không cúng để tưởng nhớ đến vị hiền sĩ Giới Tử Thôi, Tết của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.

    Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là kết tinh của văn hóa Việt, thấm đẫm linh hồn, bản sắc của người Việt.

    Cả hai loại bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, là thành quả lao động vất vả dâng lên ông bà tổ tiên, là hình ảnh thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam cùng với các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh giầy,...

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguon-goc-va-y-nghia-tet-han-thuc-2021-a362200.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan