+Aa-
    Zalo

    Nguồn gốc, ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy

    (ĐS&PL) - Bác Hồ luôn có sự quan tâm đến việc bồi dưỡng và giáo dục các cháu thiếu nhi trở thành những người có ích cho xã hội. Nhiều lời dạy của Bác đối với thiếu nhi đã được các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam khắc cốt ghi tâm, trong đó nổi bật nhất chính là 5 điều Bác Hồ dạy.

    Nguồn gốc ra đời của 5 điều Bác Hồ dạy

    Trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong, (tháng 15/5/1941 - 15/5/1961) Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và ân cần động viên, căn dặn các cháu thiếu niên, nhi đồng 5 điều, từ đó đến nay 5 điều Bác Hồ dạy đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. 

    Trong thư Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:

    Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

    Học tập tốt, lao động tốt

    Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

    Giữ gìn vệ sinh,

    Thật thà, dũng cảm”.

    Nhưng trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ là loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 – 1965 thì 5 điều Bác dạy trên đây lại được in hoàn chỉnh là:

    “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

    Học tập tốt, lao động tốt

    Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

    Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

    Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

    (Chữ “thật tốt” và chữ “khiêm tốn” được bổ sung vào 2 câu cuối, nên mỗi câu đều có 6 chữ).

    Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Sở dĩ như vậy vì gần đến cuối năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng từ năm 1965 trở về trước, 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ còn 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ, như vậy không cân đối. Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm cho mỗi câu đủ 6 chữ.

    nguon goc y nghia cua 5 dieu bac ho day3
    Nhiều năm trôi qua, trên đất nước Việt Nam đã có bao đổi thay lớn lao, bao biến cố lịch sử trọng đại, nhưng lời dạy của Bác vẫn mãi trường tồn và luôn khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc. 

    Đặc biệt, ở câu thứ 5, Bác thêm chữ “Khiêm tốn” vì từ năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền Bắc, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt” nên xuất hiện ngày càng nhiều gương “Người tốt việc tốt” ở mọi lứa tuổi. Ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sỹ diệt Mỹ. Nhưng Bác không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi. Bác còn đánh giá rất cao đức khiêm tốn ở các em.

    Bác nói: “ở nước Mỹ, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy, thế mà ở Việt Nam ta các cháu bé đã biết sống như thế nào… Có cháu lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn “bám vào đây, bám vào đây”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh hơn xã hội Mỹ từ những việc làm của các cháu bé như vậy”.

    Và 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã được phổ biến rộng khắp trong các trường học ở Việt Nam. Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt”, phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”. Chính những đóng góp nhỏ bé của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.

    Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để mỗi em ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo.

    Ý nghĩa 5 Điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng:

    Những điều Bác Hồ dạy được các em thiếu niên, nhi đồng ghi nhớ và thuộc lòng, không chỉ các em, những người lớn đã qua đào tạo phổ thông cũng vẫn nhớ. Bởi những lời Bác dạy rất ngắn gọn và dễ nhớ. Tuy nhiên, việc ghi nhớ không đồng nghĩa với việc hiểu được ý nghĩa của những lời dạy này. Và nội dung này, chúng tôi sẽ giúp quý vị hiểu hơn về những điều Bác dạy này:

    Điều 1: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

    Yêu Tổ quốc có nghĩa là có những hiểu biết cơ bản về những truyền thống tốt đẹp của đất nước, của địa phương và gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp đó.

    Yêu đồng bào thể hiện qua đời sống hàng ngày như cách giao tiếp, cư xử với những người xung quanh (gia đình, bạn bè, thầy cô) và sự tương thân tương ái giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

    Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt

    Học tập tốt được thể hiện qua việc xác định động cơ, thái độ học tập, chịu khó, chăm chỉ tìm tòi các môn học để cân bằng các môn. Thái độ học tập không chỉ ở việc học trong sách mà còn phải tìm hiểu ở thực tế cuộc sống cũng như việc đến lớp đầy đủ, ghi chép và lắng nghe lời giảng của thầy cô giáo.

    Lao động tốt: thể hiện qua việc biết quý trọng thành quả lao động của bản thân và những người khác. Biết lao động vừa với sức tại nhà trường cũng như tại gia đình như giúp ba mẹ những công việc nhẹ trong nhà, trực nhật dọn vệ sinh trường lớp…

    Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

    Đoàn kết tốt: thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè trong trường lớp, với anh chị em trong gia đình cũng như trong cộng đồng, giúp đỡ nhau trong đời sống, trong học tập để cùng nhau tiến bộ.

    Kỷ luật tốt: thực hiện nghiêm chỉnh các nội quy ở nơi công cộng, ở trường, lớp.

    nguon goc y nghia cua 5 dieu bac ho day1

    Các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn ghi nhớ 5 điều Bác dạy và xem đây là mục tiêu phấn đấu.

    Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt

    Giữ vệ sinh bản thân sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng cũng như giữ vệ sinh sạch sẽ tại nhà, tại trường lớp và nơi công cộng.

    Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

    Khiêm tốn là không tự kiêu, lễ phép, tôn trọng người lớn.

    Thật thà là phải biết trung thực, không gian dối trong cuộc sống, trong học tập.

    Dũng cảm là phải biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của bản thân. Bác Hồ là người luôn kỳ vọng nhất vào lớp thiếu nhi của đất nước. Mọi tình yêu thương, sự chăm sóc Bác đều dành cho thiếu nhi Việt Nam. Bởi như Bác đã từng nói:

    “Trẻ em như búp trên cành

    Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.”

    Nhiều năm trôi qua, trên đất nước Việt Nam đã có bao đổi thay lớn lao, bao biến cố lịch sử trọng đại, nhưng lời dạy của Bác vẫn mãi trường tồn và luôn khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc học tập và rèn luyện để dựng xây đất nước. Măng non hy vọng rằng qua việc hiểu ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy, các bạn sẽ ra sức thi đua học tập, rèn luyện tốt 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. 

    Chính vì thế nên chúng ta cần phải có những giải pháp để thế hệ trẻ noi theo những điều tốt đẹp mà Bác đã dành cho thế hệ tương lai nhất là thế hệ thiếu niên và nhi đồng là những tầng lớp đặt nền tảng bắt đầu một hành trình xây dựng bản thân và xây dựng đất nước cho tương lai tươi đẹp. 

    Phương pháp rèn luyện, giáo dục thiếu niên, nhi đồng theo 5 Điều Bác Hồ dạy

    Đầu tiên, cần để cao phương pháp nêu gương, người tốt, việc tốt để làm công tác giáo dục.

    Luôn cần phải nêu gương, khen thưởng những cá nhân xuất sắc, một tấm gương điển hình có tư cách, có đạo đức từ đó thiếu niên, nhi đồng noi theo. Từ những tấm gương đó các thế hệ đi sau có đường đi, phương hướng hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn, khắc phục được những khuyết điểm, phát huy những ưu điểm sẵn có, muốn hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng phát triển những bậc làm cha, làm mẹ, thầy, cô cần phải là những người đi trước nêu gương phát triển.

    Thứ hai, kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường.

    Trường lớp là nơi có chức năng chuyên về mảng giáo dục, nơi các thế hệ trẻ phát triển về nhân cách và trí tuệ, tiếp nhận văn hóa, thông tin qua sự hướng dẫn của giáo viên và công cụ khác như giáo khoa, thiết bị dạy học, tuy nhiên việc giáo dục tại trường lớp chỉ là một khoảng thời gian, và phần giáo dục tại gia đình, giáo dục trong gia đình cũng không kém phần quan trọng, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường nhằm tạo cho thế hệ trẻ một môi trường phát triển toàn diện, an toàn, lành mạnh, cũng như là kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng của giới trẻ, định hướng tương lai phát triển của trẻ.

    Thứ ba, nâng cao vai trò của cán bộ phụ trách thiếu niên

    Trong giáo dục thì người phụ trách, quản lý thiếu niên, nhi đồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, họ là những người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để các cháu vui chơi, học hành, dạy bảo các cháu cần phải biết quý trọng lao động, giữ kỷ luật, vệ sinh, văn hóa nơi công cộng...

    Thứ tư, giảm áp lực học tập, tăng các hoạt động ngoại khóa dành cho trẻ em

    Hiện nay, với thời đại mới, kỷ nguyên mới, trẻ em hiện đại dần có những biểu hiện bệnh như của người lớn là stress, lo âu, thậm chí trầm cảm trong quá trình học tập, đặc biệt như trong dịch bệnh các em hầu như ở nhà một mình mà không có tiếp xúc với bạn bè thầy cô, áp lực căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến thay đổi hành vi, suy nghĩ, vì vậy các bậc phụ huynh và nhà trường cần giảm áp lực cho các con, tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí cũng như là tâm sự làm một người bạn của con, thay đổi các dạy, dành thời gian cho các con vui chơi.

    Thứ năm, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

    Thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, hiện nay hầu hết gia đình nào các bậc phụ huynh cũng sắm cho con em 1 chiếc điện thoại di động, nhưng tuyệt nhiên không phải bậc phụ huynh nào cũng theo sát con được 24/24 giờ, nhiều bạn được tiếp cận sớm với internet và thiết bị công nghệ khác ngoài điện thoại dễ dàng bị đe dọa, là nạn nhân của các trò lừa đảo, phạm pháp, thậm chí bị bắt nạt trên không gian mạng, vì vậy chính bản thân các bậc phụ huynh cũng như nhà trường, sự vào cuộc của các tổ chức bảo vệ trẻ em cũng như người dân cần trang bị những kiến thức bổ ích, dạy trẻ em cách tự bảo vệ bản thân, những kiến thức trên không gian mạng cũng như là những thông báo, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật.

    nguon goc y nghia cua 5 dieu bac ho day2

    Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để mỗi em ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo.

    Bác là người luôn kỳ vọng vào lớp trẻ, lớp thiếu nhi của đất nước, mọi sự yêu thương bác đều dành cho thiếu niên, nhi đồng. Qua nhiều năm trôi qua nhưng những điều Bác răn dạy vẫn luôn mãi trường tồn, khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền của Tổ quốc gắng sức học tập và rèn luyện.

    Hướng dẫn học sinh thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy:

    - Yêu trường, yêu lớp, xem trường học như là ngôi nhà thứ hai của mình. Biết giữ vệ sinh trường sạch - đẹp. Bảo quản cơ sở vật chất, bàn ghế, lớp học và cây xanh, cây cảnh trong nhà trường. Biết bảo vệ công trình, di tích lịch của địa phương;

    - Biết thương yêu ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, những người già và các em nhỏ. Biết giúp đỡ những cụ già, em nhỏ và những người không may gặp hoạn nạn, khó khăn. Thực hiện tốt phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, tấm lòng “Thương thân thương ái”,”Lá lành đùm lá rách”… 

    - Thi đua thực hiện phong trào “Học tốt”, xây dựng cho mình phương pháp học tập ở lớp cũng như ở nhà nhằm nâng cao kết quả học tập;

    - Tham gia nhiệt tình các buổi lao động dọn vệ sinh trường lớp. Có ý thức cao trong việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong trường. Tham gia làm các công việc nhà phù hợp với mình để giúp đỡ bố mẹ… 

    - Xây dựng mối đoàn kết với bạn trong lớp, trong trường, không gây gỗ, không đánh nhau. Biết giúp đỡ ban bè trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày;

    - Thực hiện nghiêm túc các nội quy mà trường lớp và Liên đội đề ra. Tham gia tích cực phong trào “Nghìn việc tốt”;

    - Biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, tham gia thể dục thể thao để rèn luyện và nâng cao sức khỏe. Có ý thức cao trong việc giữ gìn trường lớp “Xanh – sạch – đẹp”;

    - Hòa nhã với bạn bè không tự cao, không xem thường bạn bè. Biết cách cư xử đúng mực với thầy cô, bạn bè;

    - Có đức tính thật thà, trung thực, không nói dối ba mẹ, thầy cô và bạn bè. 

    - Biết nhận lỗi khi mình làm sai, khi làm phiền hà đến mọi người. Mạnh dạn phát biểu trong học tập và tham gia các hoạt động Đội, hoạt động xã hội. Mạnh dạn thực hiện những ước mơ, những ý tưởng hoài bão của mình.

    5 điều Bác Hồ dạy bằng tiếng Anh, song ngữ Việt – Anh

    5 ĐIỀU BÁC HỒ DẠY

    FIVE THINGS UNCLE HO TAUGHT CHILDREN

    1.Yêu tổ quốc, yêu đồng bào

    Love The Nation, love The Compatriot

    2.Học tập tốt, lao động tốt

    Study well, work well

    3. Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt

    Unite well, keep discipline well

    4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt

    Comply with hygienic regulations

    5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

    Be humble, be truthful, be brave

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguon-goc-y-nghia-cua-5-dieu-bac-ho-day-a588707.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan