+Aa-
    Zalo

    Nguy cơ xuất hiện biến thể COVID-19 mới khi số ca mắc tăng mạnh ở Trung Quốc

    • DSPL
    ĐS&PL Các nhà khoa học hiện đang bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện một biến thể COVID-19 mới khi số ca mắc ở Trung Quốc tăng mạnh những ngày gần đây.

    Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất trong năm khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều thành phố. Theo đó, các nhà khoa học lo ngại nguy cơ một biến thể mới xuất hiện trong bối cảnh này. Biến thể này có thể tương tự với biến thể Omicron đang lưu hành hoặc thậm chí là một biến thể có những đột biến hoàn toàn khác.

    Tiến sĩ Stuart Campbell Ray, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết: "Trung Quốc có dân số lớn nhưng tỷ lệ miễn dịch tại thấp. Đây có thể là điều kiện phù hợp cho sự xuất hiện của một biến thể mới".

    Mỗi ca mắc COVID-19 đều có thể gây ra sự đột biến. Hiện số ca mắc COVID-19 đang lan rộng ở Trung Quốc, khiến nguy cơ về một biến thể mới đang tăng lên. Quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này mới đây đã gỡ bỏ phần lớn hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt theo chính sách Zero COVID-19.

    dich covid 19 o trung quoc
    Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng. Ảnh: AP 

    Nhìn chung, theo các báo cáo, tỷ lệ tiêm phòng vaccine của Trung Quốc tương đối cao nhưng tỷ lệ mũi tiêm nhắc lại thì vẫn ở mức thấp, đặc biệt là với nhóm người lớn tuổi. Vaccine ngừa COVID-19 nội địa Trung Quốc cũng được cho là ít hiệu quả với các biến thể hiện nay hơn so với vaccine mRNA. Nhiều người cũng đã được tiêm phòng hơn 1 năm trước, có nghĩa là lượng kháng thể đã giảm đi đáng kể. Những điều này đã góp phần gây ra đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng như hiện nay tại Trung Quốc

    Ông Ray lưu ý: "Khi chúng tôi quan sát một đợt bùng phát dịch lớn, theo sau đó thường là sự xuất hiện của một biến thể mới đáng lưu tâm".

    Cách đây 3 năm, biến thể gốc của COVID-19 lần đầu được báo cáo tại Trung Quốc và đã gây ra một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng tại đất nước này, đặc biệt là ở Vũ Hán. Biến thể này sau đó cũng lan ra toàn thế giới, gây ra những đợt dịch ở nhiều quốc gia như Mỹ, Italy...

    Sự lan rộng của biến thể gốc COVID-19 đã tạo điều kiện cho virus biến đổi, xuất hiện biến thể mới có tên Delta. Biến thể Delta gây bệnh nghiêm trọng hơn và rất nhanh sau đó đã thay thế hoàn toàn biến thể COVID-19 gốc, "thống trị" số ca bệnh trên toàn thế giới. Tới cuối năm 2021, biến thể Omicron lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, có tốc độ lây lan và khả năng "né" vaccine tốt hơn và tiếp tục tạo ra vòng lặp thay thế biến thể Delta trên toàn cầu.

    Tiến sĩ Shan-Lu Liu, chuyên gia nghiên cứu các loại virus ở Đại học bang Ohio (Mỹ), lưu ý nhiều đột biến của biến thể Omicron cũng đã xuất hiện ở Trung Quôc, bao gồm BF.7. Đột biến BF.7 được cho là có khả năng "né tránh" vaccine tốt hơn và có thể là nguyên nhân thúc đẩy số ca mắc COVID-19 tăng cao như hiện nay.

    Theo các chuyên gia, sự miễn dịch một phần trong dân số Trung Quốc là điều kiện thúc đẩy sự xuất hiện một biến thể mới của SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ông Ray cho biết SARS-CoV-2 có thể "học các kỹ năng và cách né tránh các kỹ năng đó", đồng thời có thể "thích nghi và vượt qua những kỹ năng này".

    Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là liệu biến thể mới xuất hiện có nguy hiểm hơn hay không? Các chuyên gia chỉ ra không có bằng chứng về mặt sinh học rằng virus sẽ yếu dần đi qua mỗi lần biến đổi.

    Ông Ray giải thích: "Phần lớn sự nhẹ nhàng mà chúng tôi đã trải qua trong vòng 6 đến 12 tháng qua ở nhiều nơi trên thế giới là do khả năng miễn dịch tích lũy thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm chứ không phải do virus biến đổi".

    tinh hinh dich covid
    Các chuyên gia lo ngại nguy cơ xuất hiện biến thể mới trong các đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters 

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ở các thành phố như Bảo Định, Lang Phường, các bệnh viện đã kín giường chăm sóc đặc biệt và đang trong cảnh thiếu hụt nhân viên y tế khi số ca mắc mới tăng cao.

    Ông Xu Wenbo, quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết giới chức có kế hoạch theo dõi tình hình các "điểm nóng" COVID-19 ở ba bệnh viện thành phố ở mỗi tỉnh. Theo đó, họ sẽ thu thập các mẫu bệnh phẩm từ những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong mỗi tuần để nghiên cứu.

    Ông Xu nói rằng khoảng 50 trong số 130 đột biến Omicron đã được phát hiện ở Trung Quốc, là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch hiện nay. Ông cho biết nước này đang tạo ra một cơ sở dữ liệu di truyền quốc gia "để theo dõi trong thời gian thực" cách các biến chủng khác nhau phát triển và những tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng.

    Tuy nhiên, ông Jeremy Luban, nhà virus học tại Đại học Y khoa Massachusetts (Mỹ), nhận định tại thời điểm này, có rất ít thông tin về trình tự di truyền của virus từ Trung Quốc. Ông Luban lưu ý: "Chúng ta chưa biết rõ về những gì đang diễn ra. Có một điều cần ghi nhớ là đại dịch vẫn chưa kết thúc".

    Minh Hạnh(Theo Euronews)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguy-co-xuat-hien-bien-the-covid-19-moi-khi-so-ca-mac-tang-manh-o-trung-quoc-a561662.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan