+Aa-
    Zalo

    Nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT lo ngại tình trạng “30 điểm trượt đại học” lại tái diễn

    • DSPL
    ĐS&PL Cách thức thi tốt nghiệp THPT 2018 vẫn giữ nguyên, tuy nhiên vẫn có ý kiến lo ngại tình trạng “30 điểm trượt đại học”, “10 điểm đỗ sư phạm” của kỳ thi trước lại tái diễn.

    Phương án thi tốt nghiệp THPT 2018 vừa được bộ GD&ĐT công bố chính thức, theo đó cơ bản cách thức thi vẫn giữ nguyên như năm 2017. Dù nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội, tuy nhiên vẫn có ý kiến lo ngại tình trạng “mưa điểm 10”, “30 điểm trượt đại học”, “10 điểm đỗ sư phạm” của kỳ thi trước lại tái diễn. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc để có những góc nhìn khác về vấn đề này.

    Nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc.

    PV: Ông đánh giá sao về phương án thi tốt nghiệp THPT 2018?

    Ông Phạm Minh Hạc: Theo như thông báo của bộ GD&ĐT, phương án thi các năm 2018, 2019, 2020 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia được giữ ổn định. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này, bởi lẽ các năm qua, dư luận đã tỏ ra lo lắng trước tình trạng thay đổi liên tiếp từ Bộ. Năm nay, Bộ thông báo phương án thi sớm ngay từ đầu năm học, sẽ tạo được tâm lý thoải mái cho các trường và các em học sinh. Các trường chủ động hơn trong việc dạy, học và bồi dưỡng học sinh, còn học sinh sẽ có kế hoạch học tập để chọn “điểm rơi” tốt nhất.

    PV: Theo ông, lý do vì đâu mà bộ GD&ĐT giữ nguyên phương án thi THPT Quốc gia như năm 2017?

    Ông Phạm Minh Hạc: Đổi mới thi cử liên quan đến việc dạy và học của học sinh, giáo viên và sự chuẩn bị của các nhà trường nên cần phải được thực hiện từng bước thận trọng để không gây băn khoăn, lo lắng cho thí sinh và xã hội. Việc thi cử là rất quan trọng, Bộ cũng cần có những bước chuẩn bị rất kỹ càng và thông báo sớm để học sinh chuẩn bị. Mặt khác, việc đổi mới phương thức thi còn liên quan đến công tác chuẩn bị ngân hàng đề thi, phương tiện kỹ thuật, cơ sở hạ tầng liên quan để đảm bảo chất lượng kỳ thi. Tất cả những yêu cầu đó không thể thực hiện một lần, ngay trong một năm được. Đây là lý do mà tôi nghĩ Bộ đã không thay đổi trong năm nay.

    PV: Dù kỳ thi THPT 2017 được đánh giá thành công, song bên cạnh đó cũng có những điểm mà dư luận xem là chưa được. Theo ông, bộ GD&ĐT cần phải làm gì để thay đổi điều đó?

    Ông Phạm Minh Hạc: Có 3 vấn đề tôi nghĩ bộ GD&ĐT cần thay đổi trong kỳ thi sắp tới. Trước tiên, độ phân hóa của đề thi năm vừa rồi chưa cao, điều đó dẫn tới năm vừa qua xuất hiện nhiều điểm 10. Trong năm tới, Bộ phải huy động đội ngũ làm đề tốt, có tâm, có tầm để làm sao phân hóa cao hơn nữa trong các bài thi.

    Phương án thi THPT Quốc gia 2018 được giữ ổn định. Ảnh minh họa.

    Thứ hai là điểm ưu tiên, tôi khẳng định điểm ưu tiên cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên Bộ cũng cần có tính toán lại sao cho hợp lý. Bởi nay, điều kiện kinh tế ở các địa phương cũng cao hơn. Nên rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội. Theo tôi, thí sinh chỉ được chọn một loại điểm ưu tiên thay vì cộng tất cả điểm ưu tiên lại. Như thế thì sẽ chấm dứt được câu chuyện “30 điểm trượt đại học”.

    Về việc điểm đầu vào của các trường sư phạm thấp, là do tâm lý của thí sinh và phụ huynh luôn muốn học ngành nào khi ra trường có cơ hội việc làm, được trả lương cao. Dù lương thấp nhưng cũng đảm bảo tối thiểu để sống. Còn lương giáo viên của chúng ta thấp quá. Ra trường đi dạy 10 năm có khi chỉ được dăm triệu. Lương thấp thế ai muốn vào. Điều này đã được nói nhiều trong thời gian vừa qua, tôi nghĩ Chính phủ và Bộ cần sớm giải quyết bài toán này.

    PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, việc giao kỳ thi về cho các địa phương quản lý dễ dẫn đến một kỳ thi không nghiêm túc. Dù cho đến nay chưa phát hiện được trường hợp gian lận nào từ các địa phương, tuy nhiên theo ông, điều này liệu có đáng lo ngại?

    Ông Phạm Minh Hạc: Kỳ thi được giao cho các địa phương chủ trì nên giảm tốn kém cho gia đình và xã hội. Việc này đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh có tâm thế tốt để bước vào kỳ thi. Đây cũng là yếu tố rất được dư luận quan tâm, ủng hộ và phù hợp với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Tuy nhiên, khi mà căn bệnh thành tích vẫn tồn tại thì điều đó là khó tránh khỏi. Từ thực tế thời gian qua, dù chưa phát hiện ra những vi phạm mang tính tổ chức ở địa phương, nhưng chúng ta cũng không được chủ quan.

    Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tăng cường việc giám sát, bởi với phương thức thi trắc nghiệm, tiêu cực rất dễ nảy sinh. Chỉ cần 5 phút bỏ lỏng của giám thị là học sinh có thể hoàn thành việc gian lận của mình. Cần có một đội ngũ giám sát mạnh mẽ và đưa ra những chế tài xử phạt đối với những tỉnh làm không nghiêm túc. Có như thế thì điểm thi của các em khi xét tuyển vào các trường đại học mới thực chất.

    PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Đề thi phải phân loại được học sinh

    Thầy giáo Trần Trung Hiếu, GV Sử trường Phan Bội Châu (Nghệ An): Tôi đồng ý với phương án giữ nguyên cách thức thi THPT Quốc gia. Bởi lẽ, mấy năm qua học sinh, phụ huynh đã quá mệt với sự thay đổi ở kỳ thi này rồi. Tuy nhiên, Bộ cần có 2 điểm cần điều chỉnh. Thứ nhất, cần phải điều chỉnh về kỹ thuật ra đề để có sự phân hóa tốt hơn, phân loại được những học trò giỏi – khá – trung bình. Như kỳ thi vừa qua, có xuất hiện “cơn mưa điểm 10” nhưng chất lượng thì mọi người còn đang rất lo.

    Một thay đổi trong kỳ thi sắp tới đó là Bộ sẽ đưa kiến thức lớp 11 vào đề thi. Điều này tôi không đồng ý, kỳ thi vốn đã là áp lực cho các học trò, nay lượng kiến thức cần ôn tập lớn hơn thì các trò sẽ thêm vất vả. Nếu như đưa kiến thức lớp 11 vào thì tỷ lệ chỉ 10 – 20% là đủ.

    Đề sẽ phân hóa hơn, điểm ưu tiên sẽ thay đổi

    Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Kỳ thi THPT Quốc gia ngoài mục đích để xét tốt nghiệp THPT còn cung cấp dữ liệu để các trường đại học, cao đẳng thực hiện tuyển sinh. Vì thế, đề thi được thiết kế có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân hóa. Vì số câu hỏi phân hóa ít nên mức độ phân hóa đề thi có phần hạn chế so với đề thi chỉ dùng với mục đích tuyển sinh. Để tránh những “cơn mưa điểm 10”, ngay từ đầu năm học mới, Bộ đã giao cục Quản lý chất lượng tiếp tục triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, tăng cường mức độ phân hóa cho đề thi. Bộ sẽ công bố đề thi minh họa trong thời gian tới để thí sinh tham khảo.

    Về điểm ưu tiên trong tuyển sinh là thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với con em gia đình có công với nước, con em là người dân tộc, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Chính sách ưu tiên này đã được áp dụng từ nhiều năm nay và cần được tiếp tục duy trì trong những năm tới.

    Tuy nhiên, do cấu trúc đề thi THPT Quốc gia khác với cấu trúc đề thi tuyển sinh nên mức độ chênh lệch ưu tiên giữa các đối tượng và khu vực khác nhau cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp. Bộ đã làm việc với các cơ quan khác để tham khảo ý kiến về mức điểm ưu tiên phù hợp trong tuyển sinh. Sắp tới, những điều chỉnh này sẽ được đưa vào nội dung sửa đổi quy chế tuyển sinh.

    Công Luân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguyen-bo-truong-bo-gddt-lo-ngai-tinh-trang-30-diem-truot-dai-hoc-lai-tai-dien-a204073.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan