+Aa-
    Zalo

    Giải mã bí ẩn “vực không đáy” và giai thoại “hút người” ở Hà Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những giai thoại ly kỳ, xoay quanh chuyện “vực không đáy” ở Hà Nam luôn kích thích sự tò mò muốn khám phá của nhiều người.

    Những giai thoại ly kỳ, xoay quanh chuyện “vực không đáy” ở Hà Nam luôn kích thích sự tò mò muốn khám phá của nhiều người. Để khám phá những bí mật xoay quanh vực nước này, PV ĐS&PL đã đến tận nơi để được tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu.

    Truyền thuyết về ngôi chùa nằm dưới đáy vực sâu

    Mang những băn khoăn về truyền thuyết bí ẩn nơi được người dân ví von là “vực không đáy”, PV ĐS&PL tìm đến xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trong một ngày mưa phùn. Mặc dù không được thời tiết “ủng hộ” nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đến tận nơi để tìm hiểu và khám phá những câu chuyện nơi đây. Hỏi đến “vực không đáy”, người dân ở xã Tượng Lĩnh không ai là không biết. Nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của mọi người, chúng tôi dễ dàng tìm đến tận nơi “mục sở thị” vực nước bí ẩn với nhiều giai thoại. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vực này còn được gọi là vực Chùa Ông, nay gọi là vực đền Đức Thánh Tiên Ông, nhưng người dân vẫn quen miệng gọi là "vực không đáy".

    Nằm sát những vách núi lớn, “vực không đáy” chính là một hồ nước rộng mênh mông, sơn thuỷ hữu tình hài hoà tạo nên vẻ đẹp hút hồn du khách. Những câu chuyện kỳ bí được người dân lưu truyền cũng sẽ khiến bất cứ ai đặt chân đến vùng đất này không thể thôi tò mò.

    “Vực không đáy” trong truyền thuyết đẹp như tranh – Ảnh: Phương Ly.

    Theo chỉ dẫn của các cụ cao niên trong làng, chúng tôi leo 150 bậc thang lên đền Đức Thánh Tiên Ông, nơi được cho là ẩn chứa nhiều bí mật về vực nước. Hữu duyên, chúng tôi gặp được bà Lê Thị Hoa (70 tuổi), là thủ nhang tại đền đã gần chục năm nay. Bà Hoa cho biết, gia đình bà có ba đời được hầu hạ tại đền, từ đời ông cụ làm thủ từ tiếp nối đến đời cha và đến bà là thủ nhang. Khi được hỏi về những câu chuyện ly kỳ nơi đây, bà tự hào nói: “Từ khi còn tấm bé tôi đã theo bố vào đền, thường xuyên được nghe các cụ kể chuyện nên tôi là một trong số những người hiểu rõ nhất về câu chuyện xoay quanh vực nước này”.

    Bà cho biết, “vực không đáy” nằm ở vị trí khá đắc địa, trước là đền Đức Thánh Mẫu, trên núi là đền Đức Thánh Tiên Ông. Truyền thuyết của vực này cũng gắn liền với ngôi đền Đức Thánh Tiên Ông linh thiêng, huyền bí. Theo lời bà kể, cứ đến hội Đền hàng năm là trời luôn nổi cơn giông bão, mây mưa kéo đến ầm ầm.

    Vừa têm miếng trầu bà Hoa vừa kể, khoảng trăm năm về trước, chỗ vực nước bây giờ là một cánh đồng bằng phẳng, ở đó có một ngôi đền với cây đa cổ thụ thân to 6 – 7 người ôm không xuể. Theo các cụ kể, vào một hôm mưa to gió lớn, đất trời rung chuyển, nước lũ ập đến dồn dập khiến đê vỡ, nước từ nhiều nguồn đổ về khiến ngôi đền bị sụp xuống. Sau trận “đại hồng thuỷ” dữ dội ấy, khu vực ngôi đền khi xưa tạo thành một cái xoáy sâu, hút toàn bộ cát xuống đáy thành một cái vực nước sâu.

    Đền Đức Thánh Tiên Ông linh thiêng, huyền bí– Ảnh: Phương Ly

    Sau khi ngập trong biển nước, ngọn của cây đa cổ thụ năm nào vẫn nổi lên mặt nước. Bà Hoa kể, khi còn bé đi tắm ở vực nước ấy, trẻ con vẫn hay trèo lên ngọn đa chơi đùa, nhưng theo thời gian cây đa cũng dần biến mất. Theo lời các cụ, ngày xưa có nhiều thợ lặn đã lặn xuống để xác định độ sâu của vực nước nhưng đều bó tay. Càng lặn sâu càng cảm thấy tê buốt nên không ai dám lặn nữa vì thế không biết chính xác vực nước sâu bao nhiêu. Tuy nhiên, theo lời kể của những người thợ lặn, ngôi đền năm xưa và cây đa to vẫn hiện ra rất rõ ở dưới lòng nước. Câu chuyện về ngôi đền dưới vực được truyền từ đời này qua đời khác nhưng thực hư thế nào vẫn chưa ai dám khẳng định.

    Giải mã những câu chuyện huyền bí

    Những người cao tuổi trong làng cho rằng nước ở vực không đáy là do nguồn nước ngầm từ những ngọn núi ở chùa Hương chảy ra. Vì vậy, vực không bao giờ cạn nước. Những năm xã Tượng Lĩnh bị hạn hán, nguồn nước từ vực không đáy chính là nơi cứu hạn cho đồng ruộng.

    Những câu chuyện huyền bí về chiếc vực “hút người” cũng khiến chúng tôi tò mò. Phía sau cụm từ “hút người” ấy là những câu chuyện buồn. Bà Hoa kể, thời Pháp thuộc, quân Pháp đã bắn phá chùa chiền, người chết bị ném xuống vực này khá nhiều nên rất thiêng. Đặc biệt bên cạnh vách núi có một cái vũng nước xoáy, người xưa truyền tai nhau chỉ cần đến gần là sẽ bị hút lại, không thoát ra được.

    “Tầm chục năm về trước, có hai cô bé đến đây vãn cảnh đền chùa, trông thấy nước trong xanh tươi mát đã xuống tắm. Không lường trước được độ sâu của vực, các cô bơi xa bờ, chẳng may bị cuốn vào vòng xoáy, vùng vẫy thế nào cũng không ngoi lên được”, bà Hoa trầm ngâm kể lại.

    Trao đổi với PV, ông Trần Đức Dục, Trưởng thôn Phù Đê cho biết: “Thực ra những câu chuyện về “vực không đáy” cũng là do người dân không biết được độ sâu của vực nên cứ đồn rằng nó “không đáy”. Việc có nhiều người chết ở đây cũng là do nước sâu, lại xoáy nên nếu không cẩn thận rất dễ mất mạng. Thôn cũng đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm đến những người dân về sự nguy hiểm khi đến gần khu vực hồ”.

    Phương Ly

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật (số 32)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-bi-an-vuc-khong-day-va-giai-thoai-hut-nguoi-o-ha-nam-a335009.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan