+Aa-
    Zalo

    Cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp quốc gia: Hàng loạt vi phạm, giải nhất lạ lùng

    • DSPL
    ĐS&PL Là cuộc thi dành cho những học sinh đam mê khoa học, tuy nhiên VISEF đang vấp phải nhiều nghi ngại về kết quả cũng như quá trình chấm giải.

    Là cuộc thi dành cho những học sinh đam mê khoa học, tuy nhiên VISEF đang vấp phải nhiều nghi ngại về kết quả cũng như quá trình chấm giải.

    Có quá nhiều vi phạm

    Liên quan tới Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018 – 2019 khu vực phía Bắc, ngày 09 – 12/3/2019, sau khi gửi nhiều kiến nghị đến bộ GD&ĐT, Ban Tổ chức cuộc thi, các phụ huynh vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ đơn vị tổ chức.

    Theo nguồn tin của báo Người Đưa Tin, có khoảng 50 trong tổng số 242 đề tài dự thi Cuộc thi Khoa học kĩ thuật (VISEF) cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018 – 2019 khu vực phía Bắc vi phạm quy chế vẫn được chấp nhận dự thi. Đặc biệt, có 2 đề tài trong số này được trao giải Nhất.

    Đáng chú ý, có nhiều đề tài vi phạm quy chế vẫn được dự thi, đạt giải cao.

    Cụ thể, trong phụ lục II của Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT, Bộ đã quy định chi tiết những vật không được phép trưng bày tại cuộc thi. Trong đó, khoản 16 nêu rõ rằng phần thưởng, huy chương, danh thiếp, cờ, lô gô, bằng khen và hay bằng ghi nhận, trừ những thứ thuộc dự án do các tác giả tự thiết kế đều không được trưng bày. Trong trường hợp vi phạm điều khoản này, thì phải dùng giấy hoặc băng dính để che đi phần vi phạm. Dù trong quy chế đã nêu rõ nhưng tại cuộc thi khu vực phía Bắc có đến hơn 50 đề tài vẫn để logo trường, cờ, các hình ảnh mang tính quảng bá bị cấm ở trên poster và ban tổ chức cũng không hề có động thái xử lý vi phạm.

    Theo tìm hiểu của PV, Quy chế của kỳ thi (như được quy định tại thông tư 38 và 32 của bộ GD&ĐT) việc thẩm định hồ sơ dự thi phải được vụ Giáo dục trung học thực hiện chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ (cụ thể do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm Trưởng ban); và “chỉ những hồ sơ được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt đủ điều kiện dự thi mới được tham dự Cuộc thi ” (trích Điểm 4, Điều 15, Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT).

    Chưa dừng lại ở đó, 2 tác phẩm vi phạm quy chế trên vẫn được trao giải Nhất là "Nghiên cứu chế tạo hạt các hạt nano bạc nhằm ứng dụng tạo màng bảo quản trái cây" và Dự án "Nâng cao nhận thức cho học sinh THPT trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của tỉnh Lào Cai".

    Hai đề tài vi phạm quy chế cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp quốc gia vẫn được trao giải nhất.

    Cùng với đó, theo quy định của ban tổ chức, các nghiên cứu liên quan đến động vật cũng không được phép dự thi tuy nhiên có 2 trong số 242 đề tài vẫn vi phạm quy chế này.

    Vi phạm sẽ bị tước quyền tham dự

    Theo quy định về quy trình giám định đề tài của Ban tổ chức ISEF ở Mỹ, trước khi giám khảo chấm thi, việc kiểm định khu trưng bày dự án đặc biệt được chú trọng. Các poster dự án phải tuân theo các quy định về trình bày của cuộc thi. Khi có vi phạm thì dự án đó bắt buộc phải có bước xử lý và sửa chữa vi phạm đó. Nếu có vi phạm thì sẽ bị tước quyền tham gia dự thi và không được công nhận là thí sinh dự thi.

    Là 1 nhánh nhỏ của Cuộc thi Intel ISEF, VISEF bắt buộc phải tuân theo các quy định cơ bản của Intel ISEF. Trong đó, bao gồm cả quy định gian trưng bày và việc xét duyệt dự án.

    Quy định ISEF cũng chỉ rõ các hình ảnh đều phải có nguồn gốc rõ ràng được ghi chú rõ trên poster, kể cả hình ảnh của bản thân cũng phải ghi rõ nguồn là tác giả dự án. Các poster thể hiện được nội dung khoa học của dự án, các thuật toán, số liệu minh chứng cho thành quả nghiên cứu cơ sở khoa học cho đề tài. Ở nhiều poster của đề tài được trao giải khu vực phía Bắc, cả nền tảng cơ bản lẫn sự đột phá của dự án đều không thể hiện rõ, chỉ có ảnh của tác giả, không hề có nguồn gốc rõ ràng.

    Được biết, sau khi bộ GD&ĐT công bố kết luận chấm thẩm định, phụ huynh có đơn kiến nghị cho rằng công bố đi "lạc hướng", không trả lời câu hỏi có việc sao chép đề tài đã công bố hay không, không minh bạch trong công bố hội đồng thẩm định và quy trình chấm. Bên cạnh đó, việc ban tổ chức chỉ chấm trên báo cáo chứ không phỏng vấn thí sinh, xem poster cũng là toàn diện…

    Đề tài vi phạm quy chế trong việc gắn logo vào poster.

    Quy trình chấm giải có vấn đề?

    Theo Thông tư số Điều 17 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT, quy trình chấm thi một dự án gồm 2 phần với tổng số điểm là 100: Chấm thi thông qua hồ sơ dự án và đánh giá thông qua gian trưng bày, trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên ở lần thẩm định đề tài này, việc thẩm định lại chỉ đơn thuần dựa vào quyển báo cáo dự án mà các em học sinh đã nộp.

    Điều này đã được khẳng định lại bởi ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng vụ Trung học (Bộ GD&ĐT): “Mỗi giám khảo trong thành viên của hội đồng chấm thẩm định là độc lập nghiên cứu báo cáo của học sinh để từ đó đánh giá sự phù hợp”.

    Việc chấm thông qua hồ sơ dự án bao gồm chấm Câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu (10 điểm), Kế hoạch và phương pháp nghiên cứu (15 điểm), Thực hiện kế hoạch nghiên cứu (20 điểm). Tổng điểm ở phần chấm báo cáo chỉ gồm có 45 điểm. Như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi, còn hơn nửa số điểm, Bộ đã thẩm định bằng cách nào?

    Các tiêu chí đặc biệt quan trọng như Tính sáng tạo, Gian trưng bày (thiết bị, mô hình thực tế, khả năng ứng dụng của sản phẩm, …), Trả lời phỏng vấn (sự hiểu biết của học sinh về vấn đề nghiên cứu, khả năng thuyết trình, khả năng bảo vệ đề tài, …) chiếm đến 55/100 điểm, Bộ và Hội đồng đã đánh giá qua các tiêu chí và phương pháp nào khác? Việc chấm thẩm định như vậy có khách quan, công bằng hay không?

    Hơn nữa, cũng theo ông Thành, việc chấm thi các công trình khoa học kỹ thuật này, ngoài việc chấm kết quả sau cùng, còn chấm cả quá trình nghiên cứu của học sinh. Quá trình chấm có 3 tiêu chí rõ ràng, về mục tiêu, thiết kế, phương án giải quyết vấn đề để thực thi.

    Tuy nhiên, quyển báo cáo cũng chỉ là kết quả dù không phải là cuối cùng, là nơi các em phần nào thể hiện được sản phẩm của mình để BGK thẩm định đề tài. Vậy, chỉ qua quyển báo cáo, bộ GD&ĐT đã thẩm định quá trình nghiên cứu của các em học sinh như thế nào? Đặc biệt, với các đề tài kỹ thuật, khi không có mô hình hay sản phẩm trưng bày, làm thế nào để Hội đồng thẩm định có thể đánh giá đề tài một cách chính xác? Liệu Bộ đã đánh giá cả một quá trình nghiên cứu nhiều tháng của các em học sinh qua quyển báo cáo như thế nào trong khi trong hồ sơ dự án không hề có nhật ký nghiên cứu hay bản kế hoạch nghiên cứu kèm theo?

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-thi-khoa-hoc-ki-thuat-cap-quoc-gia-hang-loat-vi-pham-giai-nhat-la-lung-a269325.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan