+Aa-
    Zalo

    Tết sum vầy trong gia đình tứ đại đồng đường giữa lòng phố cổ

    • DSPL
    ĐS&PL Ngay giữa lòng phố cổ Hà Nội, vẫn có một gia đình tứ đại đồng đường năm nào cũng quây quần đón Tết, diện áo dài du Xuân.

    Trong nhịp sống hối hả “bắt nhịp” với công nghệ như hiện nay, hình ảnh những gia đình sum vầy đón Tết ở thành phố lớn dường như cũng dần trở nên hiếm hoi, nhạt nhòa. Ấy vậy mà, ngay giữa lòng phố cổ Hà Nội, vẫn có một gia đình tứ đại đồng đường năm nào cũng quây quần đón Tết, diện áo dài du Xuân. 

    Bí quyết “giữ lửa” trong ngôi nhà cổ 

    Việc sinh sống hòa hợp giữa nhiều thế hệ tưởng chừng là một điều không thể trong nhịp sống hối hả hiện nay. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, tại một ngôi nhà nhỏ giữa lòng phố cổ Hà Nội, gần 20 thành viên thuộc bốn thế hệ của gia đình cụ Nguyễn Thị Tề (SN 1934) vẫn sống hòa thuận, vui vẻ dưới một mái nhà. 

    Bước vào ngôi nhà nhỏ trên phố Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, một khung cảnh thân thuộc, gần gũi và đầm ấm hiện lên, khác hẳn với những ồn ào, tấp nập của phố thị phía bên ngoài cánh cửa. Cụ Nguyễn Thị Tề cùng gia đình đã chuyển về đây sinh sống từ hơn 60 năm nay, gian nhà nhỏ đã chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của các thế hệ. Ngồi bên chiếc bàn gỗ mộc mạc, một cụ bà 85 tuổi với búi tóc gọn sau mái đầu bạc điềm đạm nhấp ngụm nước trà, bắt đầu câu chuyện ngày ấy. Giọng cụ Tề bỗng có chút bồi hồi khi nhắc đến hồi ức của 70 năm trước. 

    Ở cái tuổi trăng tròn đẹp nhất, cụ Tề mang nét đẹp giản dị, thanh lịch của thiếu nữ Hà thành xưa. Năm 16 tuổi, cụ nên duyên với một chàng trai lớn hơn 3 tuổi, sống cùng làng Cót. Đám cưới diễn ra hết sức đạm bạc. Một thời gian sau, hai vợ chồng cụ Tề chuyển về phố Hàng Cân sinh sống và mở hàng thuốc đông y. Gần 20 năm kể từ lúc cụ ông Nguyễn Viết Tường qua đời, cụ Tề vẫn luôn cảm nhận có sự hiện hữu của người bạn đời bên cạnh. Vốn mồ côi bố mẹ từ nhỏ, thiếu thốn tình cảm, nên khi có gia đình riêng, cụ Tường dành hết tình yêu để vun đắp, che chở cho vợ con. 

    Ngôi nhà nơi phố cổ chưa từng một lần phải chứng kiến cảnh hai cụ xô xát, nặng lời với nhau. Có lẽ, cuộc sống yên bình, hạnh phúc của hai cụ như một tấm gương hoàn mỹ, ảnh hưởng không nhỏ đến hôn nhân của các con sau này, anh em, vợ chồng các con, cháu của cụ vô cùng hòa thuận, êm ấm dù bốn thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Chia sẻ bí quyết “giữ lửa” gia đình, cụ Tề bộc bạch, các con dâu rất tự giác, người con dâu cả quán xuyến việc chung, còn hai cô dâu út thay phiên nấu nướng.

    Khi có xung đột xảy ra, cụ không mắng mỏ mà thường gọi các con ra phân tích, chỉ bảo: “Người Hà Nội dùng ngôn từ chuẩn xác, thanh âm nhỏ nhẹ, không dùng từ ngữ thô tục, sỗ sàng. Lúc nào trò chuyện với ai cũng thể hiện sự tôn trọng. Các cụ xưa đã dạy, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Với người ngoài phải lịch thiệp, tại sao chung một máu mủ, một gia đình lại không làm vậy?”. “Người lớn là tấm gương mẫu mực cho thế hệ con cháu. Muốn gia đình thuận hòa, yên ấm, bản thân mỗi người phải biết giữ nếp nhà, kính trên, nhường dưới. Vợ chồng tôi cư xử thế nào, các con, các cháu cứ thế mà học...”, nụ cười vẫn rạng rỡ trên gương mặt đã điểm những chấm đồi mồi và không ít nếp nhăn của thời gian. 

    Gần 11h trưa, bà Nguyễn Thị Kim Quy (SN 1955), con dâu trưởng của cụ Tề bước vào căn bếp chung để chuẩn bị bữa cơm gia đình, chia sẻ: “Tôi về làm dâu từ năm 1974, đến nay cũng được 45 năm, nhưng chưa bao giờ có cảnh “sống chung với mẹ chồng” như trong phim. Mẹ thương chị em chúng tôi như con gái ruột, luôn chỉ bảo ân cần, có làm sai cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng để chúng tôi hiểu”. 

    Không chỉ có chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện các chị em dâu trong nhà cũng đều hòa thuận. Sáng sáng, mấy chị em dâu đi chợ rồi cùng nhau đi uống café để tâm sự, sẻ chia. Đây cũng có thể chính là bí quyết để gắn kết thêm tình cảm chị em dâu trong nhà. 

    Những người phụ nữ say mê tà áo dài 

    Vốn là một thiếu nữ Hà thành, cụ Tề có một niềm say mê vô tận với những tà áo dài. Trong chiếc tủ gỗ đã sờn màu, cụ Tề có đến hơn 20 chiếc áo dài với đủ chất liệu, màu sắc, hoa văn, có cả chiếc áo dài chuyên đi lễ chùa. “Đó là tôi còn gửi tặng rất nhiều cho những giáo viên ở vùng cao rồi đó”, cụ cười nói.

    “Mình là phụ nữ Việt mà, mình phải yêu tà áo dài chứ, đó là truyền thống, là quốc hồn quốc túy của dân tộc... Đẹp như vậy, cớ gì lại không yêu?!”, ánh mắt cụ Tề bỗng long lanh khi nhắc đến niềm tự hào của mình. 

    Tình yêu đối với tà áo dài của cụ Tề có lẽ cũng “tỏa hương” sang con cháu, những người con dâu của cụ, ai cũng sở hữu hàng chục chiếc áo dài. Có lần, một vị khách ghé chơi, tình cờ được chiêm ngưỡng “gia tài” áo dài trong gia đình cụ, đã phải trầm trồ thốt lên: “Số áo dài trong gia đình cụ có thể mở hẳn một xưởng áo dài hay bảo tàng áo dài được cũng nên”. “Phụ nữ Việt Nam mình diện áo dài là đẹp nhất”, cụ Tề đưa tay với một chiếc áo dài nhung màu tím Huế, kể về những kỷ niệm. 

    Biết cụ Tề thích áo dài, con cháu trong nhà ai cũng muốn chọn những thước vải tốt nhất, đẹp nhất biếu cụ nhân những dịp đặc biệt của gia đình. Trong “gia tài” áo dài đồ sộ của cụ Tề, có đến hơn một nửa là những chiếc cụ được tặng, được biếu. Nụ cười hồ hởi lướt qua từng tà áo dài, cụ bảo: “Đây là cả một “gia tài” đối với tôi đấy!... Các con và các cháu tôi bây giờ cũng thích áo dài lắm, ai cũng may mấy bộ liền... Tết đến mà cả nhà cũng mặc áo dài chụp ảnh lưu niệm hoặc đi du Xuân thì còn gì bằng...”. 

    Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cả gia đình cụ Tề, người phụ nữ nào cũng diện những chiếc áo dài xúng xính đi chúc Tết, đi du Xuân. Cụ Tề không quên kể lại những cái Tết của mấy chục năm trước, khi các con còn nhỏ, cả gia đình cụ mặc đồ tươm tất, lên tàu điện từ Bờ Hồ về khu Cầu Giấy thăm gia đình họ hàng. Cảm giác những năm tháng đó dường như vẫn vẹn nguyên, cả một trời kỷ niệm như ùa về trong đáy mắt người phụ nữ Hà thành. 

    Xếp hàng... chúc Tết 

    Chiếc bàn tròn bằng gỗ vừa để tiếp khách, vừa là nơi tụ họp trong những bữa cơm chung của đại gia đình. “Nhà chật, người đông, các thành viên trong gia đình không thể ăn chung một lần, nên ai có công việc, hay các cháu phải đi học... có thể ăn trước, những người về sau ăn cơm sau. Ấy vậy mà vẫn có những buổi xúm xít quây quần, có người phải đứng gắp thức ăn như ăn buffet...”, bà Quy hóm hỉnh chia sẻ.

    Vào các dịp giỗ, Tết, việc đại sự hoặc trong nhà có chuyện vui, tất cả các thành viên lại quây quần, ăn một bữa cơm chung. Đặc biệt, ngày 30 Tết, dù có bận rộn ra sao, đại gia đình cũng cố gắng sum vầy, dùng bữa cơm tất niên, cũng là giây phút lắng đọng, kết nối các thành viên thêm gắn bó. Mâm cỗ Tết năm nào cũng phải “đủ vị” truyền thống, cụ Tề tất bật chuẩn bị từ những nguyên liệu tươi ngon nhất. Mặc dù trong mấy năm trở lại đây, gia đình cụ không còn gói bánh chưng nữa, nhưng hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng từ ngày 27 Tết vẫn luôn là một kỷ niệm khó quên. Điều đáng “ghen tị” nhất ở ngôi nhà nhỏ trên phố Hàng Cân này, có lẽ là khung cảnh những ngày đầu Xuân năm mới. Cụ Tề trong bộ áo dài thướt tha, tóc búi chỉn chu ngồi bên chiếc bàn gỗ, nét mặt rạng ngời.

    Họ hàng, con cháu từ khắp nơi tíu tít tụ họp về chen chân chật kín trong gian phòng nhỏ, có khi phải “xếp hàng” ra tận cửa để... chúc Tết. “Hiện giờ, trong cả họ chỉ còn mình cụ nhà tôi là “lão niên” nhất, vì thế, năm hết, Tết đến, trong nhà không khi nào ngơi khách, đến chúc Tết cụ”, bà Quy tiết lộ lý do của những buổi “xếp hàng” tấp nập. Vẫn giữ phong tục cổ truyền, lần lượt con cháu gửi những lời chúc may mắn, an khang đến cụ, cụ Tề lại lì xì cho con cháu để lấy hên đầu năm. “Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”.

    Có lẽ, ngồi giữa những vòng ôm ấm áp của bao thế hệ với cơn mưa lời chúc sức khỏe, lời chúc bình an, cụ Tề trở thành người phụ nữ hạnh phúc nhất. Hà Nội những ngày Tết Nguyên đán bỗng trở nên trầm lắng lạ thường, đường phố không còn quá tấp nập, những khu vui chơi cũng không còn sôi nổi, nhưng sau cánh cửa kia, tiếng cười giòn giã vẫn chưa bao giờ nhòa nhạt. Tết năm nào, từng mảng tường, viên gạch đong đầy ký ức vẫn chứng kiến những bữa tiệc ngập tràn tiếng cười hạnh phúc, của các thế hệ trong gia đình tứ đại đồng đường.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 15+16+17+số 4 (Tháng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-sum-vay-trong-gia-dinh-tu-dai-dong-duong-giua-long-pho-co-a308794.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan