+Aa-
    Zalo

    Chủ tọa phiên tòa vụ nữ sinh giao gà lần đầu kể về quyết định tuyên 6 án tử làm "dậy sóng" tỉnh Điện Biên

    • DSPL
    ĐS&PL Đằng sau phiên tòa vụ nữ sinh giao gà đầy căng thẳng là những đêm không ngủ, trăn trở về một bản án đúng pháp luật, hợp lòng dân của vị Chánh án TAND tỉnh Điện Biên.
    4 ngày xét xử, 6 bị cáo bị tuyên tử hình cùng lúc, vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên chưa bao giờ sục sôi, nhận được nhiều sự chú ý của dư luận đến như vậy. Thế nhưng, đằng sau phiên tòa đầy căng thẳng, sau mỗi giây phút đấu trí với các đối tượng là những đêm không ngủ, trăn trở về một bản án đúng pháp luật, hợp lòng dân của vị chủ tọa- Chánh án TAND tỉnh Điện Biên. 

    Vụ án nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên bị sát hại liệu rằng có phải là vụ án lớn nhất tại Điện Biên không thưa ông?

    Sau 20 năm, đây là vụ án lớn nhất được tiến hành xét xử tại sân vận động tỉnh Điện Biên.

    Ngoài ra, đây cũng là vụ án giết người lớn nhất từ trước tới nay tại Điện Biên. Nó thể hiện ở chỗ nhiều bị cáo tham gia, các bị cáo gây ra rất nhiều tội và đều là những tội đặc biệt nghiêm trọng.

    Chánh án TAND tỉnh Điện Biên- Chủ tọa phiên xét xử vụ nữ sinh giao gà bị sát hại.

    Khi đọc hồ sơ vụ án anh có cảm nhận, suy nghĩ như thế nào về các bị cáo?

    Khi đọc hồ sơ, tài liệu của cơ quan điều tra và cuối cùng bản án có thể thấy rõ được sự thú tính của các bị cáo.

    Các bị cáo đã lên kế hoạch, có sự tính toán rồi ra tay tàn độc với nạn nhân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán mà đáng lẽ ra, nữ sinh Cao Mỹ Duyên phải được quây quần bên gia đình.

    Tại sao TAND tỉnh Điện Biên lại quyết định đưa vụ án ra xét xử tại sân vận động, ông có lo lắng rằng sẽ gây ra phản ứng ngược trong dư luận?

    Theo quy định của pháp luật, thường những vụ án về hiếp dâm trẻ em, dâm ô, nạn nhân là người dưới 18 tuổi, dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý thì tòa sẽ tiến hành xử kín để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Ở đây, với vụ án nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên bị sát hại đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội, dư luận cũng vô cùng phẫn nộ. Người dân mong muốn được trực tiếp xem xử án, bày tỏ quan điểm cá nhân trước phán quyết của tòa. Trụ sở của tòa thì quá nhỏ, không đủ để toàn bộ người dân có thể tham dự.

    Như bạn đã thấy, người dân họ rất chú ý lắng nghe, chăm chú theo dõi từng diễn biến tại phiên tòa. Đó là một cách tuyên truyền trực quan sinh động, đầy sức răn đe.

    Trước một vụ trọng án nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Và khi ngồi ở vị trí chủ tọa, nhìn về phía các bị cáo đang vô cùng hối hận, bật khóc và mong muốn được làm lại cuộc đời, ông có trăn trở khi tuyên 6 án tử cùng lúc?

    Nếu nói rằng tôi không bị áp lực từ dư luận về bản án này thì không hẳn. Đây là vụ án bắt cóc, hiếp dâm nhằm chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, trong cùng một thời gian có nhiều bị cáo cùng phạm tội, phạm tội nhiều lần mà các tội đó đều đặc biệt nghiêm trọng.

    Các bị cáo trong vụ án đều là những đối tượng nghiện ma túy, nhiều tiền án tiền sự, ra tù vào tội. Có bị cáo có 2 tiền án, vừa mới ra tù lại tiếp tục quay trở lại con đường phạm tội nên lại càng phức tạp hơn.

    Lường Văn Lả bật khóc, hối hận về những tội ác mình đã gây ra.

    Hơn nữa, 6 bị cáo bị tuyên án tử cùng một lúc, mức án cao như vậy thì bất cứ ai ngồi ở vị trí chủ tọa cũng phải trăn trở, đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng đây là quy định của pháp luật, chúng tôi phải thực hiện theo luật.

    Trong suốt quá trình xét xử, các bị cáo tỏ ra ân hận, thậm chí khóc trước tòa khi được nói lời sau cùng. Ví dụ Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả, Phạm Văn Nhiệm, Phạm Văn Chương, các bị cáo không ngờ sự việc lại trầm trọng như thế này và muốn làm lại cuộc đời. Song, pháp luật không dành cho những con người thú tính như vậy, cần phải loại ra khỏi cuộc sống để đảm bảo công bằng pháp luật, an ninh trật tự và răn đe cho những người khác.

    Còn đối với những đối tượng như Bùi Văn Công, Bùi Thị Kim Thu, Vương Văn Hùng, gương mặt của họ rất bình thản, hết sức ghê gớm. Các bị cáo vô cùng ngoan cố, quanh co chối tội, trốn tránh trách nhiệm về việc làm mà mình đã gây ra.

    Ngay sau khi ông tuyên án đối với Bùi Thị Kim Thu, người dân phía dưới lập tức phản đối, cho rằng là chưa đủ nghiêm minh, mức án là quá nhẹ. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

    Việc người dân phản đối mức án của bị cáo Thu một phần vì họ đang quá căm phẫn đối tượng này khi đã gián tiếp gây nên cái chết của nữ sinh giao gà. Thu hoàn toàn có cơ hội để báo cáo tới cơ quan chức năng, giải cứu cho Cao Mỹ Duyên nhưng bị cáo đã không làm. Phần khác, người dân đang có nhận thức chưa đúng, chưa hiểu rõ luật pháp.

    Đối với tội không tố giác tội phạm của Bùi Thị Kim Thu, HĐXX đã áp dụng kịch khung là 3 năm. Hơn nữa HĐXX chỉ có thẩm quyền xét xử những tội mà VKS đã truy tố theo quy định pháp luật chứ cũng không thể tự xử thêm tội nào khác.

    6/9 bị cáo bị tuyên án tử trong vụ bắt cóc, hiếp dâm, sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên.

    Khi tôi trao đổi với ông Cao Văn Hường, gia đình có nói sẽ xin giảm án cho các bị cáo nếu như họ khai rằng bà Hiền không buôn ma túy, không liên quan đến vụ án. Ông nghĩ gì về điều này ạ?

    Thứ nhất hành vi mua bán trái phép chất ma túy của bà Trần Thị Hiền đã được xét xử từ trước đó rồi. Hai vụ án này hoàn toàn độc lập. Tất nhiên, vì có sự mua bán ma túy nên mới dẫn đến việc các bị cáo bắt cóc Cao Mỹ Duyên nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình bị hại.

    Song, ý kiến của gia đình muốn các bị cáo khai rằng bà Hiền vô tội theo tôi là khó chấp nhận. Trong tố tụng, các bị cáo có quyền khai hoặc im lặng, HĐXX chỉ căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan đ'iều tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để kết tội các bị cáo. Gia đình không thể “hướng” bị cáo khai theo những gì mà mình mong muốn.

    Tại phiên tòa, không dưới 3 bị cáo từng nhắc đến việc bị ép cung, đánh đập khi lấy lời khai. Liệu rằng tòa Điện Biên có yêu cầu cơ quan công an điều tra lại chi tiết này không?

    Trong suốt quá trình điều tra, các bị cáo không phải một lần làm bản tường trình mà đã phải làm nhiều lần. Khi lấy lời khai không chỉ có điều tra viên, kiểm sát viên mà còn có cả luật sư của các bị cáo. Trước khi kết thúc, các bị cáo được quyền đọc lại bản lời khai do điều tra viên ghi chép lại.

    Tôi cho rằng, các bị cáo nói rằng mình bị ép cung, chỉ điểm tại phiên tòa là chuyện bình thường. Vì đó là cách để họ bao che cho hành vi phạm tội của mình.

    Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

    Nguyễn Phượng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-toa-phien-toa-vu-nu-sinh-giao-ga-lan-dau-ke-ve-quyet-dinh-tuyen-6-an-tu-lam-day-song-tinh-dien-bien-a308826.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan